Sự góp mặt của diễn viên nhí trong điện ảnh là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, việc đưa các diễn viên nhí tham gia những bộ phim người lớn hoặc mang nội dung gây sốc và nhạy cảm vẫn gây tác hại phần nào tới tâm lý các em, kể cả khi đạo diễn đã cố gắng xử lý “khéo”.
Trả giá vì đóng phim người lớn
Trên thế giới, nhiều ngôi sao điện ảnh thành danh từ lúc còn rất trẻ. Cái giá họ phải trả cũng không hề đơn giản khi phải lao động nghệ thuật quá sớm. Nữ diễn viên Oliwia Dabrowska từng lên báo để nói về “nhiều năm bị chấn thương tâm lý và tủi thẹn” sau khi đóng phim Danh sách Schindler (Schindler’s List) của đạo diễn Mỹ Steven Spielberg, kể về nạn tàn sát người Do Thái của Phát xít Đức. Giờ đây, sau hơn 20 năm, Dabrowska chia sẻ rằng, năm 11 tuổi, cô đã vô cùng đau đớn và sợ hãi khi lần đầu tiên xem lại vai diễn lịch sử của mình, đặc biệt là những cảnh giết chóc và ngược đãi trong phim, những cảnh khiến người lớn xem cũng thấy khiếp sợ.
Từ chuyện của Dabrowska, người ta đặt ra câu hỏi: Các diễn viên “nhí” khác bị ảnh hưởng tâm lý như thế nào vì các vai diễn của mình trong những bộ phim dành cho người lớn? Trong ngành công nghiệp điện ảnh, người ta có đủ mánh lới để “dụ” diễn viên làm những việc mà đạo diễn cần. Nói cách khác, yếu tố “linh động” thường xuyên được áp dụng trong quá trình quay phim, thậm chí có những tình tiết khác hẳn với những gì được viết trong kịch bản. Khi đã nhận lời đóng phim, diễn viên khó có thể làm trái ý đạo diễn. Điều này thường xuyên xảy ra đối với các diễn viên người lớn, nói gì đến diễn viên nhí, các em còn quá nhỏ để hiểu hết nội dung của phim, vì vậy, các em chỉ có thể làm theo chỉ dẫn của đạo diễn.
Xem ra, bảo vệ diễn viên nhí bằng cách “cấm” các em xem phim do chính mình đóng chỉ là một biện pháp mang tính hình thức, bởi sự “không phù hợp” lại xảy ra ngay trong quá trình quay phim, dù muốn hay không, các em buộc phải làm tròn vai diễn của mình. Rõ ràng, khi mời các diễn viên nhí tham gia những bộ phim gây chấn động tâm lý hoặc phim người lớn, các đạo diễn phải có trách nhiệm với họ. Song thực tế không phải lúc nào cũng diễn ra như vậy. Trường hợp của diễn viên nhí Thanh Mỹ cũng mang đến nhiều sự nghi ngại đối với khán giả lớn tuổi khi em bày tỏ dù rất sợ ma nhưng vẫn nhận lời đóng phim Đoạt hồn. Cô bé chia sẻ: “Cảnh mà con sợ nhất là cảnh bé Ái té sông, vì con không biết bơi. Con cũng đã cố gắng đi học bơi trước đó nhưng mà không được. Lúc quay thử, con rất sợ nhưng vì biết đã có các cô chú ở dưới nước để đỡ nên con phải cố gắng hết sức...”.
Được mệnh danh là “Dakota Fanning của Việt Nam”, cách đây vài tháng, từ khi những trích đoạn trong phim Đoạt hồn được tung ra, cái tên Thanh Mỹ bắt đầu được cộng đồng mạng quan tâm và được gắn với những cụm từ ấn tượng như “em bé đáng sợ nhất Việt Nam” hay “ma nữ nhí”. Khi xem phim, thấy một cô bé nhỏ tuổi phải vào một vai diễn phức tạp, có những cảnh quay đáng sợ như thế, không ít khán giả cảm thấy xót xa. Ba của Thanh Mỹ cho biết, con gái mình nhập tâm vào vai diễn đến mức sau khi phim đóng máy, thỉnh thoảng cô bé vẫn giữ cặp mắt vô hồn, nhất là mỗi khi nhìn vào gương đánh răng, rửa mặt. Những lúc ấy, anh phải nhắc khéo con: “Hết phim rồi nha!”.
Làm việc như... người lớn
Thanh Mỹ không còn là cái tên xa lạ của điện ảnh Việt. Đoạt hồn là phim nhựa thứ ba Thanh Mỹ tham gia, sau hai vai diễn nhỏ trong Âm mưu giày gót nhọn và Cô dâu đại chiến 2. Từ nay đến cuối năm, khán giả còn gặp lại diễn viên nhí này trong hai bộ phim đình đám khác là Để Hội tính và Scandal 2 - Hào quang trở lại. Tính ra, những dự án điện ảnh lớn đều có mặt em, một vinh dự không dễ có đối với một diễn viên nhí, bởi phim nhựa rất ít đất dành cho các nhân vật nhí.
Ngoài Thanh Mỹ, điện ảnh Việt còn ghi nhận nhiều tài năng nhí khác như Nguyễn Hồng Quân, Phùng Hoa Hoài Linh... Các em từng đảm nhận không ít vai diễn “đinh” trong những tác phẩm điện ảnh lớn. Đảm nhận vai Hùng trong Lửa Phật, bé Nguyễn Hồng Quân đã gây ấn tượng mạnh với khán giả. Cho dù bộ phim nhận được nhiều lời nhận xét trái chiều thì hầu như tất cả đều nhất trí dành lời khen ngợi cho diễn xuất tuyệt vời của bé.
Hiện tượng Phùng Hoa Hoài Linh cũng rất đáng nể. Năm 2011, cô bé 12 tuổi Phùng Hoa Hoài Linh đã làm rạng danh điện ảnh Việt Nam bằng việc nhận về giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất phim Á Phi tại Liên hoan phim Dubai. Cô bé sinh năm 1999 đã thực sự xuất sắc với vai diễn trong bộ phim Tâm hồn mẹ. Đây là lần đầu tiên một diễn viên nhí người Việt Nam đoạt giải thưởng này. Phùng Hoa Hoài Linh cũng được khán giả đặc biệt yêu thích tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 bởi diễn xuất chân thật, tự nhiên. Hoài Linh có “thâm niên” đóng phim đáng nể từ năm 4 tuổi. Cô bé từng tham gia nhiều bộ phim lớn như: Lều chõng; Lý Công Uẩn – Đường tới Thăng Long; Thiên mệnh anh hùng...
Đối với diễn viên nhí, việc tham gia một bộ phim điện ảnh đôi khi gặp phải nhiều áp lực hơn cả diễn viên người lớn, đặc biệt là lúc phải đóng những phân cảnh khó và không thực sự phù hợp với lứa tuổi, chưa kể việc học tập của các em cũng bị gián đoạn. Không ít trường hợp diễn viên nhí vì quá mải mê diễn xuất và quá háo hức với sự nổi tiếng nên cảm thấy chán nản khi phải quay lại trường học. Angela Phương Trinh từng là một diễn viên nhí có tài, nhưng kể từ thời điểm Phương Trinh bắt đầu có những lột xác chóng mặt về hình ảnh, thêm nữa là lấn sân sang ca hát, cô chuyển từ hình ảnh “bà mẹ nhí” dễ thương, trong sáng ngày nào trở thành cô gái sexy gắn liền với hàng loạt scandal tai tiếng...
Tài năng sớm trổ là một việc đáng tự hào đối với dàn diễn viên nhí, đặc biệt là trong giai đoạn điện ảnh Việt đang cần những gương mặt mới. Tuy nhiên, người lớn không nên xem nhẹ trách nhiệm của mình đối với diễn viên nhí khi mà các em phải làm việc và chịu những áp lực như người lớn.
Vũ Quang