Hà Nội

Điều cần biết về hội chứng Guillain - Barré

20-07-2012 18:08 | Phòng mạch online
google news

Hội chứng Guillain - barré (viêm đa rễ và dây thần kinh cấp tính hay viêm đa rễ và dây thần kinh sau nhiễm khuẩn) là một bệnh tổn thương thần kinh ngoại biên cấp tính (rễ và dây thần kinh ở tủy sống và dây thần kinh sọ não).

(SKDS) - Hội chứng Guillain - barré (viêm đa rễ và dây thần kinh cấp tính hay viêm đa rễ và dây thần kinh sau nhiễm khuẩn) là một bệnh tổn thương thần kinh ngoại biên cấp tính (rễ và dây thần kinh ở tủy sống và dây thần kinh sọ não). Ðây là một cấp cứu thần kinh, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong do suy hô hấp hoặc sặc phổi do rối loạn chức năng nuốt hoặc thậm chí có thể bị ngừng tim do tổn thương dây thần kinh chi phối tim.

Bình thường, dây thần kinh ngoại biên được chia làm 2 loại: loại được bao bọc bởi bao myelin và loại không được bao bọc. Tốc độ dẫn truyền các xung động thần kinh ở loại có bao myelin nhanh hơn loại không có bao myelin.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân của hội chứng (HC) Guillain - Barré chưa rõ nhưng bệnh thường xuất hiện sau nhiễm khuẩn vài ngày hoặc vài tuần (tác nhân thường là vi khuẩn đường ruột gây viêm dạ dày - ruột hoặc virut), hoặc sau dùng một số loại thuốc (thuốc làm tiêu sợi huyết: streptokinase;...), một số trường hợp bệnh xuất hiện sau can thiệp ngoại khoa. Thông thường sau khi bị vi khuẩn hoặc virut tấn công, cơ thể sinh ra kháng thể để chống lại tác nhân gây bệnh, nhưng trong trường hợp này kháng thể lại chống lại bao myelin quanh dây thần kinh (gây tiêu hủy myelin từng đoạn) dẫn đến giảm tốc độ dẫn truyền các xung động thần kinh. Do đó bệnh được coi là một bệnh tự miễn, không có tính chất gia đình và cũng không lây truyền.

Biểu hiện của bệnh

Thông thường bệnh biểu hiện bởi cảm giác tê bì, kiến bò ở ngọn chi, lúc đầu ở chi dưới sau lan lên chi trên, đôi lúc có thể tê ở mặt, triệu chứng thường xuất hiện ở cả hai bên (có tính chất đối xứng). Kèm theo bệnh nhân thấy yếu hoặc liệt tăng dần hai chân hoặc tứ chi, đi lại khó khăn, nhưng không rối loạn đại tiểu tiện. Đồng thời bệnh nhân thấy đau mình mẩy hoặc đau các bắp cơ, liệt dây VII ngoại biên  (liệt mặt ngoại biên) hai bên (hai mắt nhắm không kín, không nhe răng hay thổi lửa được, ăn uống hay bị vãi), trường hợp nặng bệnh nhân thấy khó nuốt, uống nước sặc, kèm theo không ho khạc được, khó thở, rối loạn nhịp tim dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng trên cần đưa ngay đến khám tại các chuyên khoa thần kinh hoặc khoa hồi sức cấp cứu để được điều trị kịp thời, giảm nguy cơ tử vong và di chứng.

Xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định là chọc dò tủy sống, ghi điện cơ đồ. Đây là hai xét nghiệm cần thiết giúp chẩn đoán xác định HC Guillain - Barré. Trong trường hợp điển hình, xét nghiệm dịch não tủy thấy tăng protein còn tế bào bình thường, tuy nhiên nếu protein bình thường ở giai đoạn đầu của bệnh cũng không loại trừ HC Guillain - Barré (cần làm lại lần hai); kết quả ghi điện cơ thấy hình ảnh giảm tốc độ dẫn truyền thần kinh (chứng tỏ có tổn thương mất myelin). Ngoài ra bệnh nhân cần làm các xét nghiệm khác như công thức máu, sinh hóa máu, chụp phổi, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm nước tiểu...

Ðiều trị hội chứng Guillain - Barré như thế nào?

Ở Pháp, tỉ lệ mắc mới hội chứng Guillain - Barré là 1 - 2 ca/1 vạn dân. Bệnh hiếm gặp nhưng xảy ra ở mọi lứa tuổi (tăng dần theo tuổi, dưới 5 tuổi hiếm gặp), mọi sắc tộc, cả hai giới nhưng nam mắc bệnh nhiều hơn nữ. Bệnh thường tiến triển đến tự khỏi (nếu qua được giai đoạn nguy hiểm), hiếm khi tái phát.

Nhập viện điều trị để theo dõi tiến triển của liệt vận động. Đề phòng và phát hiện sớm liệt cơ hầu họng và cơ hô hấp. Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim, lượng nước tiểu 24 giờ.

Chuyển ngay bệnh nhân sang phòng cấp cứu thần kinh hoặc Khoa Hồi sức cấp cứu nếu thấy các dấu hiệu sau: khó nuốt hay nghẹn, sặc; không ho, không khạc được, kèm khó thở; biến loạn huyết áp và rối loạn nhịp tim.

Phương pháp điều trị: điều trị càng sớm càng tốt (2 tuần đầu) giúp cho hồi phục nhanh, nhất là trong những trường hợp nặng.

- Thay huyết tương: 4 - 6 đợt, mục đích làm giảm tự kháng thể (kháng thể do chính người bệnh sinh ra nhưng lại gây hủy myelin);

- Tiêm globulin miễn dịch (gamma globulin): gamma - globulin bao gồm các kháng thể lấy từ những người cho máu, có tác dụng chống lại tự kháng thể gây hủy myelin. Liều lượng: 0,4g/kg/ngày x 5 ngày liền hoặc 1g/kg/ngày x 2 ngày, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.

- Hút đờm dãi, thở ôxy (đặt nội khí quản, thở máy nếu bệnh nhân có suy hô hấp);

- Nếu có liệt dây VII ngoại biên: cần che mắt bằng băng gạc vô khuẩn, nhỏ mắt bằng dung dịch nước mắt nhân tạo hoặc nước muối sinh lý để chống khô giác mạc gây loét giác mạc.

- Ngừng cho ăn bằng miệng, đặt ống thông dạ dày nếu có rối loạn nuốt;

- Điều trị dự phòng loét dạ dày - tá tràng do cơ chế stress;

- Chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, dễ tiêu: 2.600 calo/ngày;

- Bù nước điện giải;

- Bổ sung vitamin nhóm B và thuốc giúp phục hồi bao myelin quanh dây thần kinh như nucleo - CMP (loại tiêm hoặc uống);

- Điều trị kháng sinh trong những trường hợp viêm phổi do hít vào hoặc dự phòng viêm phổi do nằm lâu;

- Dùng thuốc giảm đau trong trường hợp bệnh nhân có đau cơ;

- Dùng các thuốc chống ứ trệ, viêm tắc tĩnh mạch nếu nằm lâu (lovenox 40mg/ngày, tiêm dưới da từ 7 - 10 ngày). Cần theo dõi sát số lượng tiểu cầu và đông máu cơ bản đề phòng nguy cơ chảy máu.

- Tập phục hồi chức năng vận động tránh teo cơ cứng khớp, massage mặt (nếu có liệt mặt), chống loét, vỗ rung phổi, tập thở...;

Cấp cứu HC Guillain - Barré khi qua được giai đoạn nguy hiểm, đại đa số các trường hợp đều hồi phục hoàn toàn sau 6 tháng đến 1 năm, tuy nhiên khoảng 10% các trường hợp để lại di chứng về vận động hoặc cảm giác.  

  BS. KHÚC THỊ NHẸN
(Khoa Thần kinh - Bệnh viện E Hà Nội)

Ý kiến của bạn