Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức là nơi đang điều trị nội trú cho hơn 1.300 bệnh nhân, đa số đều bệnh nặng. Ở nơi thời gian như ngừng trôi này, tình mẫu tử của các bệnh nhân đã khiến đội ngũ y, bác sĩ và điều dưỡng thật sự cảm động.
“Làm mẹ phải lo cho con”
Chị Nguyễn Thị Thu Oanh (44 tuổi) vô trung tâm đã 12 năm nay. Sáng nào chị cũng luôn tay luôn chân giúp các nhân viên chăm sóc bệnh nhân ở cùng khu B. Các bệnh nhân lớn tuổi hoặc bệnh nặng hơn để chị lau mặt, thay quần áo, làm vệ sinh...
Sau khi làm xong công việc của mình, chị nói như người tỉnh: “Ở đây mấy ông bà già không tự làm vệ sinh được, tui giúp người ta. Mấy lần người nhà của họ vô thăm, có nhờ tui chăm giùm và cho tiền. Có tiền thì mình lo được cho con đi học, không có tiền thì mình tích phước cho con”.
Chị móc trong túi ra một cuộn tiền gồm nhiều mệnh giá khác nhau, đếm được hơn 200.000 đồng, đó là tiền một người vừa tặng cho chị vì chị đã giúp chăm sóc người thân của họ. Số tiền đó chị cất kỹ và đợi con gái vô thăm sẽ đưa cho con. Nhắc tới con gái, gương mặt chị rạng ngời: “Bé Nguyên đang là sinh viên sư phạm đó, giỏi lắm, ngoan lắm, đẹp gái lắm. Mới thứ Năm vừa rồi bé Nguyên vô thăm tui, mua cho tui bánh mì. Thương nó quá trời. Mình cho nó ít tiền mua sách vở rồi đó. Mình làm mẹ phải ráng lo cho con”.
Bà Trung Vinh hôn con rối rít khi được gặp con. Ảnh: HM
Chị Thu Oanh (trái) chăm sóc cho những bệnh nhân cùng khu trại. Từ
công việc này, chị có thêm thu nhập để “lo cho con ăn học”. Ảnh: HM
Chị Oanh nhớ mang máng ngày xưa chị đi bán vé số, không biết vì sao phát bệnh rồi người nhà đưa vô đây. Chồng chị đến thăm chị một lần rồi thôi. Thỉnh thoảng chị buồn khóc, có lúc tuyệt vọng. Nhưng thời gian qua, các cán bộ ở trung tâm cho biết sức khỏe của chị khá ổn, tinh thần của chị tốt hơn trước rất nhiều, nhất là mỗi khi được con gái đến thăm. Khoảng hai, ba tuần con gái đến thăm chị một lần.
Chị kể con gái bàn kế hoạch đón mẹ về nhà ăn tết. Chị vui lắm nhưng đến khi con gái vô thăm chị lại gạt đi vì: “Mẹ ở đây phụ mấy cô chăm sóc mấy ông bà già, công việc bỏ ngang đâu được. Mẹ làm tốt cho người ta, mẹ cũng có tiền. Con rảnh khi nào chạy vô thăm mẹ”.
Tình mẫu tử - thứ còn lại duy nhất
Bà Dương Trung Vinh (sinh năm 1953) là một trong những bệnh nhân bệnh nặng nhất. Bà vô trung tâm đã hơn 10 năm và lúc nào cũng cười nói ngây ngô như đứa trẻ. Có người hỏi tên, bà trả lời như học trò nhỏ: “Em quên tên em rồi cô”.
Nhưng khi nhân viên của trại đến phát bánh mì ăn sáng, bà Vinh ngoan ngoãn: “Xin phép mấy cô cho em mang ổ bánh này cho thằng Quang…”.
Quang là tên con trai bà, năm nay em 15 tuổi và cũng vào trung tâm điều trị bệnh tâm thần hơn một năm qua.
Thỉnh thoảng em gái bà Vinh vào thăm chị và gửi một ít tiền. Bà thường dùng tiền đó để mua trà đá. Nhưng nhiều lần, bà chạy đi tìm nhân viên “hối lộ” 2.000 đồng và nói: “Em nhớ con em quá cô, cô cho em gặp thằng Quang nha cô, em cho cô tiền”.
Chị Phạm Thị Thảo, Trưởng phòng Công tác xã hội của trung tâm, bật cười khi bà Vinh “hối lộ” tiền cho chị để được gặp con. Chị Thảo hỏi lại bà Vinh: “Bà gặp con hồi nào rồi?”. Bà Vinh trả lời: “Mới hồi sáng nay, em cho nó nửa ổ bánh mì đó cô”. Chị Thảo sang khu bệnh nhân nam đón Quang qua thăm mẹ. Thấy Quang đi đến, bà Vinh chạy ra cổng sắt, cầm lấy chấn song, gọi rối rít: “Mẹ nè Quang ơi, mẹ nhớ con quá!”. Cứ vắng bóng con một chút là bà lại thấy nhớ quay quắt, suốt ngày đòi đi gặp con.
Gặp được con, bà ôm hôn con rối rít, khen con đẹp trai. Bà nắm tay con, hôn con cho đến khi Quang ngại ngùng đẩy bà ra. Đến khi Quang về trại rồi, bà lại ngồi thẫn thờ. Bà nói: “Hồi xưa nó học Trường Tiểu học Kiến Thiết, học giỏi được giấy khen luôn đó cô. Em mong nó học thành tài, rồi sau đó cưới vợ cho nó. Nhưng từ hồi cha nó mất em buồn quá, bệnh hoài”.
Có nhiều lần bà không chịu làm theo hướng dẫn của nhân viên, chẳng hạn cứ ngồi im một chỗ không chịu đi tập thể dục, tắm nắng. Các chị dỗ ngọt: “Chị Vinh làm đi lát nữa cho gặp thằng Quang”, tức thì bà đứng dậy làm ngay.