Điều cần biết khi dùng thuốc trầm cảm

11-12-2017 09:28 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trầm cảm là một bệnh lý phổ biến ở xã hội hiện đại. Việc chẩn đoán đúng trầm cảm và việc dùng thuốc phù hợp để điều trị bệnh cho từng bệnh nhân sẽ quyết định tới hiệu quả điều trị bệnh.

Tuy nhiên khi dùng thuốc cần chú ý sao cho an toàn, hiệu quả và phòng tránh hoặc hạn chế thấp nhất những bất lợi của thuốc…

Những điều cần lưu ý

Các bệnh phối hợp: Ở bệnh nhân mắc chứng trầm cảm, nhiều khi còn có những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như các bệnh về tim, phổi hay thận… Điều này khiến việc sử dụng thuốc chống trầm cảm trở nên khó khăn hơn do gặp phải những tương tác bất lợi của các thuốc dùng cùng.

Điều trị thăm dò: Khoảng 30% người mắc trầm cảm thuyên giảm hoàn toàn sau lần đầu dùng thuốc chống trầm cảm. Như vậy, có tới 70% số bệnh nhân chưa thấy hiệu quả của việc sử dụng thuốc trong những lần đầu, mặc dù đã được chẩn đoán đúng bệnh. Nếu một loại thuốc chống trầm cảm này không mang lại hiệu quả, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê sang thử dùng thuốc cùng nhóm hoặc khác nhóm với loại thuốc đó và thay đổi liều lượng. Đối với đa số bệnh nhân thì việc phải thử dùng nhiều loại thuốc điều trị trầm cảm khác nhau để tìm ra loại thuốc phù hợp nhất cũng không nên quá lo lắng. Thậm chí, trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể khuyến khích bạn dùng nhiều hơn một loại thuốc để chữa trị trầm cảm.

Có những loại thuốc chống trầm cảm nào?

Thuốc ngăn hấp thụ ngược serotonin có chọn lọc (SSRIs) được tung ra thị trường vào giữa và cuối năm 1980. Loại thuốc chống trầm cảm này được dùng thông thường nhất hiện nay để chữa trị trầm cảm, như: citalopram, escitalopram, paroxetine, fluoxetine và sertraline. Hai loại thuốc là vilazodone và vortioxetine cũng có ảnh hưởng đến những cơ quan thụ cảm khác của não bộ, tác dụng phụ thường nhẹ nhưng có thể gây khó chịu với vài người, bao gồm buồn nôn, mệt mỏi, chóng mặt, mất ngủ, thay đổi cân nặng và nhức đầu.Người bệnh cần dùng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ- không tự ý bỏ thuốc.

Người bệnh cần dùng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ- không tự ý bỏ thuốc.

Thuốc ngăn hấp thụ ngược serotonin và norepinephrine là loại thuốc chống trầm cảm mới hơn, bao gồm venlafaxine, desvenlafaxine duloxetine và levomilnacipran. Tác dụng phụ bao gồm khó ngủ, ảnh hưởng đến dạ dày, tăng lo âu, chóng mặt và mệt mỏi.

Thuốc chống trầm cảm ba vòng là một trong những loại thuốc chữa trị trầm cảm đầu tiên cũng được sử dụng rộng rãi, bao gồm amitriptyline, desipramine, doxepin, imipramine, nortriptyline, protriptyline và trimipramine. Tác dụng phụ bao gồm mệt mỏi, dạ dày khó chịu, miệng khô, thay đổi huyết áp, đường huyết và buồn nôn.

MAOIs (Monoamine oxidase inhibitors) là một trong những loại thuốc điều trị trầm cảm sớm nhất bao gồm phenelzine, tranylcypromine, isocarboxazid và transdermal selegiline (miếng dán EMSAM). Mặc dù MAOIs dùng tốt nhưng rất ít được kê đơn vì phản ứng nguy hiểm giữa chúng với các loại thuốc và thức ăn khác như phô mai và thịt để lâu.

Ngoài ra còn có những loại thuốc khác như: Bupropion là một loại thuốc điều trị trầm cảm đặc biệt được cho là gây ảnh hưởng đến các chất hóa học trong não bộ như norepinephrine hay dopamine. Tác dụng phụ thường nhẹ bao gồm bao tử khó chịu, nhức đầu, mất ngủ hay lo âu. Mirtazapine cũng là một loại thuốc điều trị trầm cảm đặc biệt khác được cho là ảnh hưởng chủ yếu đến serotonin và norepinephrine thông qua cơ quan thụ cảm khác với những loại thuốc còn lại. Thường được dùng trước lúc đi ngủ vì thuốc này gây buồn ngủ. Bất lợi thường gặp là buồn ngủ, tăng cân, tăng hàm lượng chất béo triglycerides và chóng mặt. Trazodone thường được dùng với thức ăn để hạn chế bao tử khó chịu. Tác dụng phụ bao gồm buồn ngủ, chóng mặt, táo bón, khô miệng và mờ mắt.

Cần làm gì để đạt được hiệu quả điều trị?

Theo dõi sự thay đổi bất thường của người bệnh: Trong khi dùng thuốc, người bệnh và người thân cần theo dõi khí sắc và hành vi của bệnh nhân, nếu có gì bất thường cần báo cho bác sĩ biết ngay. Điều  này sẽ giúp bác sĩ điều trị chứng trầm cảm tốt hơn trước khi nó trở nên khó chữa. Cần trao đổi thường xuyên với bác sĩ nếu bệnh nhân được dùng thuốc nhưng cảm thấy không ổn.

Kiên trì điều trị: Thuốc chống trầm cảm có thể cần tới 8 tuần trước khi bắt đầu thấy hiệu quả. Do đó, không nên sốt ruột mà cần theo hết phác đồ điều trị. Không bỏ lỡ hoặc dừng thuốc trước khi phác đồ kết thúc. Nếu bạn không uống đúng thuốc, đúng liều được kê, bạn đã bỏ lỡ cơ hội để thuốc có tác dụng. Dùng thuốc đúng liều đúng khung giờ mỗi ngày. Khi quên một liều thuốc, cần gọi điện và hỏi ý kiến của bác sĩ ngay để được hướng dẫn dùng thuốc cho lần tiếp theo.

Theo dõi tác dụng phụ của thuốc: Tác dụng phụ là một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh nhân bỏ thuốc. Nếu bạn gặp phải tác dụng phụ nặng nề thì nên nói cho bác sĩ để xem có cách nào hạn chế hoặc loại trừ nó hay không.

Cần mang theo đơn thuốc cũ khi đi khám bệnh: Cho bác sĩ điều trị trầm cảm biết các loại thuốc bạn đang dùng hoặc được bác sĩ khác kê đơn vì có một vài loại thuốc có thể có phản ứng bất lợi với thuốc chống trầm cảm. Biết được điều này bác sĩ sẽ cân nhắc khi kê đơn để hạn chế thấp nhất bất lợi do tương tác thuốc gây ra.

Không tự dừng thuốc: Đừng bao giờ dừng uống thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ. Trong trường hợp cần phải dừng thuốc vì một lý do nào đó, thì bác sĩ có thể giảm liều bạn đang dùng dần dần. Nếu bạn ngưng đột ngột, bạn có thể gặp tác dụng phụ và cơn trầm cảm của bạn có thể trở nên tệ hơn.

Nên kết hợp việc dùng thuốc với chuyên gia tâm lý: Mặc dù chuyên viên tư vấn không phải là bác sĩ và kê đơn thuốc cho bạn, nhưng họ được huấn luyện để đánh giá tâm lý và điều trị tâm lý. Do vậy, bạn có thể làm việc cùng với nhà tâm lý học trong khi dùng thuốc sẽ hỗ trợ rất nhiều trong điều trị.


DS. Nguyễn Minh Thành
Ý kiến của bạn