Hà Nội

Điều cần biết về sốt xuất huyết và biến chứng của bệnh

27-07-2020 13:01 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Dịch sốt xuất huyết (SXH) thường xuất hiện bắt đầu vào mùa mưa. Đây là dịch bệnh thường xảy ra trên diện rộng và nếu không được điều trị, chăm sóc đúng, nó sẽ có những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người dân, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm đó, chúng tôi xin cung cấp kiến thức về căn bệnh nguy hiểm này cho cộng đồng.

Biểu hiện của bệnh

Bệnh nhân đột ngột sốt cao 39-40 độ liên tục, kéo dài 2-7 ngày. Nhiều trường hợp chỉ bị sốt cao trong những ngày đầu và không có bất cứ biểu hiện gì khác. Bên cạnh triệu chứng sốt cao, đột ngột, có thể có kèm theo các biểu hiện sau như: cơ thể có cảm giác rất mệt mỏi, đỏ phừng mặt, da sung huyết, đau nhức khắp cơ thể, đau khớp, đau đầu. Trong một số trường hợp sẽ bị đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Ở trẻ em và nhũ nhi có thể kèm triệu chứng ho, sổ mũi hay tiêu chảy. Vào thời điểm này, những triệu chứng bệnh thường không đặc hiệu, không thể phân biệt với các loại virus khác nên nhiều cha mẹ vội vã ra nhà thuốc mua thuốc và cho trẻ uống tạm với hi vọng điều trị dứt điểm căn nguyên của bệnh. Tuy nhiên, việc làm này chỉ giảm được nhất thời tình trạng sốt nên dễ bị bỏ qua và làm cho cha mẹ trẻ chủ quan, bỏ qua các biến chứng sau này.

Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết cho con người.

Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết cho con người.

Xuất huyết - đây là dấu hiệu khá quan trọng, cho biết có tình trạng thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch máu, từ đó dẫn đến tình trạng sốc giảm thể tích rất nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Xuất huyết có thể xuất hiện trong thời gian từ ngày thứ 2-5 của chu kỳ bệnh. Nếu xuất hiện các chấm huyết dưới da không biến mất khi ấn vào hoặc có những vết bầm máu, bầm lâu tan, có chảy máu mũi, chảy máu chân răng mà không do cơ chế tác động gì từ bên ngoài hoặc có nôn/đi tiêu ra máu..., hãy nghĩ ngay đến SXH nếu đang có sốt cao.

Từ ngày thứ 3-7 của bệnh, bắt đầu hạ sốt 37,5-38 độ hoặc thấp hơn, bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như lừ đừ, mệt mỏi, ói nhiều, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, gan to... Một số trường hợp diễn biến đến sốc SXH với biểu hiện chân tay lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp không đo được. Dấu hiệu quan trọng của sốc xảy ra vào ngày thứ 3-6 sau khi xuất hiện triệu chứng sốt đầu tiên. Những trường hợp này phải nhập viện cấp cứu ngay.

Biến chứng của SXH

Các chuyên gia y tế đánh giá, sự nguy hiểm của căn bệnh SXH ở chỗ bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Mặc dù đa số các trường hợp được điều trị khỏi bệnh và không có biến chứng nhưng SXH thường cực nguy hiểm nếu phát hiện bệnh chậm trễ và xử lý kịp thời. Bệnh gây nguy hiểm khi có biến chứng sốc, trụy tim mạch, biến chứng thường xảy ra ở ngày 4-6 của bệnh. Biểu hiện nặng nhất của bệnh là hội chứng sốc Dengue. Do tình trạng thoát huyết tương từ lòng mạch ra ngoài gian bào, từ đó dẫn đến hiện tượng sốc giảm thể tích và rối loạn đông máu. Sốc giảm thể tích và xuất huyết là 2 nguyên nhân chính dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chỉ tử vong ở người, đặc biệt là trẻ nhỏ.


BSCKII. Lê Hà
Ý kiến của bạn