Một số người làm nghệ thuật ở Việt Nam xưa nay đều không chỉ giỏi chuyên môn mà còn rất giỏi diễn ngôn. Vào các diễn đàn của các họa sĩ, ca sĩ hay nhiếp ảnh... đều thấy nổi bật lên một, hai nhân vật có những phát ngôn sắc sảo, kéo theo những cuộc tranh luận sôi nổi hay gay gắt trên diễn đàn. Thậm chí, sức nóng của những cuộc tranh luận nghệ thuật này còn lan cả sang các mạng xã hội khác. James Dương chính là một cái tên đang nổi trong giới nhiếp ảnh Việt Nam, anh đã chia sẻ về điều này.
Thành viên trên các diễn đàn nhiếp ảnh không còn lạ gì cái tên James Dương, anh có biết mình được biết đến vì điều gì không?
Tôi cũng không rõ và cũng không quan tâm lắm nhưng mỗi người biết đến tôi vì những điều khác nhau. Có lẽ nhiều anh chị em quý mến tôi vì tôi hỗ trợ được rất nhiều các bạn yêu nhiếp ảnh và giúp đỡ được các nhân vật của tôi.
Anh là người luôn nhìn ra góc khuất của những vấn đề đang được dư luận quan tâm, đặc biệt là với nhiếp ảnh. Khi post lên những phát ngôn sắc sảo như vậy, anh nhận được những phản hồi ra sao?
Nói về phản hồi thì đa phần đồng tình, cũng có một số ít phản ứng tiêu cực. Tuy nhiên, đồng tình hay phản đối không có ý nghĩa nhiều đối với tôi, tôi chỉ đơn thuần chia sẻ sự nhìn nhận của bản thân.
James Dương nói về chụp ảnh ở Việt Nam hiện nay. |
Giới photo cho rằng anh nổi là nhờ những phát ngôn gây sốc chứ không phải vì ảnh đẹp, anh nghĩ sao?
Giới photo này là những ai? Sao bị sốc dễ thế?
Anh quan niệm thế nào về một bức ảnh đẹp. Anh tự thấy mình yêu thích và có thế mạnh ở thể loại ảnh chụp nào?
Tôi không có quan niệm về một bức ảnh đẹp, mà chỉ có ảnh tốt hay ảnh không tốt. Đối với nhiếp ảnh thương mại, ảnh tốt là những bức ảnh đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Đối với nhiếp ảnh nghệ thuật, ảnh tốt là những bức ảnh truyền tải được thông điệp và tư tưởng của người nghệ sĩ. Đối với nhiếp ảnh truyền thông hay báo chí, ảnh tốt là những bức ảnh trung thực, khách quan, chứa đựng nội dung rõ ràng và thông tin cụ thể. Thương mại là mảng tôi làm nhiều nhất, nhưng tôi vẫn luôn theo đuổi ảnh báo chí.
Anh thường chia sẻ đam mê và kinh nghiệm chụp ảnh của mình qua các lớp học kiểu như những chuyến đi điền dã rất sinh động. Những trải nghiệm đó đã đem lại và lấy đi của anh những gì?
Lấy đi những gì thì chưa rõ, có lẽ chỉ là thời gian thôi. Còn lại tôi được rất nhiều, được có thêm các anh chị em bạn bè cùng đam mê. Quan trọng hơn cả, tôi thực hiện được mục đích sống của bản thân, đó là chia sẻ và giúp đỡ những người khác.
Anh có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ tại các lớp học đó không? Có học trò nào khiến anh thấy tâm đắc?
Các học viên đến từ khắp mọi miền đất nước và từ các ngành nghề khác nhau, mỗi người mỗi khác nhưng đều có điểm chung là sự đam mê nghiêm túc. Điều tôi tâm đắc không phải ở một học viên cụ thể nào mà nằm ở tinh thần chung khi chúng tôi từng bước xây dựng được một cộng đồng nhỏ đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau không chỉ trong nhiếp ảnh.
Mô hình lớp học của anh có vẻ thành công, từ đâu mà anh nảy ra ý tưởng đó?
Tôi đang dạy hai khóa: Studio lighting và Travel photography. Khóa Travel photography được khởi xướng bởi nhiếp ảnh gia Hải Thanh. Tôi và anh Hải Thanh cùng chung ý tưởng nên đã thực hiện với nhau.
Theo anh, các nghệ sĩ Việt Nam đem ảnh tới các cuộc thi với ý đồ gì? Liệu có giống như các em gái xinh nhăm nhe giành chiến thắng trong các cuộc thi sắc đẹp để giành danh hiệu hotgirl?
Ý đồ gì thì phải hỏi nghệ sĩ nhiếp ảnh. Còn tôi rất hoan nghênh đây là cơ hội rất tốt cho các bạn mới cầm máy tập chụp với ống kính tele khẩu to. Tuy nhiên, các bạn phải thận trọng, đề phòng những tai nạn và thảm họa đáng tiếc cho người xem.
Anh đã từng là nạn nhân của việc “mượn ảnh đi thi” bao giờ chưa? Nếu là họ, anh phản ứng ra sao?
Chắc là chưa, nếu có thì tôi cũng không biết, nếu biết thì tôi cũng không rõ sẽ phản ứng ra sao. Tuy nhiên, ảnh và thậm chí bài của tôi bị sử dụng mà không xin phép cũng nhiều rồi, nhưng tôi không bao giờ coi mình là nạn nhân hay họ là kẻ cắp. Đối với tôi, ảnh và bài của mình chia sẻ được tới nhiều người, để họ có thêm thông tin hay kiến thức, đó là điều tích cực.
Một số người cầm máy được coi là chụp đẹp, có “con mắt xanh” thì luôn nhận mình chỉ là thợ chụp, còn một số chụp cũng thường thường thì luôn tự nhận mình là nhiếp ảnh gia hay nghệ sĩ nhiếp ảnh. Anh thấy điều này có mâu thuẫn không?
Gọi là gì không hề quan trọng, thậm chí tự phong danh hiệu hoàng đế nhiếp ảnh hay thống soái nhiếp ảnh cũng chả sao. Tên gọi nghề nghiệp hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Mấu chốt là chúng ta chụp cái gì, chụp như thế nào và quan trọng hơn cả, những bức ảnh, những bộ ảnh làm được những gì.
Anh có định đeo đuổi nghiệp nhiếp ảnh hay chỉ coi đó là nghề tay trái?
Nghề và nghiệp là hai khái niệm không hoàn toàn giống nhau. Tôi cũng như tất cả mọi người, cũng phải lo mưu sinh cuộc sống và không thể dựa hoàn toàn vào nhiếp ảnh báo chí để sống. Tuy nhiên, không vì thế mà ngọn lửa trong tôi bị giảm đi. Tôi chụp ảnh từ năm 2000, đến nay đã hơn 12 năm, nhiếp ảnh nằm trong huyết mạch và trong từng hơi thở rồi. Tôi vẫn còn rất nhiều điều cần làm và cần học hỏi với nhiếp ảnh, không ngừng trau dồi các kỹ năng tác nghiệp, khai thác đa dạng các đề tài và quan trọng nhất, vẫn phải giúp đỡ và hỗ trợ các bạn yêu ảnh cũng như các nhân vật trong mỗi phóng sự thực hiện.
Châu Mỹ (thực hiện)