Điều cần biết về điều trị dự phòng lao

01-07-2019 16:04 | Đời sống

SKĐS - Điều trị dự phòng lao là điều trị nội khoa cho những người khỏe mạnh, nhưng có mang vi trùng lao trong cơ thể.

Điều trị bằng thuốc nhằm mục đích giảm nguy cơ mắc bệnh lao về sau. Những người được điều trị dự phòng lao không có bệnh lao. Họ không lây bệnh lao cho mọi người xung quanh.

Phần lớn những người nhiễm vi trùng lao không có bệnh. Vi trùng lao “ngủ yên” trong cơ thể người đó. Hệ thống miễn dịch của cơ thể làm cho vi trùng ngủ yên. Nhiều người có vi trùng lao ở trạng thái bất hoạt (đang ngủ) trong cơ thể. Có trường hợp mang vi trùng lao trong người cả đời nhưng chưa hề bị bệnh lao. Tổ chức Y tế Thế giới ước lượng trên toàn cầu khoảng cứ 3 người thì có 1 người mang mầm vi trùng này. Chỉ có 1 người trong 10 người mang vi trùng lao bị phát bệnh lao.

Chuẩn bị thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc lao tại Bệnh viện Phổi TW. Ảnh: TM.

Chuẩn bị thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc lao tại Bệnh viện Phổi TW. Ảnh: TM.

Tình trạng mang vi trùng lao mà không có bệnh còn được gọi là lao tiềm ẩn hay nhiễm lao tiềm ẩn (latent tuberkuloseinfeksjon - LTBI). Một người có lao tiềm ẩn có những đặc trưng như: Xét nghiệm phản ứng trên da (mantoux) hoặc xét nghiệm máu cho thấy người đó mang vi trùng lao. Nhưng xét nghiệm đàm và dịch tiết âm tính (không có dấu hiệu bất thường). Không có bệnh lao và không thể lây cho người khác.

Câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là tại sao những người không mắc bệnh lao lại phải uống thuốc điều trị lao? Có thể lý giải điều này như sau: điều trị dự phòng lao với thuốc nhằm để diệt vi trùng lao bất hoạt (đang ngủ) trong cơ thể, với mục tiêu để giảm nguy cơ bị bệnh sau này. Điều trị dự phòng lao giúp giảm khả năng phát triển thành bệnh lao về sau. Dự phòng có nghĩa là ngăn cản. Đó là lý do vì sao phương thức điều trị này được gọi là điều trị dự phòng.

Vậy trường hợp nào thì nên điều trị dự phòng lao? Tất cả những người nhiễm vi trùng lao có nên được điều trị dự phòng không? Câu trả lời là không, chỉ dự phòng những người có nguy cơ cao bị bệnh về sau. Những người nên được điều trị dự phòng, xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:

- Trẻ em và người nhỏ tuổi.

- Người có hệ miễn dịch hoạt động kém.

- Người đang dùng thuốc gây giảm hoạt động miễn dịch.

- Người mắc một số bệnh khác (như tiểu đường và suy thận).

- Người có HIV dương tính.

- Người bị nhẹ cân (rất mảnh khảnh).

- Người vừa mới bị nhiễm lao: người bị nhiễm lao trong vòng 2 năm.

Các trường hợp nằm trong những nhóm này, hệ miễn dịch có thể quá yếu nên không đủ sức giữ cho vi trùng ở trạng thái “ngủ”, và nguy cơ vi trùng “thức dậy” và gây bệnh lao tăng. Vì vậy, bác sĩ khuyên người thuộc một (hoặc nhiều hơn) trong nhóm nguy cơ này được điều trị dự phòng lao.

Tuy nhiên, đôi khi một số người nên dùng thuốc điều trị dự phòng lao dù họ không thuộc những nhóm nguy cơ trên và có trường hợp nằm trong những nhóm nguy cơ trên mà  không nên dùng thuốc điều trị dự phòng. Bác sĩ sẽ quyết định việc một người có nên được điều trị dự phòng hay không tùy từng trường hợp, dựa trên việc thăm khám tình trạng sức khỏe tổng quát của từng người, được theo dõi thường xuyên. Nếu xuất hiện dấu hiệu vi trùng lao “đang ngủ” chuyển thành vi trùng lao hoạt động, thì sẽ phát hiện được và việc điều trị được bắt đầu ngay lập tức.

Các trường hợp đã hoàn tất quá trình điều trị dự phòng lao thì có nguy cơ mắc lao không? Việc này cần lưu ý là: điều trị dự phòng lao giúp giảm khả năng phát triển bệnh lao. Điều trị được dự đoán sẽ giảm phân nửa nguy cơ bị bệnh lao về sau. Nhưng ngay cả khi được điều trị dự phòng, không có gì đảm bảo hoàn toàn rằng bạn sẽ khỏe mạnh. Một số ít vi trùng lao vẫn còn có thể ở lại trong cơ thể với trường hợp đã  hoàn tất quá trình điều trị. Trong vài trường hợp hiếm, những vi trùng này có thể “thức dậy” và gây bệnh sau này. Việc tái nhiễm lao cũng có thể xảy ra. Điều trị dự phòng chỉ có tác dụng trên những vi trùng đã có trong cơ thể vào thời gian điều trị. Việc dự phòng không thể bảo vệ bạn khỏi tái nhiễm và có khả năng bị bệnh bởi những vi trùng mới nhiễm sau này. Điều trị dự phòng không giúp bạn miễn nhiễm đối với bệnh lao.


BS. ĐỨC VĨNH
Ý kiến của bạn