Hà Nội

Điều cần biết khi dùng “AN CUNG NGƯU HOÀNG HOÀN”

03-09-2016 07:29 | Dược
google news

SKĐS - “An cung ngưu hoàng hoàn” là bài thuốc nổi tiếng của danh y Ngô Đường đời nhà Thanh - Trung Quốc

Đây là dược phẩm nổi tiếng nhưng khi dùng phải cân nhắc, theo chỉ định của thầy thuốc.

Phân tích các vị thuốc

“An cung ngưu hoàng hoàn” là bài thuốc nổi tiếng của danh y Ngô Đường đời nhà Thanh - Trung Quốc, gồm 11 vị: ngưu hoàng (sỏi tự nhiên trong túi mật của trâu,bò) 40g; sừng tê giác 40g; xạ hương (túi xạ trong hươu xạ, cầy hương, chuột hương) 10g; trân châu (ngọc trai) 20g; chu sa hay thần sa 40g; hùng hoàng (khoáng thiên nhiên) 40g; băng phiến còn gọi là long não 10g; hoàng liên 40g; hoàng cầm 40g; chi tử (quả dành dành) 40g và uất kim (nghệ vàng) 40g.

Các vị trên tán thành bột, trộn đều, luyện với mật ong, làm thành hoàn, mỗi hoàn 4g, bảo quản trong bao sáp. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên, bệnh nặng có thể tăng liều. Chủ trị viêm não, nói mê, co quắp, trị ôn nhiệt, nhiệt tà nội hãm tâm bào, đàm nhiệt ủng phế tâm khiếu, dẫn đến sốt cao, phiền táo, hôn mê, rối loạn ngôn ngữ, lưỡi rụt, tay chân giá lạnh, trúng phong khiếu bế. Ngoài ra, còn có “Ngưu hoàng thanh tâm”, gồm ngưu hoàng 0,4g, hoàng liên 6g, chu sa 4g, hoàng cầm 12g, quả dành dành 12g và nghệ vàng 12g, là loại thuốc tiêu đờm, an thần, mê man, động kinh phát cuồng, đờm giải tắc đọng.

Người ta lấy ngưu hoàng thiên nhiên bằng cách: trâu hoặc bò già gầy yếu, mắt lờ mờ, khi đi đầu hơi quay nghiêng, đứng hay nằm có tiếng thở khò khè như hen, là những con có ngưu hoàng. Khi mổ lấy túi mật, rạch và lọc qua rây, lấy riêng ngưu hoàng.

Ngưu hoàng: hiện nay trên thị trường có 2 loại ngưu hoàng, ngưu hoàng thiên nhiên có tên khoa học là calculus bovis (bezoar), ngưu hoàng tổng hợp có tên khoa học là calculus bovis artificialis (bezoar artificialis). Người ta lấy ngưu hoàng thiên nhiên bằng cách: trâu hoặc bò già gầy yếu, mắt lờ mờ, khi đi đầu hơi quay nghiêng, đứng hay nằm có tiếng thở khò khè như hen, là những con có ngưu hoàng. Khi mổ lấy túi mật, rạch và lọc qua rây, lấy riêng ngưu hoàng. Nếu để lâu mật ngấm vào, sẽ làm cho ngưu hoàng chuyển sang màu đen, giảm chất lượng. Ngưu hoàng được rửa qua rượu, lọc chân không, phơi trong bóng râm mát cho đến khô. Bảo quản bằng cách gói bằng giấy bóng kính, cho vào hộp kín, phía dưới có vôi sống để hút ẩm. Không được phơi nắng hay sấy qua lửa, không để ra ngoài ánh sáng, để tránh nứt vỏ và sẫm đen.

Trong ngưu hoàng chứa acid cholic, cholesterin, ergosterol, acid béo, bilirubin, vitamin D, muối canxi, sắt và đồng.

Ngưu hoàng có vị đắng, tính mát, nhưng hơi độc, tác dụng vào các kinh tâm, can. Có tác dụng thanh tâm, giải nhiệt, khai khiếu, long đờm, trấn kinh, giải độc. Dùng làm thuốc an thần, mạnh tim, trị chứng điên cuồng, sốt cao mê sảng, trẻ em kinh phong co giật. Ngày dùng từ 0,3 đến 0,9g chia làm nhiều lần.

Sừng tê giác: sừng tê giác có tên khoa học là Cornu rhinoceri. Sừng tê giác chứa keratin, calci carbonat, canxi phosphate, acid amin, có tài liệu cho rằng nước chiết sừng tê giác cho phản ứng alcaloid

Sừng tê giác có vị đắng, chua, mặn, tính hàn, vào các kinh tâm, can, vị, làm mát huyết, giải độc, định kinh an thần. Dùng trong các trường hợp sốt cao phát cuồng, sốt vàng da, thổ huyết, chảy máu cam (cầm máu) nhức đầu, trị ung nhọt. Liều dùng từ 0,5 - 6g dưới các dạng thuốc sắc, thuốc tán, hoặc mài lấy nước uống. Hiện nay trên thị trường có loại thủy ngưu giác (sừng trâu) chỉ có tác dụng trị đau đầu do thời khí hàn nhiệt, nhiệt độc phong, nhiệt trẻ em và nhiệt quá mạnh, liều dùng cao hơn, không có tác dụng định kinh an thần và cầm máu.

Xạ hương: là túi xạ lấy từ hươu xạ hoặc cầy hương. Hươu xạ có tên khoa học là Moschus moschiferus L. Xạ hương chứa tinh dầu, mà thành phần chính là muskon, 1-ceton-3-methyl-cyclopentadecanon với hàm lượng 0,5-2%, chất muskon cho mùi đặc trưng của xạ hương. Hiện nay đã tổng hợp được exalton(exaltolid) có mùi tương tự của muskon. Ngoài ra trong xạ hương còn chứa chất béo, cholesterin và protein.

Xạ hương có vị cay, the, tính ấm, không độc, vào 12 đường kinh, làm thông kinh lạc, thông khiếu, trị trúng phong, mê man, choáng váng, hoạt lạc, tiêu viêm, kích thích, giảm đau, giải độc, trị đau mắt, cam tẩu mã.Làm thuốc thông mũi hồi sinh, phụ nữ yếu sức khi đẻ thai khó ra. Ngày dùng 0,04 - 0,10g dưới dạng thuốc bột.

Ngưu hoàng (sỏi tự nhiên trong túi mật của trâu,bò)
Ngưu hoàng (sỏi tự nhiên trong túi mật của trâu,bò)

Ngọc trai: hay còn gọi là trân châu có tên khoa học là margarita, tên tiếng Anh là pearl dưới dạng hình tròn hoặc bầu dục, đường kính 6 - 8mm, nhẵn bóng, màu trắng dục, óng sáng, khi vỡ có những lớp vân mờ, ngọc trai nuôi có nhiều màu khác nhau, trong đó màu hồng được ưa chuộng hơn.

Ngọc trai có vị ngọt, mặn, tính hàn, vào các kinh tâm, can, có tác dụng thanh nhiệt, ích âm, trấn âm, an thần, trừ đờm, sáng mắt, giải độc. Chữa phiền muộn, tiêu khát, hay giật mình, họng đau, mắt đỏ, có màng mộng, dùng ngoài chữa mụn nhọt loét. Liều dùng 0,03 - 0,60g/ngày, dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc viên.

Chu sa hay thần sa: có tên khoa học là sulfuratum hydrargyrium (cinnabaris) là khoáng chất, có nhiều hình dạng khác nhau như mảnh, sợi, hạt, cục màu đỏ hay nâu hồng, có vết bóng sáng, rắn nhưng rất giòn, thường tán thành bột, không được lẫn cát, lấy ngón tay xát, màu không ra tay là loại tốt. Không có mùi vị, không tan trong nước, cho vào ống nghiệm đun nóng chuyển thành sulfure màu đen, sau đó tiếp tục phân hủy thành khí sulfure dioxyd và thủy ngân kim loại bám vào thành ống.

Trong chu sa chứa 86% thủy ngân và 14% lưu huỳnh ở dạng hợp chất HgS. Năm 1963 Đàm Trung Bảo mới xác định selennua thuỷ ngân là hoạt chất của thần sa, với hàm lượng 3,5 - 4,5%. Trong chu sa chất này rất thấp chỉ ở dạng vết. Chu sa thường ở dạng bột đỏ, còn thần sa ở dạng cục thành khối óng ánh, màu đỏ tối hay đỏ tươi. Thần sa là thuốc độc bảng A, cần bảo quản trong lọ thủy tinh màu vàng, nút kín và để trong tủ có khóa và khô ráo.

Thần sa tính hơi hàn, vào kinh tâm, có tác dụng an thần, trấn kinh, giải độc, dùng làm thuốc mát tim, chữa hoảng hốt, mất ngủ, hay mê, giật mình, chỉ được dùng với liều 0,3 - 1g/ngày dưới dạng thuốc bột hay viên hoàn.

YHCT Trung Quốc cho rằng, thần sa hay chu sa có công dụng làm yên hồn phách, trấn kinh, trị điên, động kinh, làm sáng mắt, giải độc, trị co quắp, giang mai giai đoạn đầu, mất ngủ mộng nhiều, tâm quỉ, phong đờm sây sẫm, nuôi tinh thần, nhưng phải dùng sống không qua lửa.

Hùng hoàng hay hùng tinh: có tên khoa học là realgar chứa arsen bisulfur thiên nhiên, là khoáng chất có tỉ trọng khoảng 3,5 - cháy và bốc thành hơi ở 7000C, màu đỏ cam. Thư hoàng màu vàng, bóng sáng thì gọi là “minh hùng hoàng” là khối rắn, mùi hơi khét của lưu huỳnh, khi tán nhỏ có màu hồng, không tan trong nước, tan trong ammoniac thành dung dịch không màu. Cho vào than hồng cho mùi tỏi (có arsen) và khí SO2. Khi hùng hoàng thiên nhiên ở trong đất thì mềm, dùng dao tre cắt thành miếng, ra ngoài thì rắn cục. Thường tán hùng hoàng bằng thuỷ phi, có nơi dùng dấm trộn với nước rau cải, đun đến cạn khô thì dùng.

Trong hùng hoàng arsen chiếm 70,1%, lưu huỳnh 29,9%. Hùng hoàng phải bảo quản theo quy chế thuốc độc bảng A. Tác dụng vào các kinh can và vị, ở nước ta chủ yếu dùng ngoài chữa ghẻ lở, mụn nhọt. Ở Trung Quốc khi uống đều phải phi, trừ đờm giải độc, trị kinh giản, sốt rét kéo dài. Liều dùng theo đường uống 1,5 - 3g dưới dạng thuốc bột hay thuốc viên, nhưng phải rất thận trọng.

Băng phiến: có tên khoa học là borneol hay camphor là chất khi cho tinh dầu đại bi thăng hoa mà thu được. Còn có tên gọi là “mai hoa băng phiến”, có vị the đắng, mùi thơm nóng, tính hàn.Vào các kinh tâm, tỳ, phế, có tác dụng tán phong hàn, tiêu đờm, sát khuẩn, thông các khiếu, chữa đau vùng tim, ho lâu ngày.

Theo YHCT Trung Quốc, băng phiến có công dụng thông mọi khiếu, tan hỏa uất, trừ màng sáng mắt, đuổi phong, trị động kinh. Khi vào dạ dày có cảm giác nóng mà sảng khoái, đến ruột kích thích thần kinh vách ruột, làm tăng nhu động, tăng bạch cầu, tăng tuần hoàn, hưng phấn thần kinh đại não, tạng tim chuyển động tăng, tinh thần đầy đủ cả mười phần.Chủ trị chứng tạng tâm suy nhược.

Hoàng liên (coptis chinensis): hay hoàng liên chân gà (coptis quinquesecta) thuộc họ Hoàng liên-Ranunculaceae (không nên nhầm với một số vị khác như hoàng liên gai hay hoàng liên ô rô thuộc họ Hoàng liên gai-Berberidaceae) là vị thuốc quý ở Việt Nam có 2 loài trong tổng số 12 loài trên thế giới, có tác giả cho rằng ta có 3 loài, nhưng sau này đã xác định loài coptis teeta, mà Trung Quốc gọi là “vân hoàng liên” và loài coptis chinensis cùng là một loài.Sở dĩ có tên gọi hoàng liên, vì vị này có màu vàng, rễ nằm ngang, nối liền với nhau. Thành phần hóa học chủ yếu là alkaloid, như berberin, palmatin…Hoàng liên có công dụng: tả hoả giải độc, thanh nhiệt, táo thấp, sát trùng, khi vào các kinh:tâm, can, vị và đại tràng, làm mát hỏa tâm, ráo tỳ thấp, mát máu, tiêu ứ, ngừng tả, chữa chứng thiếu dịch vị , mắt đau có mủ, làm sáng mắt, khiến chữa chứng hay quên, trị 5 tạng lạnh, nóng, đi ngoài ra máu, ngừng đái đường, bệnh quá sợ hãi, lợi xương, mở uất trừ phiền, làm mát cái uất nhiệt của tâm hoả, trị cái sinh ra phát cuồng của độc dương.Ngày dùng 2 - 12g dưới dạng thuốc sắc.

Hoàng cầm là rễ phơi hay sấy khô của cây hoàng cầm (Scutellaria baicalensis), loại rễ già: trong rỗng đen, ngoài vàng gọi là khô cầm, loại rễ non giữa cứng chắc mịn, ngoài vàng, gọi là điều cầm. Loại to bằng ngón tay là loại tốt. Khi dùng, đem rửa sạch, ủ kín một đêm cho mềm, thái mỏng 2mm, phơi khô, tẩm rượu để 2 giờ, sao qua.

Trong hoàng cầm có tinh dầu và các flavonoid như baicalin, scutelarin, woogonin…vào các kinh tâm, phế, can, đởm, đại tràng.Trong YHCT Trung Quốc, hoàng cầm chủ yếu dùng làm thuốc bổ, an thần, chống co giật, trị sốt, trị rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương, động kinh, mất ngủ, bệnh tim, đặc biệt là viêm cơ tim. Ngày uống 6 - 15g dưới dạng thuốc sắc hoặc bột. Ngày nay dược lý thực nghiệm đã chứng minh, các flavonoid trong hoàng cầm có tác dụng chống viêm, giảm đau, ức chế ngưng tập tiểu cầu, dự phòng giảm tiểu cầu và fibrinogen gây đông máu, ức chế sự lắng đọng cholesteron và triglyceride, giảm nồng độ của chúng trong máu, ức chế khả năng gây ung thư của hóa chất, ức chế các độc tố như aflatoxin. Cao chiết nước nóng hoàng cầm ức chế men aldose reductase gây tích luỹ sorbitol trong tế bào, dẫn đến biến chứng ở võng mạc.

Chi tử hay sơn chi tử: quả dành dành, có tên khoa học fructus gardenia.

Chi tử có vị đắng, tính hàn, vào các kinh tâm, phế và tam tiêu, có công dụng tả thấp nhiệt tam tiêu, giải hỏa uất 5 chi, vì vậy mà giải nhiệt mát máu, đối với hệ thần kinh thì có tác dụng trấn tĩnh, chữa đau trong ngực, trị 5 nội tà khí như nóng ở trong vị, mặt đỏ vì rượu, đau mắt đỏ do nhiệt, rụng tóc, nóng ran ở ngực, tâm, đại tiểu tràng, trong tâm phiền muộn. Ngày dùng 6 - 12g dưới dạng thuốc sắc.

Uất kim: chế từ nghệ vàng có tên khoa học là curcuma longa. Trong YHCT. Rễ thân cây nghệ vàng chế thành khương hoàng, củ chế thành uất kim. Khương hoàng có tính ấm, tác dụng: hành khí, phá huyết, thông kinh, chữa huyết ứ, phụ nữ kinh bế, cánh tay tê đau, còn uất kim thì hành khí, giải uất, lương huyết, phá ứ, chữa khí huyết ứ trệ, điên cuồng và nhiệt hôn mê. Uất kim ngày dùng 2 - 10g, còn khương hoàng từ 4 - 6g/ngày.

Tóm lại:

Ngưu hoàng lấy công năng thanh tâm, giải nhiệt, trấn kinh, khai khiếu… Sừng tê giác làm mát huyết, giải độc, định kinh an thần… Xạ hương thông kinh lạc, thông khiếu, giải độc, mê man do trúng phong… Ngọc trai ích âm thanh nhiệt, giải độc, trấn âm an thần… Thần sa làm mát tim, giải độc, trấn kinh, an thần… Hùng hoàng thì giải độc, trị kinh giản… Băng phiến tán phong hàn, thông các khiếu, trị suy nhược tạng tâm… Hoàng liên tả hỏa giải độc, làm mát âm hoả, mát hỏa tâm, khử cái nóng và làm khô cái ẩm ướt… Hoàng cầm cũng tương tự như hoàng liên là có tác dụng khử cái nóng và làm khô cái ẩm ướt trong cơ thể , nhưng còn thanh hỏa, thanh thấp nhiệt… Chi tử tả thấp nhiệt tam tiêu, giải hỏa uất 5 chi, giải nhiệt mát máu, trấn tĩnh thần kinh… còn uất kim thì lương huyết, tiểu trừ uất kết.

Những điều cần lưu ý

Tác dụng đã rõ, nhưng về độ an toàn khi sử dụng cần hết sức lưu ý một số điểm sau: bốn vị có xuất xứ là cây thuốc, chỉ cần quan tâm chi tử có bị mốc không? Ngoài ra có 5 vị cần hết sức thận trọng: ngưu hoàng thiên nhiên hay ngưu hoàng tổng hợp, sừng tê giác hay sừng trâu, xạ hương nguyên chất hay trộn với bột hạt cây vông vang, hay xạ hương tổng hợp, thần sa có chế biến để giảm độ độc không? Hàm lượng thủy ngân không liên kết ở dạng muối HgSe là bao nhiêu %, thần sa thiên nhiên hay thần sa nhân tạo? Hàm lượng arsen trong hùng hoàng là bao nhiêu %, có nằm trong phạm vi cho phép không?

Hiện nay, Đồng Nhân Đường - Trung Quốc không sử dụng sừng tê giác, thần sa và hùng hoàng trong An cung ngưu hoàng hoàn (theo toa trong hộp thuốc, còn thực hay hư cần phải xem xét thêm). Công thức viên hoàn 3g của Đồng Nhân Đường như sau: ngưu hoàng 168mg, xạ hương 42mg, ngọc trai 84mg, rễ hoàng liên 168mg, rễ hoàng cầm 168mg, chi tử 168mg, uất kim 168mg, băng phiến tổng hợp 42mg, với các tác dụng: thanh tâm, giải độc, giảm co giật và khai khiếu. Chỉ định sử dụng trong các chứng bệnh: các bệnh lý về tim, đột quỵ nội tâm bào, thanh đờm, sốt cao, méo mồm, co giật, hôn mê, mê sảng.

Trên đây là một số ý kiến, để các nhà sản xuất và quản lý quan tâm và người tiêu dùng nên tìm hiểu, cân nhắc trước khi sử dụng.


vPGS.TS. NGUYỄN THƯỢNG DONG
Ý kiến của bạn