Do đó, khi trẻ mắc cúm, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau:
1. Hạ sốt
Khi trẻ sốt ≥ 38,5 độ C cần: Nới rộng quần áo cho trẻ.
Chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn. (Nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được.)
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi 4- 6h uống nhắc lại 1 lần nếu trẻ có sốt ≥ 38,5 độ C.
Trẻ sốt cao cần nới lỏng quần áo, chườm ấm và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ảnh minh hoạ.
2. Vệ sinh đường hô hấp
Vệ sinh mũi miệng: Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. (Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ vi rút vẫn bám lại trên khăn.)
Hàng ngày, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn.
Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
3. Dinh dưỡng
Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt: Cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước.
Tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ.
4. Phòng lây nhiễm
Cách ly trẻ tương đối: Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành, hướng dẫn che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy. Mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ.
Tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió, để tránh nhiễm lạnh.
5. Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay?
Khi trẻ có những biểu hiện sốt cao liên tục ≥ 39ºC, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
Trẻ co giật, li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh. Trẻ khó thở, thở nhanh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
6. Cách phòng bệnh cúm
Để phòng bệnh cúm cho trẻ cần tiêm Vacxin phòng cúm.
Trẻ bị cúm phải được cách ly và người chăm sóc trẻ phải đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm.
Đảm bảo nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng. Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa.
Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần hạn chế đến chỗ đông người khi có dịch để phòng lây lan, khi phải tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang; Tăng cường vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho, nâng cao thể trạng để phòng bệnh; chủ động tiêm vắcxin phòng bệnh cúm với các chủng đã có vắcxin.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở điều trị tổ chức tốt công tác phân luồng khám bệnh; thu dung cách ly, cấp cứu, thiết lập khu vực riêng để điều trị cho người bệnh cúm; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây chéo trong bệnh viện.
Các cơ sở điều trị phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp diễn biến nặng, lấy mẫu và xét nghiệm để phát hiện kịp thời các tác nhân cúm độc lực cao; Kiểm soát chặt và chỉ định dùng thuốc kháng virus, tránh tình trạng khan hiếm ảo và tình trạng kháng thuốc.
Ngành y tế các địa phương phối hợp sở Giáo dục và Đào tạo, Ban quản lý các khu công nghiêp hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục vào đào tạo phát hiện sớm người mắc cúm, trong trường hợp cần thiết có thể cho người lao động, sinh viên, học sinh nghie làm, nghỉ học để cách ly điều trị tránh lây lan…
Sở Y tế các tỉnh cần phối hợp cơ quan thú y và các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ các ổ dịch cúm trên gia cầm, xử lý triệt để khi phát hiện ổ dịch, không để lây lan sang người và kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia cầm ốm, chết nhập lậu qua biên giới để phòng tránh bệnh cúm gia cầm.
Các cơ sở y tế phải chuẩn bị đầy đủ, hỗ trợ kịp thời vật tư, trang thiết bị, thuốc, hóa chất để sẵn sàng thu dung điều trị và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh.