Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, có thể bắt nguồn từ gan hay di căn từ những bộ phận khác sang gan. Xét nghiệm tầm soát ung thư gan sẽ giúp phát hiện và khống chế bệnh hiệu quả.
Để có thể chẩn đoán chính xác sớm bệnh ung thư thì cần phải căn cứ vào các dấu hiệu sinh hóa và miễn dịch (do các tế bào ung thư tiết ra) trước khi xuất hiện khối u. Việc này giúp cho bệnh nhân được điều trị sớm, theo dõi được tiến triển của khối u và nâng cao tỷ lệ sống sót của bệnh nhân.
Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư gan ở trong vòng 5 năm là khoảng 9%. Nếu như được phát hiện vào giai đoạn đầu thì con số này là khoảng 19%. Tuy nhiên do việc không tầm soát bệnh sớm nên chỉ có khoảng 30% số bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu. Ở giai đoạn thứ 2 đã có khoảng 26% trường hợp được chẩn đoán. Lúc này thì ung thư đã lan rộng, xuất hiện tại các hạch bạch huyết. Giai đoạn này tỷ lệ sống trong vòng 5 năm là khoảng 6,5%. Có tới 22% trường hợp bị ung thư gan đã được chẩn đoán đã ở giai đoạn cuối khi bệnh ung thư đã bắt đầu xâm nhập những cơ quan xa. Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân trong 5 năm là 3,5%. Trong khi đó nếu như phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, phẫu thuật triệt căn hay ghép gan là một phương pháp điều trị đem lại kết quả rất tốt, bởi tỷ lệ sống lên tới 80% .
Ung thư gan thường tiến triển âm thầm và không có triệu chứng gì ở giai đoạn đầu. Vì vậy, những người có nguy cơ cao bị mắc ung thư gan như có bệnh viêm gan B, C và xơ gan, người uống rượu nhiều hoặc ở trong gia đình từng có người bị ung thư gan thì nên thường xuyên khám và xét nghiệm tầm soát, kiểm tra định kỳ.
Có thể phát hiện ung thư gan qua xét nghiệm định lượng AFP.
Những xét nghiệm tầm soát ung thư gan
Nồng độ AFP ở trong máu
AFP là một loại protein được tiết ra từ các tế bào gan chưa trưởng thành của thai nhi. Trong điều kiện bình thường, AFP ở trong máu của trẻ sơ sinh hay phụ nữ có thai thường tăng cao. ở trong điều kiện bệnh lý, AFP sẽ được tiết bởi các tế bào ung thư gan, ung thư tinh hoàn và ung thư buồng trứng,... hoặc tế bào gan tái sinh (ở trong viêm gan mạn tính). Nếu như nồng độ AFP tăng rất cao > 500ng/ml thì 99% là bệnh ung thư tế bào gan, hoặc ung thư ở buồng trứng và tinh hoàn. Đa số những người đã được phát hiện có AFP cao ở trong máu lại đang trong giai đoạn sau của bệnh.
Siêu âm gan
Cùng với xét nghiệm AFP là siêu âm gan, một phương pháp chẩn đoán ung thư gan phổ biến hiện nay bởi độ nhạy cảm khoảng 68 - 87%. Hiện nay, ung thư gan thường được phát hiện nhờ vào phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm. Siêu âm rất đơn giản, giúp tiết kiệm chi phí, không hại và chẩn đoán được khối u >1cm. Siêu âm còn giúp phát hiện những bệnh lý đi kèm như xơ gan, hay tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Vào giai đoạn đầu của bệnh, người bệnh thường sẽ không xuất hiện các triệu chứng ung thư gan cụ thể. Thông qua siêu âm, sẽ đánh giá được mức độ tổn thương các cấu trúc bề mặt gan. Tiến hành kết hợp siêu âm gan và đo nồng độ AFP ở trong máu tối ưu hơn việc thực hiện riêng lẻ những xét nghiệm này ở trong phác đồ tầm soát ung thư gan.
Ngoài ra, để xác định được chính xác tình trạng bệnh ung thư gan, người bệnh có thể thực hiện thêm các xét nghiệm chức năng gan để đánh giá nguyên nhân gây ra bệnh và một số loại xét nghiệm khác.Theo các bác sĩ, khi không may phát hiện bị mắc ung thư gan, người bệnh cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo sự hướng dẫn và liệu trình khống chế bệnh của các bác sĩ. Luôn giữ tâm lý thoải mái và có một chế độ ăn uống hợp lý để nâng cao thể trạng và ngăn ngừa những biến chứng có thể xảy ra.
Ngoài ra có thể áp dụng những phương pháp khác như chụp cắt lớp điện toán (CT-Scan) và chụp cộng hưởng từ (MRI) sẽ giúp nhìn thấy khối u rõ hơn. Còn nếu muốn chắc chắn hơn bạn cũng có thể thực hiện sinh thiết gan.