Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân COVID -19 - Những chuyện ít biết

12-05-2022 17:42 | Sự hi sinh thầm lặng
google news

SKĐS - Gần 4 tháng, từ cuối tháng 12/2021 đến hết tháng 3/2022, hơn 13 điều dưỡng tại khoa truyền nhiễm BVĐK Đống Đa ở luôn bệnh viện để thực hiện chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

"Hơn 4 tháng, 13 điều dưỡng tại Khoa Truyền nhiễm (BVĐK Đống Đa) thay nhau, xoay tua thực hiện các công việc để đảm bảo chăm sóc bệnh nhân được tốt nhất từ khâu vệ sinh cá nhân, ăn uống đến thực hiện các công việc chuyên môn như tiêm truyền, thuốc thang… 24/24 giờ điều dưỡng luôn có mặt tại buồng bệnh" - Đó là phút trải lòng của điều dưỡng  trưởng Nguyễn Thị Mai Hương – Khoa Truyền nhiễm BVĐK Đống Đa với chúng tôi nhân một ngày đặc biệt của các chị.

Điều dưỡng Hương nhớ lại, thời điểm đó dịch bùng phát mạnh ở Hà Nội, ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến thăm khám, trong đó hơn 1/3 có chỉ định nhập viện.

BVĐK Đống Đa ban đầu được giao chỉ tiêu 50 giường bệnh, nhưng bệnh nhân nhập viện lên đến hơn 100 người, chỉ tiêu tăng lên 150 giường thì số bệnh nhân lại tăng lên 300 người. Rồi các bệnh nhân nhập viện cấp cứu, theo quy định các khu thu dung phải liên hệ trước với bệnh viện, tuy nhiên vẫn có rất nhiều bệnh nhân không liên hệ trước, mà tình trạng nguy kịch nên bệnh viện vẫn tiếp nhận.

Vui – buồn nghề điều dưỡng bệnh truyền nhiễm - Ảnh 1.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Mai Hương – Khoa Truyền nhiễm BV Đống Đa

Bệnh nhân đông lại chủ yếu là người bệnh nặng (người cao tuổi, bệnh nền mạn tính, người bệnh thể trạng béo phì...) trong khi đó nhân lực lại hạn chế nên công việc rất áp lực. Mặc dù bác sĩ khuyến khích người nhà vào chăm nhưng có rất ít trường hợp, công việc chủ yếu vẫn là điều dưỡng, hộ lý thực hiện.

Trong khoa, chủ yếu là các điều dưỡng trẻ, con còn nhỏ, tuy nhiên các công việc gia đình đều phải gác lại, nhiều điều dưỡng phải gửi con về quê. Hai tháng đi chống dịch tại khu thu dung ở Hoàng Mai, chưa kịp sắp xếp thời gian về với con thì lại nhận nhiệm vụ chống dịch tại bệnh viện. Do vậy, có những điều dưỡng gần cả năm không được về thăm con. Thậm chí có điều dưỡng công việc áp lực quá phải cai sữa gấp cho con để kịp thời đi chống dịch.

Nhiều điều dưỡng con đã lớn hơn, tuy nhiên các con cũng chưa bao giờ xa mẹ lâu vậy nên nhiều cháu nhớ mẹ gọi điện khóc suốt. Với lại ở nhà với bố cũng không được giống mẹ, con chị mặc dù học lớp 8 rồi nhưng ngày nào cũng gọi điện bảo nhớ mẹ, bao giờ mẹ về để làm món ăn ngon.

Vui – buồn nghề điều dưỡng bệnh truyền nhiễm - Ảnh 2.

Cụ bà 99 tuổi xuất viện trong niềm vui của gia đình và thầy thuốc Khoa truyền nhiễm, BVĐK Đống Đa.

Diều dưỡng Hương cũng chia sẻ, bọn mình làm nghề truyền nhiễm, đã trải qua nhiều loại bệnh dịch nhưng bệnh dịch COVID-19 là nguy hiểm và áp lực nhất.

Tuy nhiên những vất vả và khó khăn đó của chúng mình không hề vô ích, khi có rất nhiều bệnh nhân cao tuổi nhập viện đã được các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa chăm sóc tận tình thoát khỏi "cửa tử" để trở về với gia đình.

Như trường hợp cụ bà 99 tuổi (ở Đống Đa), khi bà nhập viện tình trạng vô cùng nguy kịch, cụ nhiều bệnh lý nền, lại chưa tiêm vaccine, thể trạng suy nhược chỉ 38kg, chụp X-quang, hai bên phổi đã trắng xóa cơ hội sống gần như rất thấp. Khi trao đổi với gia đình, người nhà mong muốn các bác sĩ nỗ lực cứu chữa để cụ có thể sống qua 100 tuổi.

21 ngày cụ trong phòng hồi sức tích cực, các điều dưỡng thay nhau chăm sóc, không dám lơ là phút giây nào. Và rất may mắn, với nỗ lực của các bác sĩ và sự chăm sóc tận tình của các điều dưỡng, cũng như ý chí sống vô cùng mãnh liệt, bà đã dần tỉnh lại trong niềm vui khôn xiết của các bác sĩ, điều dưỡng cũng như người nhà.

"Đây chính là động lực để tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh để tiếp tục chiến đấu, tiếp tục cống hiến và cứu chữa nhiều người bệnh hơn nữa. Đến bây giờ, khi dịch bệnh COVID-19 đã dần được kiểm soát nhưng mỗi ngày khoa vẫn tiếp nhận điều trị cho 8-10 bệnh nhân COVID-19 nặng, chủ yếu là người cao tuổi. Với kinh nghiệm của những lần chống dịch vừa qua, giờ đây chúng tôi đã tự tin hơn, chủ động hơn, và không còn e sợ bất cứ điều gì nữa", chị Hương trải lòng.

Vui – buồn nghề điều dưỡng bệnh truyền nhiễm - Ảnh 3.

Điều dưỡng Mai Thị Minh Huệ mồ hôi nhễ nhại sau khi kết thúc ca làm việc trong buồng chăm sóc người người bệnh COVID-19 hồi sức tích cực.

20 năm công tác, chị Mai Thị Minh Huệ đã trải qua rất nhiều những hỷ - nộ  - ái - ố với nghề điều dưỡng. Nghề điều dưỡng đã vất vả, điều dưỡng trong khoa truyền nhiễm còn vất vả hơn bởi các chị phải đối mặt với những nguy cơ lây nhiễm bệnh bất cứ lúc nào.

Chị Huệ tâm sự, làm nghề điều dưỡng không chỉ cần giỏi chuyên môn mà cũng cần phải biết cách giao tiếp với người bệnh. Với những bệnh nhân HIV, khi biết mình mắc bệnh, người bệnh thường rất kích động, sốc, rồi lo lắng, có nhiều ý nghĩ tiêu cực, thậm chí tử tự. Khi đó ngoài việc chăm sóc về chuyên môn các điều dưỡng cũng phải động viên tinh thần, tâm sự, chia sẻ, khích lệ người bệnh để họ vượt qua giai đoạn bất ổn đó, dần chấp nhận bệnh và tiếp nhận quá trình điều trị.

"Hay những bệnh nhân nghiện hút, ngáo đá… khi giao tiếp với những người bệnh này cần phải khéo léo, không thể áp dụng các biện pháp, nội quy thông thường trong bệnh viện mà phải mềm mỏng, lựa thái độ của người bệnh để cư xử. Bởi có những bệnh nhân khi lên cơn ngáo đá họ vác dao đuổi đánh các nhân viên y tế, lúc này mà cứ làm căng nhất định mình sẽ thua thiệt. Chính vì luôn phải đối mặt với những nguy hiểm đó nên trong khoa, điều dưỡng nào cũng luôn có số điện thoại của bảo vệ và công an phường", chị Huệ cười nói.

"Làm nghề điều dưỡng tuy có không ít những khó khăn, vất vả nhưng cũng có rất nhiều niềm vui. Nhiều người bệnh được chúng mình chăm sóc, sau này khỏi bệnh thỉnh thoảng họ vẫn gọi điện, nhắn tin hỏi thăm, cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng đã tận tình tình chăm sóc, điều trị. Đây là sự ghi nhận của người bệnh với những hy sinh, cống hiến của chúng mình mà không có bất cứ giá trị vật chất nào có thể đo đếm được." chị Huệ chia sẻ.


Điều dưỡng - Những người thầm lặng vì bệnh nhânĐiều dưỡng - Những người thầm lặng vì bệnh nhân

SKĐS - Sự tận tâm và những hy sinh thầm lặng của người điều dưỡng đã góp phần tạo nên thành công trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và sự tin yêu của nhân dân.


Ngọc Anh
Ý kiến của bạn