Các bệnh thường phải dùng thuốc đặt âm đạo
Các nhiễm trùng phụ khoa thường phải dùng thuốc đặt âm đạo như:
Viêm âm đạo: Là một trong những bệnh phụ khoa phổ biến nhất. Nguyên nhân là do mất cân bằng môi trường vi sinh trong âm đạo. Trong đó các vi khuẩn bất lợi, nấm, tạp khuẩn hay trùng roi xâm nhập và phát triển quá mức gây viêm nhiễm. Bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, có quan hệ tình dục hoặc vệ sinh đường sinh dục không đúng cách (ngâm hoặc rửa vùng kín từ hướng ngược đằng sau ra đằng trước, vô tình làm vi khuẩn có sẵn từ hậu môn xâm nhập vào vùng kín)…
Viêm cổ tử cung: Là tình trạng cổ tử cung bị viêm nhiễm khi viêm âm đạo không được điều trị dứt điểm, các tác nhân gây bệnh xâm nhập sâu hơn. Bệnh cũng có thể do vệ sinh cơ quan sinh dục không đúng cách, đặc biệt là trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi quan hệ tình dục.
Viêm nội mạc tử cung: Là tình trạng viêm nhiễm trong buồng tử cung, thường xảy ra ở phụ nữ sau sinh hoặc sau khi thực hiện các thủ thuật nạo hút thai, đặt vòng, lấy vòng...
Viêm ống dẫn trứng: Là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại ống dẫn trứng, do tác nhân gây bệnh từ âm đạo và cổ tử cung lan sâu vào ống dẫn trứng...
Các loại thuốc đặt âm đạo
Thuốc đặt âm đạo là một trong những biện pháp điều trị đầu tiên khi bị viêm nhiễm âm đạo. Mỗi loại viêm nhiễm khác nhau sẽ có thuốc đặt khác nhau. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay phổ biến 4 nhóm thuốc đặt âm đạo, bao gồm:
Thuốc chứa estrogen: Estrogen là một hormone có vai trò quan trọng đối với nữ giới. Hormone này giúp điều phối các hoạt động trong tuyến sinh dục, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của niêm mạc các cơ quan sinh dục như tử cung và âm đạo. Ngoài ra, estrogen còn tham gia vào quá trình sản xuất acid lactic và glycogen giúp duy trì nồng độ pH cân bằng tại tử cung.
Khi nồng độ pH cân bằng thì các lợi khuẩn được phát triển thuận lợi trong môi trường âm đạo và kìm hãm các hại khuẩn phát triển, ngăn ngừa nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa.
Thuốc chứa một kháng sinh: Thuốc đặt âm đạo chỉ chứa một hoạt chất kháng sinh giúp tiêu diệt một loại vi khuẩn nhất định, nên sẽ không gây hại đến các vi sinh vật có lợi khác trong môi trường âm đạo. Trước khi sử dụng thuốc này, bác sĩ sẽ chỉ định lấy dịch âm đạo để cấy tìm vi khuẩn gây bệnh. Sau đó mới lựa chọn loại kháng sinh phù hợp nhất.
Thuốc chứa nhiều loại kháng sinh: Thuốc phối hợp nhiều loại kháng sinh sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị, tiêu diệt nhiều tác nhân gây bệnh. Nhưng cũng chính vì thế, thuốc có thể tiêu diệt cả lợi khuẩn, gây mất cân bằng hệ vi sinh trong môi trường âm đạo. Từ đó có thể gây ra các bệnh lý khác ở đường sinh dục. Do đó chỉ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thuốc chứa glycogen, acid lactic: Loại thuốc này có tác dụng giúp cân bằng môi trường tự nhiên trong âm đạo, giảm kích ứng và giảm các triệu chứng viêm nhiễm phụ khoa.
Lưu ý khi sử dụng thuốc đặt âm đạo
Để thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất và không gây phiền toái, cần chú ý một số vấn đề sau:
- Đa số thuốc đặt âm đạo chỉ định mỗi ngày đặt 1 viên, do vậy nên ưu tiên đặt thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ để tránh thuốc bị trôi ra ngoài. Trường hợp sử dụng thuốc vào ban ngày thì cần nằm nghỉ tối thiểu 20 phút.
- Ban ngày cần lưu ý vệ sinh vùng kín sạch sẽ, sử dụng băng vệ sinh để thấm sạch tá dược của thuốc bị trôi ra ngoài.
- Trước khi đặt cần phải vệ sinh tay, cắt gọn hết móng tay để tránh làm tổn thương âm đạo. Hoặc đeo găng tay y tế để đặt thuốc.
- Vệ sinh vùng kín, chú ý không thụt rửa âm đạo trước khi đặt và đang trong quá trình sử dụng thuốc.
- Sau khi đặt thuốc, rửa lại tay bằng xà phòng.
- Không quan hệ tình dục trong quá trình sử dụng thuốc để tránh làm giảm tác dụng của thuốc và hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo.
- Không đặt thuốc vào kỳ kinh nguyệt.
- Giặt quần lót bằng nước nóng 80 độ C, phơi quần ở vị trí có ánh nắng chiếu trực tiếp.
- Thuốc có tác dụng tại chỗ nên dễ bị kích ứng như nóng rát tại chỗ, thậm chí có thể gây tác dụng phụ toàn thân. Nếu thấy có bất kỳ phản ứng bất thường nào sau khi đặt thuốc thì phải ngưng sử dụng và báo cho bác sĩ biết.
- Tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý mua thuốc khi chưa có sự thăm khám và chỉ định từ bác sĩ.
- Việc dùng thuốc sai loại hay không đúng cách đều có thể gây ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị nói riêng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nói chung.
- Bảo quản thuốc nơi khô ráo trong nhiệt độ phòng, tránh ánh nắng trực tiếp. Tránh xa tầm với của trẻ em và vật nuôi.
Mời độc giả xem thêm video:
Chuyên gia tiết lộ những bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới.