Hà Nội

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Người có thẻ BHYT được lợi gì?

21-10-2015 17:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo dự kiến từ tháng 11/2015, giá của 1.800 dịch vụ y tế sẽ có sự điều chỉnh, trước thông tin này nhiều người bệnh đã bày tỏ băn khoăn liệu việc điều chỉnh này có tác động nhiều đến người bệnh hay không?

Theo dự kiến từ tháng 11/2015, giá của 1.800 dịch vụ y tế sẽ có sự điều chỉnh, trước thông tin này nhiều người bệnh đã bày tỏ băn khoăn liệu việc điều chỉnh này có tác động nhiều đến người bệnh hay không? Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trước mắt việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này chỉ áp dụng đối với thanh toán BHYT. Đối với người không có thẻ BHYT, sẽ tiếp tục áp dụng mức giá theo quy định Thông tư liên bộ số 03/2006/TTLT và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT hiện nay đang thực hiện.

Giúp hạn chế được việc thu thêm, thu ngoài của người bệnh

Lần này liên Bộ điều chỉnh giá không chỉ là kết cấu thêm chi phí tiền lương, tiền công, phụ cấp, mà còn điều chỉnh tính đủ chi phí của 3 yếu tố trực tiếp đối với một số dịch vụ kỹ thuật có mức giá thấp quy định tại Thông tư liên tịch số 03 từ năm 2006. Vì vậy, người bệnh nói chung sẽ không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá. Giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người có thẻ BHYT được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn và được bảo hiểm thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT - ông Sơn cho biết.

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Người có thẻ BHYT được lợi gì?

Bệnh nhân chờ cấp phát thuốc. Ảnh: TM

Cũng theo ông Sơn, tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế đến các nhóm có khác nhau, cụ thể: đối với nhóm người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội hay trẻ em dưới 6 tuổi thì không bị tác động vì đây là những nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh được chi trả 100% chi phí trong phạm vi thanh toán của quỹ BHYT; đối với người cận nghèo đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT, theo quy định Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT, đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước 31/12/2014 phải đồng chi trả 20%), do đó mức độ tác động sẽ không nhiều; các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất, tuy nhiên việc tính đủ các chi phí sẽ giúp minh bạch hơn trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh, hạn chế được việc thu thêm, thu ngoài của người bệnh.

Từ nay đến năm 2017 chưa tính đến điều chỉnh mức đóng BHYT

Những người chưa tham gia BHYT chưa chịu tác động của việc áp dụng giá dịch vụ y tế mới. Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhấn mạnh, để hạn chế tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội của người dân, liên Bộ đã quyết định sẽ áp dụng mức giá dịch vụ y tế điều chỉnh cho đối tượng có thẻ BHYT trước, trong năm 2016 sẽ áp dụng giá đủ 7 yếu tố chi phí cho người không có thẻ BHYT. Như vậy, người chưa có thẻ BHYT sẽ có thêm một khoảng thời gian cân nhắc, để thấy được lợi ích, tính nhân văn của chính sách an sinh xã hội cũng như của việc tham gia BHYT.

Với mức giá dịch vụ y tế mới, ước tính Quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối được đến hết 2017. Tuy nhiên, theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế như hiện nay, vấn đề đẩy nhanh độ bao phủ của BHYT lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để bệnh nhân không phải nặng gánh chi trả thêm và để người không may mắc bệnh không bị rơi vào “bẫy nghèo”.

Được biết, lần điều chỉnh giá này sẽ không đặt ra vấn đề điều chỉnh tăng mức đóng BHYT của người dân. Vì từ năm 2010, thông qua các biện pháp quản lý của Bảo hiểm xã hội, các cơ sở khám chữa bệnh tích cực cung cấp các dịch vụ y tế theo hướng chi phí hiệu quả. Vì vậy mỗi năm tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2014, quỹ BHYT có kết dư khoảng 5.200 tỷ đồng. Số tiền kết dư này đủ để đảm bảo đáp ứng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này.

Theo lộ trình, đến 2018 khi cả 7 cấu phần dịch vụ y tế được tính vào giá dịch vụ thì Bảo hiểm xã hội mới cân nhắc việc có điều chỉnh tăng mức đóng BHYT hay không.

Từ năm 2018, dự kiến sẽ phải đề xuất điều chỉnh mức đóng BHYT. Theo quy định của Luật BHYT thì mức đóng BHYT tối đa là 6% tiền lương, tiền công, hiện nay đang thực hiện ở mức 4,5%. Tăng phí BHYT đến mức tối đa, thì chi phí phải đóng là 828.000 đồng/năm (hiện nay là 621.000 đồng), nếu tham gia theo hộ gia đình mức đóng của các đối tượng tiếp theo sẽ còn được giảm. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Riêng đối với người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tiêu chí người có mức sống trung bình làm cơ sở để hỗ trợ đối tượng này tham gia BHYT. Đồng thời Chính phủ cũng định hướng sẽ chuyển ngân sách cấp cho bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT, do đó việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020 sẽ không bị ảnh hưởng.

Thái Bình

 
Bảo hiểm y tế
Bảo hiểm Y tế
(cập nhật liên tục)

 


Ý kiến của bạn