Điều dưỡng như bông hoa thầm lặng tỏa hương
Điều dưỡng Phạm Thị Xuân Phương (Khoa Rối loạn cảm xúc – Bệnh viện Tâm thần Trung ương II) cho biết, làm điều dưỡng cũng giống như bông hoa thầm lặng tỏa hương thơm vậy.
Đã hơn chục năm qua, chị Phạm Thị Xuân Phương gắn bó với nghề điều dưỡng, khoảng thời gian tuy không dài nhưng cũng không ngắn giúp cho chị cảm nhận được biết bao trải nghiệm vui buồn với nghề. Trải nghiệm quan trọng nhất đối với chị là những khoảng khắc giúp bệnh nhân đi từ trạng thái quậy phá đến "ngoan ngoãn" nghe theo điều dưỡng.
Điều dưỡng Phạm Thị Xuân Phương chia sẻ, người ta ví nghề điều dưỡng như "làm dâu trăm họ" quả không sai, bởi bên cạnh các bác sĩ, điều dưỡng là người chăm sóc, tiếp xúc trực tiếp và gần gũi nhất với người bệnh. Mà con người thì mỗi người một tính cách, một nhận thức, một trình độ khác nhau, và đặc biệt hơn nữa khi bệnh nhân của tôi là những tâm thần. Họ là những con người dễ bị tổn thương trong xã hội, luôn bị dày vò bởi bệnh tật. Có bệnh nhân liên tục chìm trong trạng thái không bình thường. Vì vậy, để chăm sóc những bệnh nhân này đòi hỏi ở mỗi người điều dưỡng phải yêu nghề, yêu người, hết lòng tận tụy vì người bệnh, không dao động trước bất cứ tình huống nào.
Bệnh nhân tâm thần có người thì lầm lì, lại có những bệnh nhân cảm xúc hưng phấn, khóc cười vô cớ, nói nhảm một mình cả ngày, có bệnh nhân tấn công cả nhân viên y tế...vậy nên điều dưỡng luôn xác định chỉ có đồng cảm, xem bệnh nhân như người thân trong gia đình mới có thể gắn bó lâu dài với công việc này.
Bên cạnh việc tiêm thuốc, phụ giúp bác sĩ điều trị, nhiều năm nay, các điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương II còn xem việc đánh răng, rửa mặt, tắm gội, cắt tóc, cắt móng tay, móng chân…cho bệnh nhân là việc thường xuyên mỗi ngày. Có những bệnh nhân không chịu ăn uống hoặc già yếu, điều dưỡng lại động viên, vỗ về, đôi khi là cả dỗ dành, bón đút từng thìa cháo, muỗng cơm cho họ. Trong đêm trực, điều dưỡng thường xuyên thâu đêm đi tua, kiểm tra từng phòng bệnh, nhắc nhở bệnh nhân ngủ đúng giờ. Với những ngày trời lạnh điều dưỡng còn đi đắp từng chiếc chăn giữ ấm cho bệnh nhân, hỏi han thường xuyên để phát hiện và xử trí kịp thời các dấu hiệu bất thường của người bệnh.
Với những bệnh nhân tâm thần, ngoài sử dụng thuốc thì các phương pháp điều trị tâm lý chiếm tới hơn 50% thời gian và hiệu quả trong điều trị bệnh. Là người tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất, điều dưỡng còn thiết lập mối quan hệ gần gũi, tin tưởng với họ để động viên một cách ân cần nhất, từ đó khơi dậy khát vọng vượt bệnh tật cho bệnh nhân.
Hạnh phúc với những năm tháng làm điều dưỡng
Cũng giống điều dưỡng Phạm Thị Xuân Phương, cử nhân điều dưỡng Vũ Thị Út (Khoa Tâm căn, Bệnh viện Tâm thần Trung ương II) xem những năm tháng thanh xuân gắn bó với nghề điều dưỡng, dù nhiều nhọc nhằn nhưng là những năm tháng hạnh phúc.
Điều dưỡng Vũ Thị Út chia sẻ: "Ngày đầu bước chân vào khoa Tâm căn nhận công tác, tôi được điều dưỡng trưởng dẫn đi thăm quan khoa đúng lúc bệnh nhân tâm thần lên cơn kích động đập phá, la hét khiến tôi thực sự ngỡ ngàng và sợ hãi. Điều dưỡng trưởng như hiểu tâm trạng tôi lúc này, chị nói với tôi: "trên hành trình tìm lại bình yên cho những người mắc bệnh tâm thần để bệnh nhân có thể trở lại tái hòa nhập cộng đồng là một điều rất khó, nên phải cần có nhiều sự quan tâm, tận tâm, tận lực. Người bệnh không chỉ được điều trị bằng thuốc mà còn phải được xoa dịu nỗi đau tinh thần thông qua sự chăm sóc và kiên nhẫn lắng nghe. Bởi chỉ có lắng nghe mới có thể thấu hiểu thế giới của những người không may mắc căn bệnh này. Câu nói của điều dưỡng trưởng khiến tôi xua tan mọi sợ hãi và thương bệnh nhân nhiều hơn".
Đặc biệt, trong những năm tháng chiến đấu với đại dịch COVID-19 là một thử thách rất lớn đối với điều dưỡng chúng tôi. Đối với bệnh nhân tâm thần việc thực hiện đeo khẩu trang, khử khuẩn rất khó khăn, họ không hiểu biết về đại dịch, không muốn đeo khẩu trang và cũng không biết tự chăm sóc mình. Chúng tôi phải nỗ lực hết sức, tự động viên bản thân không được gục ngã bởi ở đây còn bao nhiêu người đang chờ điều dưỡng chăm sóc".
Cận kề chăm sóc bệnh nhân tâm thần, điều dưỡng Đặng Thị Hợi - Khoa Cấp tính nam (Bệnh viện Tâm thần Trung ương II) còn gửi trọn cảm xúc vào những câu thơ để nói lên tình yêu với nghề điều dưỡng của mình.
Chị viết:
"Cái rét run em thức suốt đêm đông
Lo người bệnh em canh từng giấc ngủ
Hai bờ vực đứng giữa dòng sinh - tử
Sự "sống – còn" sao thật quá mong manh
Đêm giao thừa em còn phải xa anh
Gửi con nhỏ em đi vào ca trực
Luôn trách nhiệm không bao giờ thoái thác
Bởi thâm tâm em muốn giúp cho đời…".