Thứ nhất, tác động trực tiếp các ngành, lĩnh vực đời sống xã hội theo từng giai đoạn phát triển của con người. Vì vậy, cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số cần phải kết hợp, lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực.
Đặc biệt các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp, như: y tế, giáo dục, lao động, an sinh, phúc lợi xã hội. Riêng về lao động tác động trực tiếp đến tất cả các ngành, lĩnh vực KT- XH đòi hỏi gắn kết chặt chẽ chính sách dân số với chính sách lao động.
Ví dụ, khi tỷ lệ sinh cao, quy mô dân số độ tuổi đến trường lớn, đòi hỏi quy hoạch các trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, các phúc lợi xã hội… phải đáp ứng nhu cầu tăng. Nhưng khi giảm sinh, đòi hỏi các quy mô đó phải giảm theo.
Khi giảm sinh, vì già hoá độ tuổi người già tăng lên, cần phải tăng các cơ sở chăm sóc phúc lợi cho người cao tuổi. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời sẽ dẫn đến hiện tượng thừa trường học mà lại thiếu cơ sở chăm sóc người già. Đó chỉ là một ví dụ để bạn hiểu hơn về tác động cụ thể của chính sách ở khía cạnh xã hội.
Thứ hai, tác động chính sách di dân, di cư và quản lý phát triển xã hội từng địa phương. Xuất phát từ cung cầu lao động, sự dịch chuyển nơi thừa đến nơi thiếu là tất yếu khách quan, tác động trực tiếp đến cơ cấu lao động.
Ví dụ, khi điều chỉnh mức sinh đạt mục tiêu mong muốn, nhưng các chính sách xã hội khác không theo kịp sẽ phát sinh hiện tượng di dân, từ nơi thừa lao động tới nơi thiếu lao động. Hoặc làn sóng di dân diễn ra do sự cạnh tranh về chính sách thu hút nhân lực giữa các ngành địa phương.
Vì vậy, để sự di chuyển thay đổi cơ cấu dân số có mục tiêu, định hướng cần hệ thống các giải pháp gắn quyền lợi với trách nhiệm của từng chủ thể, trong đó các chính sách kinh tế và hành chính khác cần có sự kết hợp phối hợp với chính sách dân số, an sinh, lao động, thuế, nhà ở… góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu bền vững theo hướng gắn chính sách dân số trong mối quan hệ phát triển KT- XH.
TS Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương cũng phân tích, chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương là tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà có tính phổ biến trên thế giới, đòi hỏi phải có chính sách đồng bộ, kịp thời, phù hợp và ổn định; xử lý tốt các mối quan hệ giữa chính sách mức sinh, chính sách di cư, dịch chuyển lao động… nhằm giảm thiểu mất cân đối trong phát triển KT-XH.
Việc điều chỉnh mức sinh phù hợp sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững KT-XH đối với từng vùng, từng địa phương. Như vậy, cần phải có chính sách cụ thể cho từng vùng, địa phương gắn với đặc điểm, điều kiện phong tục, tập quán của người dân do chính quyền địa phương ban hành.
Vai trò hỗ trợ nguồn lực của Nhà nước có tính quyết định đến thành công của chính sách theo hướng gắn với điều kiện, nhiệm vụ cụ thể của từng địa phương.
Nhà nước phải có chính sách di cư, chuyển dịch lao động chủ động, phù hợp đặt trong quy hoạch và điều kiện phát triển KT- XH chung của cả nước, tạo điều kiện để địa phương nơi tiếp nhận nhập cư có chính sách phù hợp gắn với nhu cầu, đặc điểm, điều kiện phát triển KT- XH của mình.
Nâng cao năng lực quản lý phát triển xã hội, đặt dân số là trung tâm trong ban hành và thực thi chính sách KT- XH.
Đảng ta nhất quán giải pháp xuyên suốt chính sách dân số gắn với phát triển KT- XH. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân số theo nguyên tắc thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.
Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, tức là giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Thực hiện lượng hóa việc "lồng ghép" có hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước, của từng ngành, từng địa phương với hệ thống, bộ chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể gắn với nhiệm vụ ngắn hạn, dài hạn đối với từng cấp chính quyền; thực hiện chế độ kiểm tra, đánh giá, xử lý vi phạm (nếu có) định kỳ, thường xuyên.
Phân công, phân cấp, ủy quyền trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng ngành, từng cơ quan, đoàn thể trong thực hiện các mục tiêu, giải pháp.
Tăng cường phối hợp liên ngành, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và của cả cộng đồng trong công tác dân số. Thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động về công tác dân số, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường sống lành mạnh, nâng cao sức khỏe và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.