Diệt vi khuẩn H.Pylori: Loại bỏ một nguy cơ gây ung thư dạ dày

24-09-2020 22:16 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy có tới 90-95% các trường hợp loét dạ dày - tá tràng có sự hiện diện của vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) nơi ổ loét. Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp HP vào nhóm I các yếu tố gây ung thư dạ dày. Chính vì vậy, cần phải điều trị triệt để loại vi khuẩn này.

Việc tuân thủ theo phác đồ điều trị vi khuẩn HP của bác sĩ chuyên khoa là điều mà tất cả các bệnh nhân cần thực hiện. Tùy vào tình trạng nhiễm khuẩn của từng bệnh nhân mà bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị HP phù hợp. Các thuốc thường dùng bao gồm:

Kháng sinh

Có nhiều kháng sinh đã được nghiên cứu và sử dụng trong điều trị diệt HP, tuy nhiên hiện nay, có một số thuốc được khuyến cáo cân nhắc sử dụng cho một liệu trình đầu tay.

Amoxicilline: Trong nhiều nghiên cứu, amoxicilline được sử dụng trong các phác đồ diệt HP và cho hiệu quả cao vì hầu như không có hiện tượng kháng thuốc. Tác dụng phụ ít, có thể gặp đi ngoài, viêm đại tràng giả mạc, buồn nôn, nôn...

Diệt vi khuẩn H.PyloriVi khuẩn H.Pylori - một thủ phạm gây viêm loét dạ dày.

Nhóm imidazole: Với các dẫn chất như metronidazol, tinidazol và ornidazole là các kháng sinh thuộc nhóm 5 nitroimidazol, có khả năng tập trung nhiều ở niêm mạc dạ dày, có nồng độ cao trong chất nhày và không bị ảnh hưởng bởi biến động của pH dạ dày. Tuy nhiên vấn đề cần quan tâm là khả năng dung nạp của người bệnh và tỷ lệ kháng thuốc cao. Trong thực tế lâm sàng, sử dụng đơn độc metronidazol thì tỷ lệ kháng thuốc cao nhưng khi phối hợp 2 - 3 thuốc thì tỷ lệ kháng thuốc sẽ giảm. Tác dụng phụ của metronidazol khi dùng ngắn ngày có thể bị buồn nôn, đi ngoài, dị ứng; dùng dài ngày có thể bị giảm cảm giác.

Clarithromycin: Là kháng sinh thuộc nhóm macrolid, có phổ hoạt động rộng với vi khuẩn Gr ( ) và Gr (-). Trong điều trị HP, clarithromycin được khuyên dùng trong phác đồ 3 thuốc, vì còn nhạy cảm cao với HP. Thuốc không bị ảnh hưởng của pH dịch vị, dễ hấp thu hơn và tác dụng tích cực hơn đối với HP so với erythromycin, có khả năng lan toả vào lớp nhày và thấm tốt vào niêm mạc dạ dày. Clarithromycin có hiệu quả diệt HP cao, tỷ lệ kháng thuốc của vi khuẩn thấp và ổn định hơn rất nhiều metronidazol.

Bismuth dạng keo

Bismuth là một kim loại nặng, trước đây gần nửa thế kỷ, người ta đã sử dụng bismuth để điều trị bệnh loét tiêu hóa có hiệu quả, song dùng thuốc này liều cao, kéo dài gây ra hội chứng não bismuth và từ đó đã có khuyến cáo không nên dùng bismuth. Từ khi phát hiện bismuth có thêm khả năng diệt HP theo cơ chế gây đông vón trực tiếp protein của vi khuẩn này người ta tái sử dụng bismuth để điều trị loét tiêu hóa dưới các dạng keo hữu cơ. Các hợp chất bismuth này có kích thước phân tử lượng lớn, hấp thụ vào máu ít, an toàn khi sử dụng liều ngắn hạn. Trong khi uống thuốc này, đại tiện phân có màu sẫm hoặc đen là bình thường. Tác dụng của bismuth ngoài diệt HP theo cơ chế trên, còn có tác dụng băng se niêm mạc, ngăn cản sự tác động của dịch vị vào ổ loét. Thuốc còn làm tăng bicarbonat tá tràng, kích thích tăng sản xuất và hoạt động của prostaglandin, tăng tiết nhày do đó làm củng cố thêm hàng rào niêm mạc.

Vi khuẩn H.Pylori Vi khuẩn H.Pylori là một yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng minh rằng việc sử dụng đơn độc kháng sinh sẽ thất bại trong điều trị HP. Các khuyến cáo hiện nay cho thấy sử dụng kết hợp 2-3 kháng sinh cùng với bismut và thuốc ức chế bơm proton sẽ cho hiệu quả cao trong diệt trừ HP. Tuy nhiên, việc phối hợp thuốc cụ thể như thế nào, liều lượng ra sao và dùng trong thời gian bao lâu, phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân, bạn không nên tự ý dùng thuốc mà cần có ý kiến của bác sĩ.


ThS. Nguyễn Thu Hiền
Ý kiến của bạn