Điều dưỡng - Những người thầm lặng vì bệnh nhân

12-05-2022 07:00 | Sự hi sinh thầm lặng
google news

SKĐS - Sự tận tâm và những hy sinh thầm lặng của người điều dưỡng đã góp phần tạo nên thành công trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và sự tin yêu của nhân dân.

Trách nhiệm, tận tâm - phẩm chất cần có nhất của người điều dưỡng giỏi

Gắn bó với nghề điều dưỡng hơn ba thập kỷ, chị Nguyễn Mai Phượng, Phó Trưởng phòng Điều dưỡng Kỹ thuật viên của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, chia sẻ trong phần lớn 34 năm công tác, chị dành tới 26 năm trực tiếp chăm sóc người bệnh.

Là một trong những người dạn dày kinh nghiệm điều dưỡng, chị càng thấm thía tính đặc thù của nghề này.

Điều khiến chị Phượng tâm đắc nhất là đào tạo cho điều dưỡng phải biết có trách nhiệm với những việc mình làm. Từ lời nói, hành động, việc làm, cả trong hành vi ứng xử với người bệnh, người nhà người bệnh, với đồng nghiệp… đều phải đề cao tính trách nhiệm.

Tự hào và trăn trở của những người làm công tác điều dưỡng - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Mai Phượng, Phó Trưởng phòng Điều dưỡng Kỹ thuật viên.

Những năm là điều dưỡng chăm sóc người bệnh, kỷ niệm dù đã lùi xa nhưng chị vẫn nhớ như vừa mới đây. Có lần khi chị đến làm việc tại khoa Hemophilia. Một người đàn ông tiến đến gần chị rồi lịch sự cất lời chào. Anh tự giới thiệu là bố của một bệnh nhân tại khoa rồi đưa chị đến trước giường của cháu.

À, đây là cậu bé từng được chị chăm sóc. Nhanh quá, hồi đó, cậu còn là bé trai loắt choắt vậy mà giờ đã lớn thành một chàng thanh niên. Người bố nói vẫn nhớ ơn chị vì khi ở cơ sở cũ chị đã chăm sóc cháu tận tình và giúp đỡ cháu khi gia đình gặp khó khăn. 

"Hôm đó, ngay tại buồng bệnh của khoa Hemophilia, tôi đã thực sự cảm động. Tôi cảm nhận được niềm vui trong ánh mắt của bố con người bệnh cũ và cả niềm vui của những người bệnh khác. Vậy có thể coi là mình đã làm một việc rất nhỏ bé, bình thường nhưng với người bệnh lại là sự trân trọng", chị Phượng xúc động nói.

"Điều tôi muốn nói ở đây là bạn hãy cứ đối xử chân thành với tất cả mọi người dù đó là ai. Bạn sẽ nhận lại được những niềm vui, những hạnh phúc nghề nghiệp mà không tiền nào có thể mua được", chị đúc kết.

Chị cũng luôn truyền cho các thế hệ điều dưỡng của viện sự cần thiết của tính mềm mỏng, dễ gần, chan hòa nhưng phải có nguyên tắc, yêu cầu cao trong công việc.

Điều dưỡng viên có nhiệm vụ cùng với bác sỹ đấu tranh, giành giật cho sự sống của người bệnh. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, sự chậm trễ có thể mất cơ hội cứu sống.

Nghề nào cũng phải cần có chữ "tâm", nghề điều dưỡng lại cần thiết hơn khi hàng ngày phải chứng kiến nhiều cảnh đời éo le, bất hạnh, nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Đã lựa chọn nghề điều dưỡng là bạn phải chấp nhận hy sinh, chấp nhận thiệt thòi cá nhân, phải là người can đảm bởi áp lực công việc không nói được bằng lời.

Điều dưỡng viên – người lắng nghe, thấu hiểu tâm tư bệnh nhân 

Đó cũng là tâm tư của Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Hoa Yên, Khoa Điều trị hóa chất, người đã gắn bó trực tiếp với công tác điều dưỡng được 31 năm và kinh qua nhiều đơn vị như khoa Bệnh máu lành tính (C7), Trung tâm Thalassemia, Trung tâm Hemophilia… trước khi được phân công làm Điều dưỡng trưởng khoa Điều trị hóa chất.

Tự hào và trăn trở của những người làm công tác điều dưỡng - Ảnh 2.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Hoa Yên đang chuẩn bị chế phẩm máu để truyền cho người bệnh.

Một trong những nhiệm vụ chính của người điều dưỡng là thực hiện y lệnh của bác sĩ: tiêm, truyền, phát thuốc. Nhưng công việc ấy không phải vận hành như một "cỗ máy". Với người bệnh và người nhà người bệnh, họ còn là người bạn tâm giao.

Người bệnh ung thư máu lúc mới nhập viện đều rất tuyệt vọng, suy nghĩ tiêu cực. Nhưng trong quá trình điều trị, họ dần dần tin và hợp tác với điều dưỡng, với bác sĩ.

Hơn 30 năm làm nghề, chưa một ngày chị Hoa Yên cho phép mình được nghỉ ngơi. Với chị Yên, được cống hiến, được chăm sóc và chứng kiến người bệnh bình an trở về bên gia đình là niềm vui, hạnh phúc của người điều dưỡng.

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp, khoa của chị Yên có gần 100 bệnh nhân ưng thư máu bị nhiễm COVID-19. Các thầy thuốc trong khoa phải gồng mình lên nhưng ai cũng thấy vui và hạnh phúc vì mình đã góp một phần nhỏ trong việc hỗ trợ cho người bệnh và chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

"Đồng nghiệp của tôi có những người cả tháng không được gặp gia đình, con cái. Họ phải cách ly với thế giới bên ngoài để ngày đêm chăm sóc cho người bệnh máu và cả người nhiễm COVID-19. Giai đoạn đó thật khó khăn nhưng cũng đầy sự cảm thông và yêu thương của tất cả mọi người dành cho chúng tôi", chị chia sẻ.

Dẫu nghề nào cũng có đặc thù, nhưng với chị Hoa Yên, chữ "chăm con mọn" thật đúng với "mô tả công việc" của các chị. 

Họ không chỉ có tấm lòng yêu thương người bệnh, có tinh thần trách nhiệm mà còn cần lắm có sự tận tụy, tận tâm với công việc. 

Lúc người bệnh đau đớn vì bệnh tật là họ như đang khóc, lúc họ khủng hoảng tinh thần vì trọng bệnh là họ cần được vỗ về động viên như bàn tay "mẹ hiền". Vì thế nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thì không nên chọn nghề điều dưỡng.
Điều dưỡng Hoa Yên chia sẻ.

Đối tượng tiếp xúc rất nhiều, làm điều dưỡng viên cũng như "làm dâu trăm họ", không thể làm vừa lòng tất cả được. Những điều dưỡng viên như chị Hoa Yên, chị Mai Phượng cũng có lúc chạnh lòng những khi bị người bệnh, người nhà mắng mỏ, than phiền… Tự động viên nhau, họ chia sẻ, đồng cảm với nhau và rồi vẫn cảm thấy tự hào về con đường mình đã chọn.

Phần thưởng cao quý là động lực lớn lao

Không trực tiếp làm công tác chăm sóc người bệnh như những người điều dưỡng lâm sàng nhưng người kỹ thuật viên tại các Labo xét nghiệm của Viện cũng có những đóng góp lặng thầm và là một "mắt xích" quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Viện.

Là Kỹ thuật viên trưởng của Khoa Huyết thanh học nhóm máu, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy cũng có nhiều trăn trở với nghề. Chị chia sẻ: vui nhất là khi có thật nhiều máu để cấp phát cho người bệnh nhưng ngược lại, buồn lắm những khi máu rất ít trong khi nhiều người bệnh dự trù máu mà phải chờ để truyền.

Tự hào và trăn trở của những người làm công tác điều dưỡng - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Kỹ thuật viên trưởng của Khoa Huyết thanh học nhóm máu đang cấp phát máu cho các khoa lâm sàng.

Nếu điều dưỡng viên là người luôn túc trực bên người bệnh, trực tiếp cùng bác sĩ chăm sóc bệnh nhân thì kỹ thuật viên Xét nghiệm y học lại là người đứng đằng sau hỗ trợ cho quá trình điều trị đó.

Dù đứng đằng sau lặng thầm, ít người biết nhưng với những người như chị Thuỷ lại chưa từng chạnh lòng, bởi suy cho cùng, mục tiêu cao nhất vẫn là cống hiến hết mình sự nghiệp chữa bệnh cứu người, mang lại sức khoẻ cho người bệnh.

Gắn bó với nghề trên 30 và trải qua nhiều đơn vị công tác như: Tế bào tổ chức học, Đông máu, Huyết thanh học nhóm máu, dù ở vị trí công tác nào, kỹ thuật viên Nguyễn Thị Thanh Thủy vẫn miệt mài cống hiến để góp phần vào thành công chung của Viện.

Năm 2020, chị Nguyễn Mai Phượng và Nguyễn Thị Hoa Yên vinh dự được nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú do Chủ tịch nước phong tặng.

Chị Nguyễn Mai Phượng, Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Thị Hoa Yên đều đã vinh dự được nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú do Chủ tịch nước phong tặng. Bày tỏ đây là niềm vinh dự của cá nhân nhưng với các chị đó còn là công lao, sự cống hiến của tập thể cán bộ công chức, viên chức người lao động của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. 

Điều dưỡng chiếm tới 70% lực lượng phục vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh ở nước taĐiều dưỡng chiếm tới 70% lực lượng phục vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh ở nước ta

SKĐS - Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khoẻ của người dân, công tác đào tạo và phát triển điều dưỡng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được chú trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

 


Vương Tuấn
Ảnh: Công Thắng
Ý kiến của bạn