Diệt sâu từ lúc còn “non”

18-12-2012 15:03 | Xã hội
google news

Tham nhũng và lừa đảo là cặp song sinh? Đây hiện là hai vấn nạn chung của những nước có nền kinh tế đang phát triển như nước ta. Tham nhũng thường gắn liền với những người có chức,

(SKDS) - Tham nhũng và lừa đảo là cặp song sinh? Đây hiện là hai vấn nạn chung của những nước có nền kinh tế đang phát triển như nước ta. Tham nhũng thường gắn liền với những người có chức, có quyền và lợi dụng quyền chức ấy để biển thủ công quỹ quốc gia. Còn lừa đảo chiếm đoạt tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình có thể xảy ra với bất cứ người nào trong lúc không kiềm chế được lòng tham nên không biết đâu là của mình, đâu là của người khác.

Tuy nhiên, nếu xét ở một vài khía cạnh nào đấy, hai loại hành vi phạm tội này có những điểm chung. Thứ nhất, các tội danh đều liên quan đến tiền bạc, tài sản mà những kẻ tham nhũng và lừa đảo đều đã chiếm đoạt được từ công quỹ hay tư quỹ mà đáng lẽ ra anh ta không có. Thứ hai, cả hai hành vi này đều gắn liền với các mánh khóe, thủ đoạn dùng quyền lực, tiền của và vật chất để khuất phục tổ chức, cá nhân khác nhằm chiếm đoạt tiền và tài sản công quỹ hay tư quỹ. Theo pháp luật hiện hành, cả hai hành vi này đều vi phạm pháp luật.

Như chúng ta đã biết, các vụ án tham nhũng ở PMU 18, Vinashines, Vinalines... gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng đã được xử lý theo pháp luật. Còn các vụ lừa đảo, cố ý làm trái pháp luật của Nguyễn Đức Kiên đang được điều tra để đưa ra xét xử. Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an kết thúc điều tra vụ, chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 17 bị can về các hành vi: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cho vay nặng lãi; vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái quy định của pháp luật...

Theo kết quả điều tra, chỉ trong vòng khoảng một năm rưỡi, từ 3/2010 - 9/2011, Như lấy danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank, chi nhánh Nhà Bè (TP.HCM) và chi nhánh TP.HCM, làm giả 8 con dấu của Vietinbank, chi nhánh Nhà Bè cùng nhiều đơn vị, cá nhân khác để lừa đảo, chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân với tổng số tiền hơn 4.911 tỉ đồng. Vụ việc khiến nhiều người dân có nhu cầu vay vốn ngân hàng thiệt thòi.

Liên quan đến vụ án này, cơ quan điều tra còn khởi tố 6 bị can gồm Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải về hành vi "cố ý làm trái…". Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu, Công ty CP đầu tư thương mại B&B và Ngân hàng ACB nên cơ quan điều tra đã tách ra để điều tra trong vụ án này.

Tuy trong quá trình thực hiện các hành vi phạm tội nói trên có thể cách thức, thời gian, phạm vi, mức độ, tác hại của mỗi vụ việc có những khác biệt, nhưng về bản chất, chúng giống nhau ở chỗ đều gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và tiền bạc, tài sản của người dân. Nhưng rõ ràng hai hành vi tham nhũng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản là cặp song sinh cần phải tiêu diệt tận gốc. Vấn đề đặt ra là phải diệt "sâu" tham nhũng và lừa đảo phải từ lúc còn "non", tránh để lúc sâu "già" thì tiền của công hay tư đã "đội nón" ra đi sẽ khó có thể thu hồi lại.

Hoàng Anh


Ý kiến của bạn