Điện quang can thiệp trong điều trị ung thư gan - mật

13-08-2014 14:00 | Thời sự
google news

SKĐS - RFA phá hủy khối u dựa vào tác dụng của nhiệt độ. Nguyên lý: khi tế bào ung thư ở nhiệt độ > 60oC sẽ phá hủy nhân tế bào làm tế bào ung thư không còn khả năng nhân đôi.

Tiếp theo số 127

Đốt sóng cao tần (Radiofrequency ablation - RFA):

RFA phá hủy khối u dựa vào tác dụng của nhiệt độ. Nguyên lý: khi tế bào ung thư ở nhiệt độ > 60oC sẽ phá hủy nhân tế bào làm tế bào ung thư không còn khả năng nhân đôi.

RFA kim đơn có hiệu quả rất cao đối với các khối u có kích thước nhỏ (<3cm). Tuy nhiên, hiện nay, với các loại máy đa cực (multipolar) hoặc sử dụng đồng bộ hóa nhiều kim (Switching controller) hoặc sử dụng các kim đốt sóng hình dù (Multitined RF electrodes) có thể điều trị khối u gan có kích thước lớn 4 - 7cm.

Trong trường hợp u to, có thể kết hợp với các biện pháp khác như hóa chất trị liệu (tổn thương di căn), nút mạch gan hóa chất (u gan nguyên phát) hoặc kết hợp với tiêm cồn ngay trong lúc can thiệp.

Tiêm cồn tuyệt đối ( PEI):

Cồn tuyệt đối (ethanol) tác động trực tiếp vào mô u, độc tính của ethanol làm thoái biến protein kết hợp với làm mất nước tế bào gây ra hiện tượng hoại tử đông mô. Ngoài ra, ethanol còn gây huyết khối các mạch máu nhỏ dẫn đến thiếu ôxy và chết tế bào. Có 2 phương pháp tiêm cồn tuyệt đối, tiêm với lượng cồn ít và lặp lại nhiều lần hoặc tiêm cồn với số lượng lớn trong 1 lần can thiệp (thường 50 - 60ml).

Áp lạnh (Cryoablation)

Áp lạnh sử dụng nhiệt độ thấp để làm đông cứng bào tương tế bào ung thư, mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu nhưng đây cũng là phương pháp đang dần được áp dụng nhiều trong lâm sàng vì có một số ưu điểm.

Áp lạnh sẽ tạo thành quả cầu tuyết (“ice ball”) trong quá trình phá hủy tổn thương, phương pháp này có thể phá rộng hơn so với RFA, do đó, có thể triệt tiêu cả các nhân vệ tinh quanh khối u chính.

Các phương pháp khác:

Ngoài ra, một số phương pháp phá hủy khối u tại chỗ khác như: vi sóng (Microwave ablation), nano knife, sóng siêu âm (HIFU) cũng đã và đang được ứng dụng trong lâm sàng.

Điện quang can thiệp đối với ung thư đường mật và tắc mật

Tổn thương tắc mật do bệnh lý xuất phát từ đường mật (ung thư đường mật, ung thư túi mật xâm lấn đường mật...) và do khối u từ bên ngoài (u đầu tụy, ung thư di căn rốn gan). Những bệnh nhân bị tắc mật thường có triệu chứng vàng da, tiểu đỏ, phân bạc màu, ngứa và ăn không tiêu. Điều này làm cho chất lượng cuộc sống của bệnh nhân giảm mạnh, gầy sút rất nhanh, rối loạn đông máu nên thời gian sống rất ngắn. Các nghiên cứu cho thấy rằng bệnh nhân thường chết do nguyên nhân tắc mật trước khi chết vì bệnh lý ung thư.

Để cải thiện tình trạng này, đơn giản nhất là đặt dẫn lưu đường mật qua da, thời gian can thiệp khoảng 15-30 phút giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh. Lý tưởng hơn, điện quang can thiệp có thể đặt stent đường mật qua da, lập lại lưu thông dịch mật xuống ruột giúp cho bệnh nhân không bị tắc mật và không bị mất dịch, điện giải (trong dịch mật, nếu dẫn lưu đường mật qua da). Việc đặt stent đường mật qua da đòi hỏi bác sĩ can thiệp phải có kỹ năng hơn so với đặt dẫn lưu đường mật, phải luồn guidewire qua được chỗ hẹp - tắc đường mật để đi xuống ruột, đây là bước khó nhất trong thủ thuật đặt stent đường mật.

Tóm lại, hiện nay, điện quang nói chung và điện quang can thiệp nói riêng đóng vai trò to lớn trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ung thư, đặc biệt về gan mật. Hiện có nhiều phương pháp từ can thiệp nội mạch đến phá hủy các tổn thương qua da. Mỗi một phương pháp có ưu điểm và nhược điểm riêng, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên ngành và điện quang can thiệp để đưa ra chỉ định và chiến lược điều trị tốt nhất cho từng bệnh nhân.

Dự án phòng chống ung thư Quốc gia Bệnh viện K TW

ThS.BS. Ngọc Lâm

 


Ý kiến của bạn