Điều chỉnh mức sinh về mức sinh thay thế góp phần ổn định quy mô dân số

19-12-2021 09:40 | Xã hội
google news

SKĐS - Tỉnh Vĩnh Phúc hiện là một trong nhiều địa phương trên cả nước có mức sinh chênh lệch giữa các vùng, đối tượng ngày càng lớn. Để điều chỉnh mức sinh của tỉnh về mức sinh thay thế, góp phần ổn định quy mô dân số, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, phù hợp với các địa phương.

Phấn đấu đạt mức sinh thay thế đảm bảo với từng khu vựcPhấn đấu đạt mức sinh thay thế đảm bảo với từng khu vực

SKĐS - Không chỉ cả nước mà mỗi tỉnh, thành phố cũng sẽ phải phấn đấu đạt mức sinh thay thế, góp phần đảm bảo phát triển bền vững gia đình và đất nước.

Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh duy trì vững chắc mức sinh thay thế

Theo số liệu từ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện có gần 1,2 triệu người, tỷ suất sinh thô giảm còn 15.4%; hơn 64% tổng dân số có độ tuổi từ 15 đến 64 tuổi và gần 28% tổng dân số có độ tuổi dưới 15 tuổi. Mức sinh ở tỉnh hiện nay có sự chênh lệch đáng kể giữa các huyện, thành phố và chia thành 2 nhóm: Nhóm các huyện, thành phố có tỷ suất sinh thô tăng hoặc ổn định ở mức cao và nhóm các huyện, thành phố có mức sinh thấp, liên tục giảm. Trong đó, nhóm các huyện có tỷ suất sinh thô tăng hoặc ổn định ở mức cao như Tam Dương (18,6%), Lập Thạch (17,8%), Sông Lô (17,7%), Yên Lạc (18,6%), Vĩnh Tường (16,3%), Tam Đảo (16,5%); nhóm các huyện, thành phố có mức sinh thấp, liên tục giảm là Vĩnh Yên (12,9%), Phúc Yên (13,4%), Bình Xuyên (15,4%).

Những con số trên cho thấy, mức sinh ở khu vực nông thôn cao hơn mức sinh ở khu vực thành thị; xu hướng mức sinh tăng cao trở lại sau khi đạt mức thay thế xuất hiện ngày càng nhiều. Nhận định của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mức sinh tăng cao hay giảm thấp đều ảnh hưởng đến quy mô dân số, chất lượng dân số và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mức sinh cao sẽ ảnh hưởng đến việc cải thiện đời sống nhân dân, phát triển thể lực giống nòi. Mức sinh thấp và duy trì trong một thời gian dài sẽ dẫn đến ít trẻ em được sinh ra, dân số già hóa nhanh, gây suy giảm dân số, thiếu hụt nguồn nhân lực. Do đó, cần duy trì mức sinh thay thế, giữ vững mức sinh đồng đều giữa các vùng, khu vực.

Điều chỉnh mức sinh về mức sinh thay thế góp phần ổn định quy mô dân số - Ảnh 2.

Lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc trao đổi nghiệp vụ với cán bộ phòng tuyên truyền về các giải pháp nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới.

Để duy trì mức sinh thay thế, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu, phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Trong đó, chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền về công tác dân số; thống nhất nhận thức trong lãnh đạo và chỉ đạo toàn dân thực hiện cuộc vận động mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng "Dừng lại ở hai con để nuôi, dạy cho tốt"; bảo đảm sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện đúng chính sách dân số. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh, đổi mới tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi của người dân; xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên các báo, tạp chí của tỉnh; biên soạn và phát hành các ấn phẩm truyền thông, tư vấn, vận động giảm sinh để tiến tới đạt mức sinh thay thế.

Cùng với đó, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường phù hợp từng cấp học, lứa tuổi; thí điểm triển khai, mở rộng thực hiện chương trình giáo dục bắt buộc trước khi kết hôn đối với thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn. Các ngành chức năng cần tiếp tục rà soát đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung, mở rộng đối tượng được thụ hưởng hỗ trợ khi sinh con đúng chính sách dân số.

Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,2 con); quy mô dân số đạt 1,4 triệu người; tỷ số giới tính khi sinh giảm còn 109 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động là 67%. Đồng thời, giảm tối thiểu 10% tổng tỷ suất sinh ở các huyện có mức sinh cao; tăng tối thiểu 5% tổng tỷ suất sinh ở các huyện có mức sinh thấp.

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Để thực hiện tốt Chương trình DS-KHHGĐ mà trọng tâm là nâng cao chất lượng dân số, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch, Đề án.

Tiêu biểu là Nghị quyết số 205/2015/ của HĐND tỉnh về việc "Hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình DS-KHHGĐ gia đình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020"; Nghị quyết số 16/2020 của HĐND tỉnh "Quy định một số chính sách hỗ trợ công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025".

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của tỉnh và Sở Y tế, Chi cục DS- KHHGĐ đã cụ thể hóa từng nội dung, chủ động xây dựng kế hoạch; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh và các huyện, thành phố củng cố xây dựng mạng lưới cán bộ chuyên trách, đội ngũ CTV ở cơ sở.

Đến nay, 9/9 huyện đã thành lập phòng DS - KHHGĐ trực thuộc Trung tâm Y tế huyện; 136 cán bộ chuyên trách cấp xã phụ trách công tác DS-KHHGĐ với gần 2.000 CTV, đảm bảo 100% thôn, bản, làng, khu dân cư, tổ dân phố có CTV dân số.

Lực lượng cán bộ chuyên trách và CTV dân số đã xây dựng được các mô hình: CLB "Không sinh con thứ 3", CLB "Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên" tại cộng đồng; duy trì sinh hoạt đều hàng tháng cung cấp thông tin, kiến thức về SKSS/KHHGĐ cho thanh thiếu niên.

Nhận thức về chương trình DS-KHHGĐ của người dân được nâng lên. Các biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả, chăm sóc SKSS, phòng chống SDD ở trẻ em, nâng cao mức sống, học vấn... được thực hiện hiệu quả.

Thông qua mô hình "Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống" tại 37 xã của 7 huyện trong tỉnh, các nam nữ thanh niên được tư vấn, cung cấp thông tin trước khi kết hôn, có đủ kiến thức làm cha, mẹ; góp phần hạn chế và ngăn chặn nguy cơ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống...

Mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ trên địa bàn tỉnh được mở rộng. Thông qua khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh đã góp phần phát hiện nhiều trường hợp trẻ nghi ngờ thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh và các bệnh lý nguy hiểm, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.

Hằng năm có trên 73% nam nữ trong độ tuổi thanh niên được tư vấn cung cấp kiến thức về SKSS; 34% số trẻ sinh ra được sàng lọc trước sinh; đặc biệt hơn 35% người cao tuổi được tư vấn, được cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng...

Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận 5 biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 70%. Tổng số người mới sử dụng các biện pháp tránh thai đạt gần 65.000 người/năm.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 205 của HĐND tỉnh, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trên địa bàn từ 1,5% (2015) xuống còn 1,13%; mức giảm sinh còn 1,32%o; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 73%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt trên 34%...

Chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh đã giảm nhanh từ 115 bé trai/100 bé gái năm 2015, giảm xuống còn 108 bé trai/100 bé gái năm 2020. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 và 5 tuổi giảm; 98% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm và uống đầy đủ 6 loại vaccine.

Tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục Mầm non, Tiểu học, THCS đúng độ tuổi (năm 2014 tỉnh được công nhận phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2). Tỷ suất sinh thô toàn tỉnh đã giảm xuống còn dưới 1,6%, thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên toàn tỉnh giảm xuống còn 1,17%.

Cơ cấu dân số theo độ tuổi đã thay đổi dần theo hướng tích cực, tỷ lệ dân số dân số trong độ tuổi lao động tăng; tỷ lệ dân số phụ thuộc giảm; cơ cấu thành thị và nông thôn cũng thay đổi đáng kể với chiều hướng tích cực, dân số thành thị tăng trung bình mỗi năm khoảng 3-4% dân số, đã đưa tỷ lệ dân số thành thị đạt 30%. Chất lượng dân số tăng đáng kể, là một trong 20 tỉnh, thành phố đạt chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất của cả nước.

Thời gian tới, cùng với tiếp tục triển khai các Chương trình, Đề án nâng cao chất lượng dân số, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của cán bộ, CTV làm công tác dân số; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động toàn thể xã hội thực hiện sinh để có kế hoạch.

Tăng cường tuyên truyền tư vấn, hỗ trợ nâng cao sức khỏe, thể chất, trí tuệ và tinh thần cho các nhóm đối tượng; triển khai thêm các mô hình cung cấp dịch vụ.

Tăng cường sàng lọc trước khi sinh tại cộng đồng; xây dựng và nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho nhóm trẻ em và người cao tuổi.

Tăng cường các dịch vụ xã hội liên quan đến mức sống, sức khỏe, trình độ dân trí, đời sống văn hóa cho con người; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng nâng cao chất lượng dân số thời kỳ mới.

Xem thêm video đang được quan tâm:

TP. HCM: Không tiêm vaccine, trẻ vẫn được đi học | SKĐS


An Nhiên
Ý kiến của bạn