Diệt bọ gậy phòng sốt xuất huyết - Dễ và khó?

06-04-2015 10:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Để phòng ngừa sốt xuất huyết, khuyến cáo của y tế dự phòng là “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”.

Để phòng ngừa sốt xuất huyết, khuyến cáo của y tế dự phòng là “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Hiện nay, sốt xuất huyết đang chuẩn bị vào mùa truyền bệnh, các hoạt động diệt bọ gậy muỗi phải được thực hiện như thế nào để mang lại hiệu quả cao?

Muốn chủ động thực hiện phòng ngừa sốt xuất huyết, các địa phương thường hay xảy ra dịch bệnh cần tổ chức việc truyền thông giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết; đồng thời huy động sự tham gia của cộng đồng để phát hiện, loại bỏ ổ bọ gậy muỗi và các vật dụng phế thải, sử dụng tác nhân sinh học như thả cá ăn bọ gậy muỗi. Cần tập huấn cho lãnh đạo chính quyền, các ban ngành đoàn thể có liên quan, mạng lưới y tế cơ sở, cộng tác viên y tế, giáo viên, học sinh ở các trường học hiểu biết về bệnh sốt xuất huyết và các hoạt động cụ thể để loại trừ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh. Ngành y tế dự phòng phải chủ động điều tra xác định ổ bọ gậy muỗi tại địa phương và xây dựng biện pháp xử lý thích hợp cho từng chủng loại ổ bọ gậy muỗi. Phải tổ chức các hoạt động diệt bọ gậy muỗi thường xuyên đến từng hộ gia đình thông qua hoạt động của y tế thôn tổ, cộng tác viên y tế, học sinh và các tổ chức quần chúng như dùng hóa chất diệt ấu trùng muỗi, thả cá ăn bọ gậy muỗi, đậy nắp kín các vật dụng có chứa nước, loại bỏ vật dụng phế thải... Hoạt động này cần được thực hiện hàng tuần tại khu vực có ổ dịch có khả năng phát triển, cố gắng duy trì cứ mỗi 2 tuần một lần vào những tháng cao điểm của mùa truyền bệnh trong năm, cụ thể là từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm.

Diệt bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước để phòng chống sốt xuất huyết.

Ngoài ra, có thể chủ động phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh tại những nơi có nguy cơ cao được xác định là vùng nhiều năm liên tục có trường hợp mắc bệnh và có chỉ số mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh cao từ 0,5 con/nhà hoặc chỉ số bọ gậy muỗi BI (Breteau index) từ 30 trở lên. Riêng khu vực miền Bắc thì chỉ số bọ gậy muỗi BI quy định từ 20 trở lên. Kết quả hoạt động thu thập được phải tổng hợp báo cáo lên tuyến trên theo quy định.

Diệt bọ gậy, muỗi truyền bệnh thế nào cho hiệu quả?

Giảm nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh

Nên nhớ rằng, bọ gậy muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Aedes aegypti và Aedes albopictus có thể phát triển ở các dụng cụ chứa nước trong nhà và chung quanh nhà. Vì vậy, xử lý dụng cụ chứa nước để làm giảm nguồn sinh sản của muỗi là biện pháp đơn giản và hiệu quả trong phòng chống muỗi truyền bệnh. Xử lý dụng cụ chứa nước sinh hoạt như chum, vại, bể nước ngoài trời, chậu cây cảnh... bằng cách dùng các biện pháp ngăn ngừa muỗi sinh sản với nắp đậy kín, thả cá ăn bọ gậy... Đồng thời lật úp các dụng cụ sử dụng trong gia đình như xô, chậu, bát, máng ăn gia cầm... Loại trừ ổ bọ gậy muỗi ở các bẫy kiến, lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh hoặc điều hòa nhiệt độ... bằng cách đổ dầu hoặc cho muối vào, thay nước mỗi tuần một lần, cọ rửa thành dụng cụ chứa nước để diệt trứng muỗi truyền bệnh.

Ngoài ra, cần thu dọn, phá hủy các ổ chứa nước tự nhiên hoặc nhân tạo như chai lọ, lu vò bị vỡ; vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa... bằng cách cho vào các túi chứa rồi chuyển tới nơi thu gom đồ phế thải của địa phương hoặc hủy bỏ bằng cách chôn, đốt. Các hốc chứa nước tự nhiên như hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa... phải được loại bỏ, lấp kín, chọc thủng hoặc làm biến đổi để nước không đọng lại tạo điều kiện sinh sản cho muỗi. Có thể sử dụng các loại hóa chất diệt ấu trùng muỗi tại các ổ nước đọng như hố ga ngăn mùi, bể chậu cây cảnh, lọ hoa...

Truyền thông và hướng dẫn cộng đồng

Công việc này cần sự phối hợp của các cơ quan thông tin tại địa phương bao gồm đài truyền hình, đài phát thanh, đài truyền thanh, báo chí và các phương tiện thông tin khác ở tuyến tỉnh, huyện, thị xã, thành phố. Đối với tuyến xã, phường, thị trấn; cần tổ chức các buổi nói chuyện phổ biến kiến thức phòng chống sốt xuất huyết trong trường học, những buổi họp dân; sử dụng khẩu hiệu, tờ tranh, cuốn sách nhỏ hướng dẫn; triển khai hoạt động thăm hỏi của cộng tác viên y tế đến từng hộ gia đình, dùng hệ thống truyền thanh cơ sở hay chiếu phim video... bằng những thông tin đơn giản, dễ hiểu, minh họa hình ảnh rõ ràng dễ nhớ.

Trên thực tế, tùy theo đối tượng cần tiếp nhận nội dung cần thiết để phổ biến các thông tin như: tình hình sốt xuất huyết trong nước; tại tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn về số người mắc bệnh và chết trong một vài năm gần đây. Triệu chứng của bệnh, sự cần thiết phải điều trị kịp thời để giảm tử vong. Nhận biết vòng đời, nơi sinh sản và trú đậu, hoạt động chích đốt máu người của muỗi truyền bệnh. Những biện pháp cụ thể, đơn giản mà mỗi người dân có thể tự áp dụng để loại bỏ ổ bọ gậy muỗi và muỗi trưởng thành. Phổ biến quy định về ngày giờ, thời gian cụ thể thực hiện chiến dịch diệt bọ gậy muỗi để phòng chống sốt xuất huyết tại địa phương.

Lời khuyên của thầy thuốc

Có lẽ ai cũng biết rằng hiện nay bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Việc phòng ngừa bệnh chủ yếu dựa vào các biện pháp có thể thực hiện được trong cộng đồng, trong đó có biện pháp diệt bọ gậy muỗi bằng nhiều cách khác nhau như đã nêu ở trên. Tuy khẩu hiệu hành động của ngành y tế dự phòng đơn giản là “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết” nhưng để thực hiện được vấn đề này một cách hiệu quả thì không hề đơn giản nếu không có sự quyết tâm của mỗi một cá nhân và toàn cộng đồng xã hội với ý thức trách nhiệm cao. Mặc dù chưa vào mùa bệnh phát triển nhưng trong 2 tháng đầu năm 2015 tại nước ta theo thống kê ghi nhận đã có 5.263 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết xuất hiện ở 38 tỉnh, thành phố làm cho 3 trường hợp bị tử vong tại Đồng Tháp, Đồng Nai, Long An. So với cùng kỳ năm trước, số người mắc có dấu hiệu tăng hơn 27% và tử vong tăng 2 trường hợp. Vì vậy, cộng đồng người dân ở các địa phương cần quan tâm chủ động thực hiện sớm các biện pháp diệt bọ gậy muỗi một cách tích cực trước khi bệnh bùng phát gây dịch do muỗi trưởng thành phát triển hoạt động với mật độ cao để truyền bệnh.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

 

 

 


Ý kiến của bạn