Điện mặt trời giúp người dân tiết kiệm đến 60% hóa đơn tiền điện

11-04-2025 07:16 | Xã hội
google news

SKĐS - Với hộ gia đình, lợi ích rõ nhất là tiết kiệm chi phí. Mức tiêu thụ từ 401kWh trở lên, giá điện đã hơn 3.000 đồng/kWh. Nếu sử dụng điện mặt trời mái nhà, hộ gia đình có thể giảm đáng kể tiền điện hàng tháng.

Người lắp điện mặt trời mái nhà sắp được bán điện dư thừa lên lướiNgười lắp điện mặt trời mái nhà sắp được bán điện dư thừa lên lưới

SKĐS - Hộ gia đình, doanh nghiệp lắp điện mặt trời mái nhà có thể được bán tối đa 20% công suất lắp đặt với giá bằng với giá điện bình quân của thị trường cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

Tiền điện hơn 1 triệu đồng/tháng nên lắp pin mặt trời

Tại tọa đàm "Năng lượng sạch và giải pháp giảm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp" sáng 10/4 tại TPHCM, ông Lưu Mạnh Thức, Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng mặt trời SPC cho biết, để quyết định lắp đặt điện mặt trời mái nhà, hộ gia đình phải xác định mỗi tháng sử dụng bao nhiêu kWh rồi mới tính toán lắp đặt.

Theo ông Thức, một hộ dân tại TPHCM trung bình phải trả từ 1,2-1,5 triệu đồng/tháng tiền điện. Phương án tối ưu có thể lắp thiết bị điện để tạo ra khoảng 6kWh và mỗi tháng tạo ra từ 600-720kWh.

"Với công suất điện tạo ra như vậy, có thể thu hồi hơn 1 triệu đồng tiền điện/tháng. Chi phí lắp đặt thiết bị điện công suất phù hợp và có pin lưu trữ khoảng 60 triệu đồng. Thời gian thu hồi vốn từ 4-5 năm", ông Thức phân tích.

Điện mặt trời giúp người dân tiết kiệm đến 60% hóa đơn tiền điện- Ảnh 2.

Điện mặt trời mái nhà đem lại lợi ích cho người sử dụng, song vốn đầu tư lớn.

Trên thị trường đang có sản phẩm của Mỹ, có thể chuyển đổi dòng điện 1 chiều từ tấm pin mặt trời sang dòng điện xoay chiều ngay trên tấm pin. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, thị trường có sản phẩm pin lưu trữ với dung lượng từ 230kWh đến 2,3mWh tích hợp vào hệ thống điện hiện hữu, giúp sạc điện vào giờ thấp điểm và sử dụng vào giờ cao điểm.

Theo chuyên gia, trước đây doanh nghiệp lắp hệ thống điện mặt trời để sử dụng và sau đó bán điện dôi dư cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chi phí thu về khoảng 2.000 đồng/kWh. Hiện nay, việc doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian hoàn vốn từ 4-5 năm.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, với hộ gia đình, lợi ích rõ nhất là tiết kiệm chi phí. Mức tiêu thụ từ 401kWh trở lên, giá điện đã hơn 3.000 đồng/kWh. Nếu sử dụng điện mặt trời mái nhà, hộ gia đình có thể giảm đáng kể tiền điện hàng tháng.

Với doanh nghiệp, việc sử dụng điện mặt trời mái nhà giúp DN giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm điện năng trong dài hạn. Từ đó, nâng cao tính ổn định trong hoạt động sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

4 lưu ý cho gia đình khi lắp điện mặt trời

Sản lượng điện tiêu thụ sẽ đạt mức đỉnh điểm vào cuối tháng 4 và tháng 5, tương ứng với hóa đơn tiền điện của khách hàng cũng tăng mạnh trong thời gian này. Do chi phí tiền điện ngày càng cao, nhiều người bắt đầu cân nhắc đến việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Tuy nhiên, để hệ thống điện mặt trời thực sự mang lại hiệu quả và tiết kiệm như kỳ vọng, người dân cần nắm rõ một số vấn đề quan trọng trước khi lắp đặt. Ông Lưu Mạnh Thức cho biết, thứ nhất, cần kiểm tra và đánh giá kết cấu công trình hiện có, xem có đáp ứng được yêu cầu chịu lực và độ bền trong suốt vòng đời của hệ thống điện mặt trời - thường kéo dài khoảng 20 năm - hay không. Việc này rất quan trọng để bảo đảm an toàn và tính lâu dài của hệ thống.

Thứ hai, phải tuân thủ đầy đủ các quy định của nhà nước về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, điện lực và chính sách liên quan đến tải điện. Điều này giúp tránh những rủi ro pháp lý không đáng có. Đồng thời, cần làm việc với đơn vị lắp đặt để xác định công suất phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng, tối ưu hiệu quả vận hành. Cũng cần làm rõ liệu hệ thống có hỗ trợ cơ chế tự sản, tự tiêu hay không.

Thứ ba, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại hệ thống năng lượng mặt trời với nguồn gốc, chất lượng và giá cả khác nhau. Sự khác biệt này ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng điện mà hệ thống tạo ra. Do đó, việc lựa chọn nhà cung cấp uy tín, đã được kiểm chứng chất lượng và có đầy đủ chứng chỉ là điều hết sức quan trọng.

Thứ tư, để bảo đảm hiệu quả lâu dài, hệ thống điện mặt trời cần được bảo trì định kỳ, có thể theo quý hoặc theo năm. Việc này không chỉ giúp duy trì sản lượng điện ổn định mà còn kéo dài tuổi thọ thiết bị và giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận hành.

Giải bài toán nguồn điện mặt trời  ổn định, tránh "phập phù"

Trên thực tế, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh đánh giá, sản lượng điện mặt trời mái nhà không ổn định và phụ thuộc vào thời tiết. Do đó, khi lắp đặt cần có phương án sử dụng nguồn điện dự phòng, thường là thông qua kết nối lưới điện quốc gia.

Hiện nay, lượng điện dư từ hệ thống điện mặt trời mái nhà chỉ được phép bán lên lưới ở mức từ 10–20% tổng công suất. Do đó, cơ quan quản lý cần xem xét khả năng nâng ngưỡng bán điện vượt 20% nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nguồn năng lượng sạch này.

Một giải pháp khác là cho phép doanh nghiệp phối hợp với ngành điện lực chi trả thêm chi phí vận hành dưới hình thức thuê bao. Theo đó, ngành điện sẽ vận hành công suất dự phòng, trong khi doanh nghiệp được phép bán lượng điện lớn hơn lên lưới.

Theo ông Sơn, thay vì áp dụng một mức giá điện cố định như hiện nay, cần xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần, tức phân biệt giá theo khung giờ: giờ cao điểm và giờ bình thường. Bên cạnh đó, nên thành lập Quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo – đặc biệt là điện gió – qua đó thúc đẩy lĩnh vực này phát triển bền vững và hiệu quả hơn.

Ông Hà Đăng Sơn cho biết Chính phủ đã đưa ra yêu cầu cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm cả điện mặt trời mái nhà. Từ đầu năm 2025, Chính phủ ban hành Nghị định 56 tập trung vào các quy định chung về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực và Nghị định 58 tập trung vào các cơ chế khuyến khích cụ thể cho từng loại hình năng lượng sạch.

Nghị định này hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển năng lượng sạch với hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch cho các hoạt động đầu tư. Từ đó, giúp giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường.

Chuyên gia đề xuất lắp đồng hồ 2 chiều để mua bán điện mặt trờiChuyên gia đề xuất lắp đồng hồ 2 chiều để mua bán điện mặt trời

SKĐS - Với cơ chế thông thoáng, không chỉ mua điện trực tiếp từ các dự án điện mặt trời lớn, việc chia sẻ nguồn qua đấu nối công tơ điện 2 chiều của các hộ trong khu phố, trong tòa nhà, trong khu công nghiệp sẽ khắc phục được tình trạng thiếu điện.


Tô Hội
Ý kiến của bạn