Điều chưa biết về não bộ của Einstein

12-12-2011 08:05 | Thời sự
google news

Albert Einstein - tác giả của nhiều công trình khoa học vĩ đại được lịch sử ghi nhận là một trong những bộ não thiên tài của cả nhân loại. Khi ông qua đời ở tuổi 76, ngay lập tức,

Albert Einstein - tác giả của nhiều công trình khoa học vĩ đại được lịch sử ghi nhận là một trong những bộ não thiên tài của cả nhân loại. Khi ông qua đời ở tuổi 76, ngay lập tức, não bộ của nhà khoa học thiên tài này đã được giới khoa học lấy phục vụ việc nghiên cứu nhằm lý giải cho tài năng và tư duy bác học tuyệt vời.

Tài năng siêu việt...

Albert Einstein sinh ngày 14/3/1879 tại thị trấn Ulm, nước Đức, mất năm 1955 tại Mỹ. Ông là một nhà khoa học gốc Do Thái, cha đẻ của vật lý hiện đại và là một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại. Thời trẻ, Einstein cũng giống như bao cậu bé bình thường khác cùng lứa tuổi. Ông không hề bộc lộ tài năng gì khác thường, thậm chí cậu bé Einstein thời còn đi học luôn bị bạn bè và mọi người trêu chọc và gắn cho biệt danh là “người học chậm” bởi sự chậm chạp của mình khi làm mọi việc. Song, người ta không thể ngờ rằng, cậu bé chậm chạp ấy sau này đã trở thành một trong những nhà khoa học vĩ đại của cả nhân loại. Với những công trình nghiên cứu lớn như thuyết tương đối, thuyết lượng tử, chuyển động Brown, hiệu ứng quang điện, phương trình Einstein, đoạt giải Nobel cho phát hiện về hiện tượng quang điện… Einstein được mệnh danh là bộ óc thông minh nhất của nhân loại từ trước tới nay.

Einstein đã công bố hơn 300 nghiên cứu khoa học với hơn 150 đề tài ngoài khoa học, nhận nhiều bằng tiến sĩ danh dự trong khoa học, y học và triết học của nhiều trường đại học khắp châu Âu và Bắc Mỹ.

 Nhà bác học Albert Einstein.

... Nhưng não bộ lại khiếm khuyết

Sau khi ông qua đời năm 1955, để tìm lời giải đáp cho câu hỏi vì sao Einstein lại có một tư duy tuyệt vời đến thế, ngay lập tức, não bộ của Einstein đã được chuyên gia nghiên cứu bệnh học - Thomas Stoltz Harvey, Trường đại học Princeton, Mỹ bí mật tách lấy và đem đến phòng thí nghiệm ở Pynnsylvania, Mỹ. Bí mật này được giữ kín và chỉ được tiết lộ vào năm 1978. Mục đích của Thomas Stoltz Harvey là nghiên cứu nhằm làm rõ liệu có phải có những điều bí mật trong cấu tạo não bộ của Einstein đã khiến cho ông trở nên thông minh xuất chúng đến như vậy. Trong cuộc nghiên cứu não bộ của nhà bác học, Harvey đã phát hiện ra một số điểm đáng chú ý như sau: vùng não kiểm soát ngôn ngữ và giao tiếp của Einstein là rất nhỏ, thậm chí còn nhỏ hơn so với những người bình thường khác. Điều này khiến cho khả năng ngôn ngữ của Einstein kém hơn bình thường và nó hoàn toàn trùng khớp với lời phàn nàn của ông về bản thân mình, đó là “khả năng tư duy hình ảnh của tôi tốt hơn khả năng nói”. Trong khi đó, vùng não kiểm soát khả năng tính toán và kỹ năng xử lý các con số lại có kích thước rất lớn. Cùng với đó, lượng tế bào thần kinh đệm - glial cells ở não bộ của Einstein cũng nhiều hơn so với người bình thường. Vùng não có tên khoa học lateral sulcus trong não Einstein khác biệt với những người khác ở chỗ có hình nón cụt và không có vùng đình - parietal operculum - ở cả hai bán cầu não.

Ngoài ra, trái với giả thuyết của nhiều người rằng não càng lớn thì con người càng thông minh, thực tế nghiên cứu với não bộ của Einstein cho thấy: trọng lượng não bộ của nhà khoa học thiên tài cũng rất bình thường và không có khác biệt đáng kể so với những người bình thường khác.

Sau khi được đưa đến viện thí nghiệm, Harvey đã tiêm vào bộ não của Einstein một loại thuốc và tiến hành chụp hình ảnh dưới rất nhiều góc độ. Sau đó, ông tiến hành chia não bộ của Einstein thành 240 mẩu nhỏ kích thước khoảng 1cm3 và bảo quản trong các hộp trong suốt có tên gọi collodion giống hệt như nhựa tổng hợp.

Năm 1980, tại Trường đại học California, Berkeley, Mỹ, GS. Marian C. Diamond đã thuyết phục Thomas Harvey chuyển cho bà một mẫu não của Einstein. Trong phòng thí nghiệm của mình ở Berkeley, GS. Diamond đã tiến hành nghiên cứu và đo tỉ lệ các tế bào thần kinh đệm - glial cells (tế bào thần kinh đệm có nhiệm vụ cung cấp dinh dưỡng và hỗ trợ hoạt động của não) trong mẫu não của Einstein, sau đó đem so sánh với mẫu não của 11 người đàn ông khác. Kết quả thu được khi quan sát dưới kính hiển vi là lượng tế bào thần kinh đệm glial cells trong não của Einstein nhiều hơn nhiều so với não của nhiều người khác trong thí nghiệm. Nó khiến cho não của Einstein dày hơn 6micromet so với những người khác (nếu ở người bình thường là khoảng 64 tế bào glial cells thì não của Einstein có khoảng 76 tế bào glial cells). Tưởng như các nhà khoa học đã tìm ra đáp án cho sự thông minh của nhà khoa học vĩ đại Einstein và mở đường tiến tới làm rõ quá trình tiến hoá trí tuệ của loài người, song nghiên cứu của các nhà khoa học tại viện sinh học Osaka, Nhật Bản lại nhận định những tế bào thần kinh đệm trong não của Einstein nhiều hơn, không đồng nghĩa với việc chỉ số IQ của ông cao hơn những người khác.

Năm 1999, các phân tích của một nhóm các nhà khoa học thuộc trường đại học McMaster, Hamilton, Ontario, Canada phát hiện: không những các bán cầu não của Einstein không có vùng đình parietal operculum mà kể cả trong khu vực thuỳ trước của não, vùng đình cũng bị trống.

Thay cho lời kết

Như vậy, não bộ của nhà bác học thiên tài Einstein không nặng hơn, lớn hơn hay khác biệt hơn người bình thường, thậm chí nó còn bị nhiều khiếm khuyết hơn bình thường. Theo GS. Sandra Witelson, một nhà khoa học từng tham gia nghiên cứu về não bộ của Einstein thì: “Tình trạng giải phẫu với các vấn đề bất thường trong não bộ (thiếu phần đình, phần rãnh bộ não)… chỉ có thể giúp lý giải cho việc Einstein nghĩ và tư duy theo cách của riêng ông”. Có lẽ đây chính là yếu tố giúp Einstein thành công trong nghiên cứu khoa học và tìm ra những hướng đi mới không dập khuôn với tư tưởng của các nhà khoa học trước đây. Điều đó cùng với những lao động nỗ lực, cống hiến hết mình cho khoa học của Einstein đã khiến ông trở thành nhà vật lý học vĩ đại nhất mọi thời đại.

Minh Ngọc (Theo The times)


Ý kiến của bạn