Diễn viên hài - Những tiếng cười tươi tắn

29-12-2008 06:10 | Văn hóa – Giải trí

Nếu sân khấu kịch năm qua có ít vai chính hay dành cho diễn viên nam, khiến đánh giá của giới chuyên môn về sân khấu kịch “âm thịnh, dương suy” thì sàn diễn hài kịch lại nở rộ nhiều vai diễn trung tâm dành cho các diễn viên hài.

Nếu sân khấu kịch năm qua có ít vai chính hay dành cho diễn viên nam, khiến đánh giá của giới chuyên môn về sân khấu kịch “âm thịnh, dương suy” thì sàn diễn hài kịch lại nở rộ nhiều vai diễn trung tâm dành cho các diễn viên hài.

NSƯT Thành Lộc: Biến hóa vạn năng

sankhau5.jpg

Không cần giải thích thêm về sự hiện diện của NSƯT Thành Lộc ở cả hai bảng nam diễn viên kịch và diễn viên hài trong vòng bầu chọn Giải Mai Vàng năm nay, vì sự có mặt của anh bao giờ cũng mang lại ấn tượng đậm nét cho khán giả và được đồng nghiệp yêu mến. NSƯT Bảo Quốc nhận xét: “Nét hài của Thành Lộc giàu chất ngẫu hứng nhưng luôn được anh đưa vào khuôn khổ của kịch bản.

Tôi thích cách diễn của Lộc trong những tứ kịch của Lê Hoàng, Doãn Hoàng Giang... vì chính anh chứ không ai khác sẽ đẩy các tình huống hài mang tính triết lý lên tầm cao, không xa rời khán giả và cũng không quá cường điệu để về đúng điểm dừng cần thiết trong suy ngẫm của công chúng về những điều cần phê phán.

Trong vở Hợp đồng mãnh thú, nét diễn của Lộc phóng khoáng, đúng chất Nam Bộ, cười đó, giễu cợt đó nhưng lại rất có trách nhiệm với những phán xét của mình. Tôi nghĩ chính nhờ vậy mà vai diễn của Lộc sống lâu, sống bền trong lòng công chúng". Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái nói: “Thành Lộc là một người biến hóa vạn năng, từ những gì rất ít trong chất liệu sáng tạo, qua tay Lộc và suy nghĩ của Lộc vai kịch trở nên bất tử theo thời gian và là khuôn mẫu cho đàn em noi theo”.

Mạnh Tràng: Diễn xuất đa dạng

sankhau4.jpg

Cái tên Mạnh Tràng năm qua được khán giả Sân khấu Kịch Sài Gòn chú ý qua hai vai diễn trong vở Hồn ma báo oán. NSƯT Trần Ngọc Giàu nhận xét: “Khi dàn dựng vở kịch này tôi đã chọn Mạnh Tràng vào vai Ba lúc già và Minh lúc trẻ.

Hồn ma của Ba hiện hữu trong Minh - con trai của Ba - như một lời cảnh tỉnh sắc bén đối với kẻ thủ ác. Anh đã khẳng định được khả năng đa dạng trong diễn xuất của mình”. Vai diễn 2 trong 1 đòi hỏi diễn viên phải xử lý khôn khéo, không lặp lại và Mạnh Tràng đã làm được điều này”.

Hoài Linh: Tiếng cười bứt phá

sankhau3.jpg

Nhận xét về Hoài Linh,  nhiều nhà chuyên môn vẫn cho rằng anh là một diễn viên hài lúc nào cũng tạo tiếng cười giòn giã. NSƯT Ca Lê Hồng nói: “Hoài Linh đến với vai chú Bốn trong vở Cưới liều như một cuộc chơi. Đúng nghĩa hơn là cuộc bứt phá để đến với dạng vai già chuyên “thọc gậy bánh xe”. Hoài Linh diễn vai này khác hẳn với các vai diễn khác, vì anh không cố tình chọc cười mà đi vào vai diễn một cách nghiêm túc, để các tình huống kịch dẫn người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Tôi thích nhất cách xử lý của Hoài Linh khi gặp sự cố trên sân khấu, lần đó xem anh diễn vai này tại Sân khấu Nụ cười mới, bất ngờ tấm bảng Vu quy treo trên tường rơi xuống, anh nhanh chóng nhặt lấy và nói ngay: “Đến trời đất còn không chấp nhận lễ cưới này, nói chi đến tui”. Bấy nhiêu thôi khán giả đã cười và khâm phục”.

Bảo Trí: Tiếng cười duyên dáng

sankhau2.jpg

Trong số các diễn viên hài được đề cử, Bảo Trí chưa bao giờ có vai chính trên sân khấu, anh chuyên đóng vai phụ, thậm chí có vai rất ngắn trong vở. Thế nhưng anh luôn làm người xem nhớ vì nét diễn và cách thâm nhập tính cách nhân vật dung dị, nhưng đầy thiện cảm.

Nhà báo Phạm Phú Túc (Đài TNND TPHCM) nhận xét: “Bảo Trí có một vai diễn không phải cố gắng nhiều, đó là vai Tuấn trong vở Niềm tin bị đánh cắp. Một anh chàng ngổ ngáo, ba hoa, nhưng lại hết lòng vì lẽ phải. Tôi xem Bảo Trí diễn tấu hài nhiều, phải nói anh có cách khai thác triệt để tình huống để bật tiếng cười”.

NSƯT Việt Anh: Gừng càng già càng cay

sankhau1.jpg

Nhân vật bác sĩ tâm lý trong vở Nhà trọ tình yêu của Việt Anh đã thật sự làm cho khán phòng sàn kịch Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ (5B) rộn vang tiếng cười và đôi chỗ khán giả phải bật khóc. NSƯT Trần Minh Ngọc nhận xét: “Việt Anh bao giờ cũng hóm hỉnh, đáng yêu trong mọi vai diễn.

Tôi thích nhân vật của anh trong vở Nhà trọ tình yêu, một nhân vật lụy tình đến phát khóc, nhưng lại rất cứng rắn khi cần thiết chứng tỏ cho lớp trẻ biết thế nào là giá trị của tình yêu. Những khoảng lắng đắt giá mà Việt Anh vận dụng trong vở kịch này đã làm người xem xúc động, đó là lúc có người khơi lại mối tình đau khổ trong dĩ vãng của anh. Việt Anh đã trải qua nhiều gian truân, có lẽ vì thế mà vốn sống phong phú”.

Theo Thanh Hiệp
nguoilaodong.gif


Ý kiến của bạn