Cả hai phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu được đề xuất đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, đến năm 2028 thì nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn phương án 1: đến năm 2026, nam đạt 62 tuổi và đến năm 2030, nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ). Vậy vì sao phải thực hiện lộ trình này? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội...
TS. Bùi Sỹ Lợi
PV: Thưa ông, một trong những quy định tại Dự án Bộ luật Lao động Sửa đổi đang trình Quốc hội tại kỳ họp này được dư luận hết sức quan tâm là việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, xin ông cho biết rõ hơn về nội dung này?
TS. Bùi Sỹ Lợi: Thực ra, đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đã được bàn thảo từ khi trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nhưng lúc đó chưa có sự đồng thuận cao. Lần này được đưa ra xem xét là xuất phát từ quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và chuẩn bị cho quá trình già hóa dân số ở nước ta trong tương lai.
Tuy thời gian có gấp gáp nhưng đã có sự chuẩn bị từ trước, Dự án Bộ luật Lao động Sửa đổi bước đầu đã được tiếp thu các ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức có liên quan; đặc biệt, các bên trong quan hệ lao động cũng như ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, quản lý thông qua các Hội thảo khoa học trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và khu vực thấy rằng đến lúc chúng ta phải chuẩn bị cho lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu để bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển đất nước khi dân số già.
Về quy định tuổi nghỉ hưu, chúng tôi cho rằng Ban soạn thảo Dự án đưa ra 2 phương án và đều theo lộ trình là có cơ sở nhằm tránh giảm sốc cho thị trường lao động:
Phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 04 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 06 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Cả hai phương án này đều thực hiện theo nguyên tắc có lộ trình và tuy bước đi của từng phương án có nhanh - chậm khác nhau, song theo chúng tôi đều khá hợp lý. Cá nhân tôi đồng thuận với đề xuất của Chính phủ và nghiêng về lựa chọn phương án 1; tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận cao nên tiếp tục lấy ý kiến và có thể lấy cả ý kiến nhân dân.
PV: Một số người lao động đã gần đến tuổi nghỉ hưu có nguyện vọng được tiếp tục làm việc nhưng nếu thực hiện như lộ trình thì thời gian làm việc thêm không đáng kể có thắc mắc: Tại sao không thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ngay như một số quốc gia khác đã làm mà phải thực hiện theo lộ trình, thưa ông?
TS. Bùi Sỹ Lợi: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một vấn đề vĩ mô của nền kinh tế, cần được tính toán và thực hiện trên cơ sở điều tiết các chính sách chung về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới, nguồn nhân lực, đào tạo, đào tạo nghề... và nhiều chính sách xã hội khác, do vậy, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng, không thể dựa theo ý muốn chủ quan của một vài nhóm cá thể.
Chính vì có liên quan mật thiết đến nhiều vấn đề quan trọng của nền kinh tế cũng như có thể mang lại những hệ quả lớn về mặt xã hội nên việc thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện có lộ trình. Ở đây, tôi xin đề cập đến 2 vấn đề lớn: Một là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tránh gây “sốc” cho thị trường lao động.
Kinh nghiệm của các quốc gia đang điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và khuyến nghị của ILO đối với các nước điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là phải điều chỉnh dần dần để tránh gây sốc cho thị trường lao động. Lộ trình thường thấy ở các nước là 1 năm tăng 3 tháng hoặc một số nước quy định 1 năm tăng 6 tháng, một số nước tăng theo lộ trình thận trọng hơn như 1 năm tăng 1 tháng hoặc 1 năm tăng 2 tháng.
Kinh nghiệm cho thấy, một quốc gia có quy mô dân số tương đương dân số của Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động và 400 ngàn người bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên 1 tuổi/năm có nghĩa là sẽ có 400 ngàn người tiếp tục làm việc cho dù ở khu vực nhà nước hay khu vực doanh nghiệp mà bình thường họ sẽ nhường chỗ cho 400 ngàn người mới tham gia thị trường lao động, thị trường lao động sẽ bị tắc nghẽn. Sau 2 năm, con số này sẽ là khoảng 800 ngàn người và mức độ tắc nghẽn sẽ tăng lên. Hiện tại, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng, lực lượng lao động còn đang dồi dào nên lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chậm sẽ chỉ làm dòng chảy của thị trường lao động chậm lại đôi chút chứ không tắc nghẽn như phương án điều chỉnh nhanh; Hai là lộ trình điều chỉnh tuổi chậm có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động và doanh nghiệp.
Nâng tuổi nghỉ hưu nhanh cũng có thể tạo ra tâm lý không hài lòng đối với một bộ phận lớn người lao động và cũng có thể tạo ra tâm lý không hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư. Do đó, phương án điều chỉnh dần dần tuổi nghỉ hưu sẽ giúp doanh nghiệp và người lao động thích ứng dần với quy định mới, không gây sốc cho cả doanh nghiệp và người lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội.
Cả hai phương án đề xuất trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Tuy nhiên, theo tôi, phương án 1 là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
PV: Xin trân trọng cảm ơn TS!