Tăng mỡ máu là tình trạng rối loạn lipid máu: Tăng cholesterol có hại và giảm lượng cholesterol có lợi của cơ thể. Mỡ máu cao, dư thừa sẽ bám vào thành động mạch ngày một nhiều, hình thành các mảng bám dày, thu hẹp lòng mạch và làm giảm lưu lượng máu đến tim, não, chân tay... dễ gây biến chứng trên tim mạch. Hơn nữa, các mảng bám này có thể vỡ ra, hình thành cục máu đông, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: đau tim, đột quỵ...
Các thuốc thuộc nhóm satatin như: atorvastatin, fluvastatin, lovastatin, pitavastatin, pravastatin, rosuvastatin và simvastatin. Các thuốc này có tác dụng ức chế enzym mà cơ thể cần để sản xuất ra cholesterol hoặc giúp làm giảm các mảng bám (do cholesterol tích tụ) hình thành ở trong lòng động mạch... nên là nhóm thuốc được sử dụng khá phổ biến để điều trị tăng mỡ máu.
Thời điểm thích hợp để dùng thuốc
Statin có rất nhiều loại thuốc. Một số statin sẽ có tác dụng tốt nhất khi uống vào buổi tối trong khi một số khác lại hoạt động tốt vào buổi sáng. Vì vậy, thời gian tốt nhất để dùng statin phụ thuộc vào loại thuốc cụ thể. Đối với loại statin tác dụng ngắn nên uống vào buổi tối, vì men gan tạo ra cholesterol hoạt động mạnh hơn vào thời điểm này. Hầu hết các statin tác dụng ngắn có thời gian bán hủy là 6 giờ. Thời gian bán hủy của thuốc là thời gian cần thiết để cơ thể xử lý và loại bỏ một nửa số thuốc. Statin tác dụng ngắn bao gồm: lovastatin, fluvastatin, simvastatin.
Đối với statin loại tác dụng dài như: atorvastatin, fluvastatin (viên nén giải phóng kéo dài), rosuvastatin có thời gian bán hủy lên tới 19 giờ. Cơ thể cần nhiều thời gian hơn để xử lý statin tác dụng dài này nên có thể uống vào buổi sáng hay buổi tối đều được. Những người dùng statin tác dụng dài có thể chọn thời điểm nào để uống thuốc trong ngày sao cho thuận tiện và phù hợp nhất với họ. Tuy nhiên cần dùng vào một thời điểm trong ngày để dễ nhớ giờ uống thuốc. Ví dụ, nếu người bệnh chọn dùng vào thời điểm 8 giờ sáng, thì nên dùng chúng vào thời điểm này mỗi ngày.
Về vấn đề này, người bệnh thường được bác sĩ tư vấn khi kê đơn (hoặc ghi trong đơn thuốc), tuy nhiên, trước khi dùng thuốc, người bệnh cần đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng để tìm hiểu thêm các thông tin về thuốc mình sẽ sử dụng trong đó có thời điểm uống thuốc.
Hình ảnh mỡ máu bám trong thành động mạch.
Thông báo kịp thời các bất lợi hoặc tương tác thuốc nếu gặp phải
Cũng như các loại thuốc điều trị khác, khi dùng các thuốc nhóm statin, người bệnh có thể gặp một số bất lợi sau: đau đầu, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, phát ban... Cần chú ý tới hai tác dụng phụ nghiêm trọng nhất là suy gan và tổn thương cơ xương, mặc dù hai bất này đều hiếm khi xảy ra. Các tổn thương cơ thường biểu hiện như đau cơ, thường giảm khi chuyển sang dùng một loại statin khác...
Vì vậy, trong quá trình dùng thuốc nếu gặp bất kỳ triệu chứng khác thường nào (có thể do tác dụng phụ của thuốc, có thể do diễn tiến của bệnh xấu đi...), người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết để kịp thời khắc phục, hoặc điều chỉnh, thay thế thuốc khác (khi cần thiết) cho phù hợp hơn.
Các lợi ích của statin vẫn lớn hơn nguy cơ mà thuốc gây ra, nên nếu gặp bất lợi người bệnh tự ý ngừng dùng thuốc. Vì việc tự ý ngưng thuốc, mỡ máu không được kiểm soát sẽ tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.
Statin cũng có thể gây tương tác bất lợi với một số loại thuốc mà người bệnh đang sử dụng để điều trị một tình trạng y tế khác. Để tránh các tương tác bất lợi này, nên thông báo cho bác sĩ biết trước khi kê đơn thuốc trị mỡ máu. Bác sĩ sẽ cân nhắc để tránh hoặc hạn chế các tương tác bất lợi này.
Nguyên nhân tăng mỡ máu là do chế độ ăn không hợp lý, mắc một số bệnh về rối loạn chuyển hóa hoặc do di truyền... Vì vậy, để dự phòng và điều trị tăng mỡ máu thì chế độ ăn uống đóng vai trò quyết định. Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống và tập luyện có lợi cho tình trạng của mình. Ví dụ: Tránh thức ăn chứa nhiều chất béo như thịt mỡ, nội tạng động vật, hạn chế rượu bia; tăng cường ăn rau, trái cây... thường xuyên luyện tập như đi bộ, đạp xe... để giảm nguy cơ rối loạn mỡ máu và kiểm tra sức khỏe định kỳ.