Điều cần biết khi phải cắt buồng trứng

26-04-2021 10:42 | Đời sống
google news

SKĐS - Vì một lý do nào đó mà các bác sĩ chỉ định phải cắt buồng trứng. Điều này khiến chị em lo lắng, nhất là đối với những người còn trẻ, chưa lập gia đình hoặc chưa có em bé.

Cắt buồng trứng thì còn kinh nguyệt không?

Có 2 trường hợp chính cần cắt bỏ buồng trứng gấp, đó là phụ nữ bị các bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản như u nang buồng trứng hoặc đã đến thời kỳ mãn kinh cần cắt bỏ để hạn chế nguy cơ ung thư buồng trứng.

Ở độ tuổi sinh sản và đang trong giai đoạn mong có con, khi cơ thể còn sung sức, điều chị em quan tâm nhất chính là việc phải cắt bỏ 1 hay cả 2 buồng trứng cùng một lúc.

Cơ thể mỗi chị em đều có 2 buồng trứng, bên trái và bên phải. Trường hợp cả 2 đều mắc bệnh, có nguy cơ ung thư, bắt buộc bác sĩ phải chỉ định cắt bỏ cả 2 bên. Khi đó chức năng của buồng trứng sẽ không còn hoạt động nên chắc chắn không thể có kinh nguyệt trở lại.

Tuy nhiên, nếu một bên vẫn còn khả năng hoạt động bình thường và có thể chữa trị được, theo như lời khuyên của các chuyên gia thì nên giữ lại. Vì 2 buồng trứng hoạt động độc lập nên chỉ cần còn 1 đã đủ để tránh những thay đổi trong khả năng sinh sản và chức năng nội tiết. Và tin vui là người cắt một bên buồng trứng vẫn còn kinh nguyệt, có thể ngừa được những rủi ro về sức khỏe của thời kỳ mãn kinh sớm.

Khả năng phục hồi sau khi phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng sẽ phụ thuộc vào tổng quát sức khỏe và phương pháp được xác định tiến hành khi mổ. Thông thường khoảng 6 tuần. Trong khi phẫu thuật, rủi ro mất máu nhiều có thể xảy ra. Điều này đồng nghĩa vài tuần sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể bị nhiễm trùng gây sốt hoặc tấy đỏ và đau gần vị trí mổ.

Cắt bỏ khối u khủng cho bệnh nhân ung thư buồng trứng.

Cắt bỏ khối u khủng cho bệnh nhân ung thư buồng trứng.

Vẫn có cơ hội mang thai

Cơ hội thụ thai thành công sau khi cắt bỏ một bên buồng trứng là 50%. Cắt bỏ 2 buồng trứng không có khả năng thụ thai tự nhiên thành công. Chị em vẫn có thể có thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách xin trứng.

Người phụ nữ vẫn có thể có con nếu còn 1 buồng trứng. Vì theo cấu trúc tự nhiên, có buồng trứng là điều kiện cần để đánh giá mức độ thụ thai thành công sau mỗi lần quan hệ. Tương ứng với 2 buồng trứng sẽ là 2 ống dẫn trứng. Cả 2 đều có nhiệm vụ dẫn đường để tinh trùng tìm đến trứng và tạo thành trứng thụ tinh. Tuy chung một nhiệm vụ nhưng 2 buồng trứng hoạt động độc lập. Đó là lý do nếu phải cắt một bên buồng trứng thì bên còn lại vẫn có đủ khả năng để duy trì sức khỏe sinh sản.

Lưu ý về vấn đề quan hệ vợ chồng

Để tính tới chuyện có thai và thụ tinh thành công, ngoài việc canh ngày rụng trứng chính xác thì hai vợ chồng cần kiêng ít nhất là 6 tháng sau để cho cơ thể người phụ nữ khỏe hẳn và buồng trứng còn lại hoạt động trở lại bình thường.

Nếu thoải mái trong quan hệ vợ chồng mà khoảng 1 năm sau chưa có thai, người vợ cần tới bệnh viện kiểm tra xem là vòi trứng bên còn lại thông hay tắc, buồng trứng có trứng rụng hàng tháng không.

Nói thêm về chuyện quan hệ tình dục, dù cắt 1 hay cả 2 buồng trứng đều không ảnh hưởng đến sức khỏe khi “yêu”. Điều quan trọng vẫn là việc duy trì cảm xúc yêu thương hằng ngày.

Để không gặp phải vấn đề cắt buồng trứng, cách tốt nhất là phải phòng tránh các bệnh về buồng trứng. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến buồng trứng, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để thăm khám, các bác sĩ sẽ kiểm tra, chẩn đoán bệnh và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.


ThS.BS. BÙI HẢI NAM
Ý kiến của bạn