Điều chỉnh giá xăng dầu theo tuần liệu có sát với giá trị trường?

31-10-2023 12:14 | Xã hội

SKĐS - Theo chuyên gia, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu càng rút ngắn càng tốt, nhưng quan trọng là năng lực của cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu thì mới đưa giá về sát với thị trường được.

Đề nghị bổ sung điều kiện "siết" Quỹ bình ổn giá xăng dầuĐề nghị bổ sung điều kiện 'siết' Quỹ bình ổn giá xăng dầu

SKĐS - Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu, gửi Chính phủ sau tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, trong đó có nội dung được người dân rất quan tâm.

Đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu theo tuần

Theo dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công Thương hoàn thiện trình Chính phủ sau khi tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, thời gian điều chỉnh giữa hai đợt thay đổi giá bán lẻ xăng dầu sẽ được rút ngắn xuống còn 7 ngày và cố định vào thứ Năm hằng tuần.

Theo đề xuất mới nhất của Bộ Công Thương, Nhà nước vẫn điều hành giá trong nước để kiểm soát nguồn cung, giá bán trong nước. Thời gian điều chỉnh giữa hai đợt thay đổi giá bán lẻ sẽ được rút ngắn xuống còn 7 ngày và cố định vào thứ Năm hằng tuần. Trường hợp thứ Năm trùng vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch (29 hoặc 30 Tết Nguyên đán), lịch điều hành giá sẽ thực hiện vào ngày thứ 4 liền kề trước đó. Nếu thứ Năm trùng vào ngày mùng 1, 2 hoặc 3 Tết, thì thay đổi giá được thực hiện vào ngày mùng 4 Tết. Nếu trùng ngày nghỉ lễ, giá xăng dầu sẽ điều chỉnh vào thứ Tư liền kề. Nếu trùng các ngày nghỉ lễ còn lại, nhà chức trách sẽ điều hành vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.

Điều chỉnh giá xăng dầu theo tuần có sát được với giá trị trường? - Ảnh 2.

Giá xăng dầu được đề xuất điều chỉnh theo tuần.

"Để kịp thời cập nhật các chi phí cấu thành giá, 3 tháng một lần doanh nghiệp phải gửi báo cáo tới Bộ Tài chính các chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, premium với nguồn mua trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng", Bộ Công Thương đề xuất.

Theo dự thảo mới, trước ngày 31/3 hằng năm, doanh nghiệp đầu mối phải kiểm toán riêng chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu, báo cáo Bộ Tài chính và Công Thương để công bố vào ngày 1/7 hằng năm và áp dụng trong công thức tính giá cơ sở.

Dự thảo mới cũng bổ sung các điều kiện tăng cường quản lý Quỹ Bình ổn xăng dầu (QBOG). Theo đó, doanh nghiệp đầu mối chọn ngân hàng để mở tài khoản theo dõi, quản lý Quỹ QBOG. Ngân hàng sẽ phong tỏa tài khoản QBOG của doanh nghiệp và tài khoản này chỉ sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng quỹ theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.

Đáng chú ý, theo dự thảo, doanh nghiệp chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ cho tối đa 3 thương nhân phân phối hoặc đầu mối kinh doanh. Đại lý bán lẻ phải nằm trong hệ thống phân phối của thương nhân phân phối hoặc đầu mối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đó. Ngoài ra, 17.000 cửa hàng bán lẻ phải sử dụng hóa đơn điện tử trong mua - bán, kết nối với cơ quan thuế nhằm tránh gian lận hóa đơn, trốn thuế. Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn chi tiết về ứng dụng hóa đơn điện tử, lộ trình để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu áp dụng.

Càng rút ngắn thời gian điều chỉnh càng sát giá thị trường

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, nếu giá xăng được điều chỉnh sớm và linh hoạt hơn sẽ không xảy ra tình trạng doanh nghiệp phải đóng cửa, găm hàng chờ giá lên. Thời gian điều chỉnh giá xăng dầu càng rút ngắn càng tốt, nhưng quan trọng là năng lực của cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu. 

"Năng lực của cơ quan quản lý trong thời gian 7 ngày của chu kỳ điều chỉnh phải xác định được giá bán sát với giá thị trường, có tính đến vấn đề hạch toán và chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp. Càng rút ngắn thời gian điều chỉnh càng có ưu điểm sát với giá thị trường. Nếu để thời gian xa quá (như trước kia là 30 ngày) sẽ rất bất cập vì nhiều khi giá thị trường thế giới đang lên, nhưng nếu tính bình quân giá bán trong nước lại giảm hoặc ngược lại, có thể giá thị trường thế giới đang xuống nhưng giá xăng dầu trong nước lại tăng", TS Ngô Trí Long chỉ rõ.

PGS.TS Ngô Trí Long nêu rõ, hiện nay 1 lít xăng dầu có 6 - 7 Bộ quản lý, nên giao cho 1 Bộ chủ trì nhưng phải có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ khác. Bộ chủ trì phải được toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm chính, nếu có biến động bất thường phải báo cáo lên Chính phủ. Cùng với đó, các Bộ, ngành có liên quan phải phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm của mình với Bộ chủ trì trong phối hợp quản lý và điều hành mặt hàng xăng dầu.

Chỉ khi thị trường xăng dầu nước ta thực sự cạnh tranh như các nước phát triển, thì mới có thể rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ 2-3 ngày một lần, tức là Nhà nước để thị trường tự điều chỉnh. Nhưng chúng ta chưa đạt được như vậy, nên Nhà nước vẫn phải quản lý mặt hàng này để bảo vệ người tiêu dùng và thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác.

Thời gian qua, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã thực hiện vai trò như 1 van điều tiết giá. Khi giá xăng dầu lên xuống ở biên độ thấp, Quỹ đã giúp kiềm chế giá không tăng ở mức quá cao. Chính vì thế, trong Dự thảo Tờ trình, Bộ Công Thương vẫn quyết định giữ nguyên quy định về quản lý Quỹ bình ổn giá hiện hành. Sự tồn tại của Quỹ theo lý giải của Bộ Công Thương giúp Nhà nước duy trì được công cụ điều hành giá khá linh hoạt, không phát sinh chi ngân sách và bộ máy vận hành, bảo đảm can thiệp bình ổn giá xăng dầu một cách hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Giá xăng dầu hôm nay (23/10) bật tăng trở lại sau 2 lần giảm giá mạnhGiá xăng dầu hôm nay (23/10) bật tăng trở lại sau 2 lần giảm giá mạnh

SKĐS - Từ hôm nay (23/10), giá xăng E5 RON 92 tăng 460 đồng/lít lên 22.370 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 470 đồng/lít, lên 23.510 đồng/lít.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Miền Trung liên tục mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn