Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản: Ứng dụng Công nghệ và vật liệu mới trong y tế

27-11-2019 14:38 | Quốc tế

SKĐS - Với chủ đề “Make in Vietnam - Cơ hội và thách thức”, diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản lần thứ nhất đã được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc tế JASSO, thủ đô Tokyo vào ngày 16/11/2019. Diễn đàn do Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ), Cộng đồng chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản (VPJ) và Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản. Trong số 10 phiên thảo luận về các chủ đề khác nhau có phiên thảo luận về Ứng dụng Công nghệ và Vật liệu mới trong Y tế.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ và vật liệu đặc biệt là những công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo, vật liệu nano, nền y học hiện đại đã ngày càng phục vụ tốt hơn cho con người và giúp con người có thể nhận biết những nguy cơ sớm về mặt sức khỏe và điều trị một cách có hiệu quả những bệnh nan y như ung thư, tiểu đường bằng những phương pháp tiên tiến hiện đại.

Ngành Y tế Việt Nam trong thời gian trở lại đây đã đạt được rất nhiều tiến bộ và thành tựu trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam nhờ vào việc áp dụng những công nghệ hiện đại và vật liệu tiên tiến phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, theo dõi sức khỏe và quản lý hệ thống.

Về mặt chăm sóc sức khỏe cộng đồng, với những phương tiện theo dõi sức khỏe cầm tay nhỏ gọn, con người đã có thể tự theo dõi và được phản ánh tình trạng sức khỏe của mình. Trong khám chữa bệnh, phương pháp chẩn đoán ung thư sớm hay công nghệ gen, công nghệ tế bào gốc, vật liệu nano giúp điều trị được nhiều bệnh nan y cũng như chế tạo được những loại thuốc vô cùng hiệu quả. Bên cạnh việc áp dụng công nghệ thông tin giúp cho việc quản lý hệ thống trở nên nhanh gọn, hiệu quả, minh bạch và tiết kiệm trong đó ứng dụng CNTT trong bệnh viện, thanh toán bảo hiểm y tế, và thống kê y tế đã được áp dụng hầu hết các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế từ trung ương tới địa phương.

Tuy nhiên, việc áp dụng những công nghệ và vật liệu mới trong lĩnh vực y tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn và rào cản do trình độ và khả năng triển khai của các cơ sở y tế không đồng đều, việc chia sẻ dữ liệu chưa thực hiện được đồng nhất, số liệu bị phân mảnh. Bên cạnh đó việc nghiên cứu và áp dụng những kỹ thuật máy móc mới và đưa vào sản xuất tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều rào cản về mặt chính sách cũng như về nhận thức xã hội của người dân.

Các diễn giả tại Phiên thảo luận chuyên đề Ứng dụng Công nghệ và Vật liệu mới trong Y tế

Phiên thảo luận chuyên đề Ứng dụng Công nghệ và Vật liệu mới trong Y tế đã nhận được sự quan tâm của của 70 đại biểu đến từ các Trường Đại học, các Viện Nghiên cứu,....

Qua Phiên thảo luận, các đại biểu đã có những những cái nhìn toàn diện về sự phát triển công nghệ thông tin trong y tế của Việt Nam, những thành tựu và khó khăn cũng như con đường để phát triển y tế thông minh ở Việt Nam, bên cạnh đó phần chia sẻ các diễn giả đã đề cập tới nhiều công nghệ tiên tiến đang nghiên cứu ở Nhật Bản có tiềm năng ứng dụng cao ở Việt Nam như Mũi điện tử để phát hiện hóa chất trong an toàn thực phẩm, phát hiện sớm ung thư; Khoa học tính toán trong sản xuất thuốc, giải trình gen người; Công nghệ Tế bào gốc và Túi ngoại bào trong điều trị ung thư và bệnh nan y; Sản xuất máy móc công nghệ “Make in Vietnam”.

Thông điệp nổi bật được đưa ra tại Phiên Thảo luận là cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa cơ quan của Việt Nam đặc biệt là Bộ Y tế với các nhà khoa học và công ty của người Việt Nam tại Nhật Bản trong việc ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong y tế và cộng đồng khoa học ở Nhật Bản thực sự mong muốn có những hỗ trợ về chính sách để nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, khám chữa bệnh cho người dân Việt Nam và tăng cường chất lượng quản trị y tế cho hệ thống y tế Việt Nam ngày một tốt hơn.

Các diễn giả bao gồm PGS.TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin Bộ Y tế; TS.BS. Phạm Nguyên Quý, Nghiên cứu viên Bệnh viện Đại học, Bác sỹ Bệnh viện Trung ương Kyoto Minoren Nhật Bản; TS. Ngô Huỳnh Thiện, Nghiên cứu viên, Viện Khoa học Vật liệu Quốc gia; GS. Trợ lý Trần Phước Duy, Trường Khoa học Đời sống, Đại học Công nghiệp Tokyo; GS. Trợ lý Vương Cát Khánh, Khoa Y, Đại học Tsukuba; và kỹ sư Nguyễn Kim Quyền từ công ty chuyên nghiên cứu và sản xuất thiết bị y tế Metran & Magos-nơi đã cho ra đời máy trợ thở cứu sống trẻ sơ sinh nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới.


Đỗ Đăng An
Ý kiến của bạn