Diệt vi khuẩn H. pylori gây bệnh đường ruột hiệu quả khi phối hợp thuốc hợp lý

06-04-2017 08:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo 12 loại vi khuẩn kháng kháng sinh theo mức độ nghiêm trọng, trong đó vi khuẩn HP (tên đầy đủ là Helicobacter pylori hay H.pylori) đứng ở vị trí cần ưu tiên cao.

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo 12 loại vi khuẩn kháng kháng sinh theo mức độ nghiêm trọng, trong đó vi khuẩn HP (tên đầy đủ là Helicobacter pylori hay H.pylori) đứng ở vị trí cần ưu tiên cao. Tuy nhiên, nếu kết hợp đúng cách các loại thuốc thì 95% các trường hợp nhiễm H.pylori đều thành công.

Các thuốc được kết hợp để diệt trừ H.pylori

Thông thường, khi diệt trừ HP, người bệnh được sử dụng 2-3 loại kháng sinh kết hợp với một số thuốc khác. Trong đó, PPI là thuốc ức chế bơm proton có tác dụng giảm tiết acid dạ dày được sử dụng trong hầu hết các đợt diệt trừ HP. Trong 5 ngày đầu tiên ở lần đầu tiên, PPI được kết hợp với amoxicilline, trong 5 ngày tiếp theo, PPI được kết hợp với hai loại kháng sinh là amoxicilline và tinidazole. Cũng có thể sử dụng PPI 2 lần/ngày (trong 14 ngày) kết hợp thuốc băng se niêm mạc dạ dày bismuth 2 lần/ngày cùng với kháng sinh tetracycline, metronidazole. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng thành công trong lần đầu diệt trừ HP nên phải thực hiện lần thứ hai, có thể lần thứ ba. Ở lần thứ hai, người bệnh vẫn được sử dụng đồng thời PPI (trong vòng 14 ngày) kết hợp bismuth, tetracyclin, metronidazole.Vi khuẩn H.pylori trong dạ dày.

Vi khuẩn H.pylori trong dạ dày.

Lưu ý khi dùng thuốc

Trong quá trình điều trị cần chú ý không dùng lại kháng sinh đã sử dụng trong lần điều trị trước đó, đặc biệt là clarithromycine (ngoại trừ amoxicilline) vì tỉ lệ kháng thuốc thứ phát rất cao. Riêng đối với PPI cần chú ý không sử dụng vô thời hạn mà nên sử dụng liều thấp nhất cho hiệu quả cao nhất trong thời gian cho phép và không sử dụng cho người bệnh có nguy cơ mắc ung thư dạ dày do PPI có thể làm che mờ triệu chứng. Ngoài ra, tính đa hình về CYP2C19, một gene có liên quan đến chuyển hóa PPI có thể ảnh hưởng đến kết quả diệt trừ HP. Nếu có thể nên chọn nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI) ít chuyển hóa qua CYP2C19 hoặc dùng thuốc ức chế bơm proton ở liều cao, 2 lần mỗi ngày giúp làm tăng hiệu quả diệt trừ.

Sau khi sử dụng thuốc diệt trừ HP, người bệnh được kiểm tra lại bằng các xét nghiệm HP. Nếu kết quả dương tính, quá trình diệt trừ HP vẫn phải được thực hiện nhưng để đảm bảo thuốc kháng sinh được sử dụng đúng, hiệu quả, người bệnh  cần nuôi cấy vi khuẩn và làm kháng sinh đồ để chọn kháng sinh phù hợp. Trong trường hợp này, diệt HP có thể sử dụng PPI 2 lần/ngày (trong 14 ngày) kết hợp bismuth cùng với tetracycline, metronidazole hoặc PPI và levofloxacine.

Khi sử dụng thuốc diệt trừ HP, người bệnh có thể gặp phải những tác dụng không mong muốn của thuốc như PPI có thể gây đau đầu và các biến cố bất lợi trên tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón, ít gặp hơn có thể gây khô miệng, phù ngoại vi, hoa mắt, rối loạn giấc ngủ, mệt, rối loạn cảm giác, đau khớp, đau cơ, phát ban, ngứa và viêm thận kẽ. Sử dụng bismuth có thể nhuộm đen phân hoặc lưỡi, gây biến màu răng, gây buồn nôn, nôn... Do vậy, khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu khó chịu nào trong khi diệt trừ HP thì người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để có quyết định tiếp tục sử dụng, giảm liều hay ngừng thuốc.

Thuốc nào không được dùng

Không nên dùng các chế phẩm kết hợp 2-3 loại thuốc trong cùng một viên thuốc để điều trị HP do hiệu quả chưa được chứng minh, đặc biệt là các chế phẩm có hàm lượng clarithromycine thấp có thể làm tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh. Cần cân nhắc thận trọng khi quyết định sử dụng phác đồ diệt trừ chứa rifabutin do tình hình lao kháng thuốc tại Việt Nam còn phức tạp. Ở bệnh nhân có tiền sử loét hoặc biến chứng loét dạ dày - tá tràng cần điều trị với các thuốc kháng viêm giảm đau không steroid dài ngày, diệt trừ Hp đơn thuần không ngừa được nguy cơ loét dạ dày - tá tràng tái phát và các biến chứng do loét.


ThS. Đào Trường Giang
Ý kiến của bạn