Diện mạo huyện vùng cao Quan Sơn ngày càng khởi sắc

02-10-2023 18:56 | Xã hội
google news

SKĐS – Trong quá trình triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) 1719, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, diện mạo huyện Quan Sơn ngày càng có những chuyển biến tích cực.

Quan Sơn là huyện miền núi cao có 80,1km đường biên, tiếp giáp với 2 huyện Viêng Xay, Sầm Tớ - Hủa Phăn, nước Lào. Toàn huyện có 12 đơn vị hành chính, trong đó có 17 bản đặc biệt khó khăn. Dân số toàn huyện là 9.251 hộ, với 41.941 khẩu, gồm có 04 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 92,7% dân số toàn huyện.

Là một huyện có địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, hạ tầng giao thông khó khăn, trình độ dân trí thấp và không đồng đều, điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, sản xuất nông lâm nghiệp là chủ yếu, năng suất thấp, đa số vẫn mang tính tự cung tự cấp, chưa trở thành hàng hóa, các loại hình kinh doanh ít, quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao. Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2022 đạt 28 triệu đồng/người/năm.

Diện mạo huyện vùng cao Quan Sơn ngày càng khởi sắc- Ảnh 1.

Nhiều công trình phục vụ dân sinh từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 đã và đang được huyện Quan Sơn quyết liệt thực hiện nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2022 trên địa huyện còn 3.299 hộ nghèo, chiếm tỷ 35,66%, trong đó số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số là 3.248 hộ, chiếm tỷ lệ 98,45% so với số hộ nghèo toàn huyện; số hộ cận nghèo toàn huyện 2.907 hộ, chiếm tỷ lệ 31,42%, trong đó hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số là 2.857 hộ chiếm tỷ lệ 98,28% so với số hộ cận nghèo toàn huyện.

Trong những năm qua huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS; Các chính sách dân tộc; Chương trình MTQG 1719 phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… góp phần làm diện mạo nông thôn huyện Quan Sơn ngày càng đổi thay.

Diện mạo huyện vùng cao Quan Sơn ngày càng khởi sắc- Ảnh 2.

Huyện Quan Sơn tham dự hội nghị trực tuyến của tỉnh bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ giao kế hoạch vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023

Thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025, huyện Quan Sơn được dự kiến phân bổ là 150 tỷ đồng. Nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 được huyện kỳ vọng sẽ tạo "một luồng gió mới", tiếp sức giải quyết những nhu cầu bức thiết về đời sống kinh tế, xã hội trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt giúp đồng bào DTTS được thụ hưởng chính sách có thêm điều kiện thuận lợi để bứt phá vươn lên.

Từ nguồn vốn Chương trình, huyện đã và đang triển khai 10 Dự án, với nhiều tiểu dự án và nội dung thành phần. Huyện đã xác định đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và giải quyết kịp thời các vấn đề khó khăn, cấp bách nhất ở vùng DTTS và miền núi. Trong đó, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư sở hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ giải quyết những nhu cầu bức thiết trong cuộc sống cho đồng bào ở những địa bàn khó khăn nhất; quá trình thực hiện không để trùng lặp, chồng chéo giữa các dự án, chương trình hỗ trợ.

Theo đó, đã có nhiều công trình cơ sở hạ tầng được cải tạo, xây dựng như: Hệ thống xử lý nước sinh hoạt thị trấn Sơn Lư; công trình nước sinh hoạt tập trung bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy; nâng cấp Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn; nâng cấp, cải tạo Trường PTCS Dân tộc bán trú xã Sơn Thủy; hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà văn hóa-Khu thể thao Khu 2, thị trấn Sơn Lư và bản Cha Khót, xã Na Mèo; xây dựng đường giao thông nội vùng thị trấn Sơn Lư. Đến nay, tỉ lệ đường giao thông được cứng hóa đến năm 2023 đạt 75%...

Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, huyện Quan Sơn đã xây dựng được hơn 71,43km đường giao thông nông thôn; hơn 20km kênh mương, rãnh thoát nước; 11 công trình thủy lợi, 5 công trình cấp nước sinh hoạt; xây dựng mới và chỉnh trang trên 224 nhà ở dân cư; trồng được 65km đường hoa, cây xanh; làm 12km đường điện thắp sáng đường quê; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đạt 80%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 85%; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,5%...

Hiện Quan Sơn đã có 2 xã, 56 bản đạt chuẩn NTM; 9 bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Chương trình mỗi xã một sản phẩm được huyện Quan Sơn tích cực triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, huyện có 3 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, bao gồm các sản phẩm: măng khô Năng Non, thịt bò khô Mường Hạ, nếp cái Mường Xia.

Cùng với đó, huyện triển khai hiệu quả việc hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, đối với diện tích rừng phòng hộ là 5.650 ha; Hỗ trợ bảo về rừng đối với rừng sản xuất, rừng tự nhiên là 9.308 ha; với tổng kinh phí thực hiện 4 tỷ 06 triệu đồng...

Diện mạo huyện vùng cao Quan Sơn ngày càng khởi sắc- Ảnh 3.

Quan Sơn phấn đấu đến năm 2025 trở thành điểm sáng ở vùng cao biên giới tỉnh Thanh Hóa

Mục tiêu giai đoạn 2023-2025, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 5%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3%/năm trở lên; Thu nhập bình quân đầu người ở vùng DTTS và miền núi đạt 55,0 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác đạt 100%; Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91% trở lên; xóa tình trạng nhà tạm, nhà dột nát; số lao động được tạo việc làm bình quân đạt 1600 người/năm...

Để đạt được mục tiêu này, việc triển khai đồng bộ, với những giải pháp linh hoạt để thực hiện hiệu quả các dự án, nội dung Chương trình MTQG 1719, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, ông Trương Trọng Tuấn, trong quá trình triển khai các Dự án, nội dung thành phần của Chương trình, huyện chú trọng việc nắm bắt các văn bản, quy định của Nhà nước, các bộ ngành hướng dẫn; chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tế.

Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết, huyện cũng đã chủ động, linh hoạt cách làm; còn nội dung nào vượt thẩm quyền, địa phương cũng đã phản ánh, đề xuất kiến nghị lên cấp có thẩm quyền kịp thời, với mong muốn đồng bào sớm được thụ hưởng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại huyện Quan Sơn đã có những đóng góp quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 – 2025, kết cấu hạ tầng được đầu tư; đời sống vật chất, tinh thần ngày được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm qua các năm, một số bộ phận hộ đồng bào DTTS xóa được nhà tạm, nhà dột nát và nước sinh hoạt từng bước cải thiện, ổn định nơi ở, ổn định sản xuất và đời sống.

Nhiều hoạt động tuyên truyền cụ thể, ý nghĩa về pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núiNhiều hoạt động tuyên truyền cụ thể, ý nghĩa về pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

SKĐS - Thanh Hóa triển khai nhiều hoạt động, với nhiều hình thức, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân ở các địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.


Ngọc Hưng
Ý kiến của bạn