Kỳ II: Khai tử hay khai sinh lần hai?
Nhìn sang các quốc gia phát triển, ĐTCC vẫn đang được người dân sử dụng rất hiệu quả, đã trở thành thói quen và có rất nhiều doanh nghiệp tham gia vào việc cung cấp dịch vụ này. Nhưng vì sao ĐTCC ở Việt Nam lại “khổ cực” như vậy và các cơ quan chủ quản dự định đưa đẩy số phận chúng đến đâu?
Sau khi đi mải miết qua nhiều con phố, hàng bán thẻ cào nào cũng ghé qua nhưng không mua nổi một chiếc cardphone (để gọi ĐTCC), tôi ngó mãi mới tìm được Chi nhánh Bưu điện Cửa Nam. Chị bán hàng sau khi nghe khách hỏi mua cardphone đã rất nhanh nhảu:
- “Cạc” gì, Mobi, Vina hay Viettel?
- Dạ, cardphone cơ, ghi trên biển của cửa hàng đây chị này, dạo này bán được nhiều thẻ không chị?
- Ế, bán chậm lắm. Bán cho nó đủ lệ bộ thôi.
Bốt ĐTCC thì nhan nhản, nhưng việc tìm mua thẻ đỏ mắt quả là một sự bất tiện đến vô lý. Thêm vào đó là sự ọp ẹp, bẩn thỉu, nhếch nhác khiến chẳng ai “kề môi áp má” vào những cái ống đen kịt những bụi là bụi để mà còn hứng thú trò chuyện.
Trạm điện thoại thành nhà bếp? |
Ông Vũ Bá Hưởng, Phó trưởng phòng Phòng Kế hoạch kinh doanh (Công ty Viễn thông Hà Nội) than thở: “Thành phố giờ có khoảng 1.300 bốt, với thêm 200 bốt của Hà Tây cũ nữa. Cách đây độ dăm năm thì doanh thu đạt còn khá, cỡ 7 tỷ đồng/năm, nhưng bây giờ tậm tịt, trung bình vài trăm triệu thôi”. Thế có nghĩa là không phải doanh thu tụt thảm hại, mà có khi lỗ vì kinh phí duy trì cho số “cây” dặt dẹo này là không nhỏ.
Nhằm “chữa ngượng” cho các bốt điện thoại, mức cước liên lạc của cardphone được giảm đáng kể, 4 mệnh giá 30.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng và 150.000 đồng cùng mỗi phút gọi tới ĐTDĐ chỉ 1.000 đồng nhưng vẫn không ăn thua. Thậm chí hàng chục “cây” ở đường Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã cách đây hơn 2 năm vì không chịu nổi cảnh ế xưng ế xỉa đã... “tự nguyện” mở cửa cho gọi miễn phí, sinh viên gần đó tha hồ ra buôn chuyện không cần dùng thẻ, còn hơi thì cứ gọi, gọi khắp tỉnh thành từ cố định đến di động. Việc “tự khuyến mại” này kéo dài vài tháng mà Bưu điện thành phố Hà Nội chẳng hay. Nếu không vì đám sinh viên làm lộ ra, thì những bốt ĐTCC này vẫn kéo dài thời gian khuyến mại gọi miễn phí chưa biết đến bao giờ.
Tại Việt Nam, tuy khách du lịch đông, khách bình dân ít tiền cũng đông, song họ khoái dịch vụ internet công cộng và sim ĐTDĐ trả trước vừa tiện vừa rẻ. Việc đi tìm mua thẻ ĐTCC khó khăn và tình trạng buồng máy dường như “không muốn bán hàng” nên khách quay lưng là điều dễ hiểu.
Ông Phạm Quốc Bản - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho rằng, hệ thống ĐTCC có vai trò quan trọng trong... quá khứ. Hiện nay, tuy dịch vụ này đang xuống cấp, nhưng thành phố vẫn chủ trương sẽ giữ lại và đang có phương hướng củng cố toàn diện như phân bổ lại hệ thống, cước phí, các dịch vụ tiện ích đi kèm. “Ở những nước phát triển họ vẫn duy trì. Đây là loại hình nằm trong hệ thống hạ tầng thông tin nhằm đáp ứng một phân đoạn thị trường là khách hàng bình dân như khu CN, bệnh viện, nhà ga và vùng sâu vùng xa. Hà Nội là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước, tập trung nhiều trường đại học lớn và cũng là nơi tập trung phần lớn những người lao động nghèo ngoại tỉnh về, do vậy, tính tiện ích và tiết kiệm của loại hình dịch vụ này ở một khía cạnh nào đó vẫn được phát huy” - ông Bản cho biết.
Trong khi ĐTCC chờ được “hóa kiếp” khỏi tình trạng nhếch nhác, gần như đứng cho vui, để... tránh lãng phí, nhiều người dân đã biết tận dụng triệt để các buồng ĐTCC. Cái bốt điện thoại có buồng kính chình ình trên phố Giảng Võ đông người qua đã có công giúp một ông cụ lang thang cái chỗ ở tạm qua đêm. Sáng, ông cụ mò dậy, sửa soạn hành lý tiếp tục con đường phiêu bạt, nhường chỗ cho quán bán hàng gần đó lăn nguyên cả một chiếc salon rách chất vào trong, chờ xe rác đến hót...
Hoàng Dương