Hà Nội

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình cần được thực hiện sớm và bảo đảm các yếu tố KT-XH

12-06-2019 14:10 | Xã hội
google news

SKĐS - Bài 5: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải nằm trong “bài toán” tổng thể các chính sách lao động, việc làm, xã hội

Xác định đúng được tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tận dụng được tối đa thời gian làm việc, tối đa giá trị thặng dư mà họ đem lại cho xã hội. Do vậy, “bài toán” điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần được đặt trong tổng thể điều tiết vĩ mô các chính sách lao động, việc làm và các chính sách xã hội...

Quy định của pháp luật hiện hành: tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55 nhưng trên thực tế, tuổi nghỉ hưu bình quân chỉ đạt 54,17 tuổi (năm 2012) và đạt mốc 55 tuổi vào năm 2017, 56 tuổi vào năm 2018. Nhiều người lao động nghỉ hưu trước tuổi với lý do suy giảm sức khỏe nhưng lại vẫn tiếp tục tham gia thị trường lao động ở một công việc khác.

Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2012 đã có một điểm mới rất tiến bộ - đó là luật đã đưa vào khái niệm “tuổi hưởng hưu” mà không dùng khái niệm “tuổi nghỉ hưu” (vấn đề đã được các nhà nghiên cứu đưa ra rất nhiều năm nay). Theo đó, tuổi hưởng hưu là độ tuổi mà người lao động sau một thời gian làm việc và tham gia đóng BHXH (ví dụ theo quy định hiện nay là 25 năm đối với nữ và 30 đối với nam) thì có quyền yêu cầu hưởng lương hưu. Còn tuổi nghỉ hưu là trần tuổi làm việc theo luật định, ví dụ như trong đề xuất sửa đổi Bộ luật Lao động của Chính phủ lần này là 60 đối với nữ và 62 đối với nam.

Trên thực tế, tuổi về hưu của một nghề không phải lúc nào cũng đồng nhất với tuổi về hưu của một đời người (có thể gọi là tuổi về hưu xã hội). Giới hạn về hưu của một nghề là các giới hạn về năng suất lao động và các yêu cầu về nhân trắc học khác. Tuổi về hưu xã hội là giới hạn chung áp dụng cho một xã hội ở một trình độ phát triển nhất định (ví dụ là 60). Như vậy, ai cũng có nghĩa vụ làm việc đến 60 tuổi và họ chỉ có thể nghỉ hưu sớm hơn nếu như sức khỏe suy giảm trên 61% (không phụ thuộc vào việc họ làm nghề gì).

Xác định tuổi nghỉ hưu của một nghề là việc làm rất quan trọng nhằm tạo tâm thế cho người lao động, người sử dụng lao động và xã hội trong lĩnh vực chuyển đổi nghề khi biết được ngưỡng tuổi nghỉ hưu, đặc biệt đối với một số nghề đặc thù. Ví dụ như cầu thủ bóng đá, 30 tuổi là “già” và có thể không đá bóng được; diễn viên xiếc, diễn viên múa cũng có tuổi nghỉ hưu rất sớm, công nhân trên 55 tuổi không nên xuống hầm mỏ, người lao động nghề dệt may sau 35 tuổi không còn nhanh nhẹn và cho năng suất cao được nữa... Nhưng ngược lại, với những nghề lao động trí óc, đòi hỏi trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, tuổi nghỉ hưu lại thường rất cao. Trong nhiều lĩnh vực, các chuyên gia, nghiên cứu viên cao cấp càng tích lũy nhiều kinh nghiệm lại càng có nhiều cống hiến. Việc chuyển đổi nghề nghiệp, việc tiếp tục học tập là xu thế rất tốt trong thị trường lao động và cần phải được khuyến khích. Đối với từng nghề nghiệp, nếu chúng ta quản lý tốt và có sự chuẩn bị cho cả người sử dụng lao động và người lao động thì sẽ tạo điều kiện cho việc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với điều kiện sức khỏe và năng lực. Chính vì chưa làm tốt việc chuyển đổi nghề nghiệp khi người lao động đạt ngưỡng tuổi nghỉ hưu của nghề nên thời gian qua, chúng ta đã phải xử lý tình huống giải quyết nghỉ hưu sớm, trừ tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu khi nghỉ trước tuổi dẫn tới tình trạng người nghỉ hưu sớm lại tiếp tục tham gia vào thị trường lao động để tăng thu nhập do sức khỏe còn phù hợp với những công việc khác. Ở đây cần đặc biệt chú ý đến vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết và kết nối cung-cầu thị trường lao động.

Qua thực tiễn của một số nước như Ấn Độ, Pháp, Anh... cho thấy, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu luôn là vấn đề hết sức nhạy cảm và có tác động sâu rộng tới tất cả các mặt của đời sống, do vậy phải được thực hiện có lộ trình và đảm bảo các yếu tố xã hội. Lộ trình ấy phải được tính toán hết sức khoa học và chặt chẽ, trong quá trình triển khai cần có sự chuẩn bị về tâm lý cho tất cả mọi phía: chuẩn bị tâm lý cho Chính phủ, chuẩn bị tâm lý cho người lao động, người sử dụng lao động.

Với lộ trình tăng chậm mà Chính phủ đề xuất trong Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi lần này, có thể thấy đã có sự cân nhắc, tính toán hết sức kỹ càng. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cũng được xem xét thực hiện đồng bộ với các chính sách khác về thị trường lao động và an sinh xã hội một cách tổng thể. Điều chúng ta cần làm là sớm quyết định lựa chọn lộ trình phù hợp để có thể bảo đảm các yếu tố KT-XH khi đối mặt với những thách thức mới của giai đoạn dân số già đang đến rất nhanh.


ThS. Dương Ngọc Ánh
Ý kiến của bạn