Hoàn thiện thể chế số, cơ chế, chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển KTS, xã hội số
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và kết quả đạt được của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc CĐS quốc gia.
Đồng thời chỉ ra những khó khăn, hạn chế cần phải tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ trong thời gian tới: Xây dựng, sửa đổi thể chế, cơ chế, chính sách còn chậm, chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; kinh tế số, hạ tầng số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng; phát triển dữ liệu số chưa khắc phục được tình trạng "manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt, co cụm dữ liệu"; công tác an ninh mạng, an toàn thông tin nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa đạt mục tiêu đề ra; nhân lực cho chuyển dổi số, Đề án 06 còn chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều; công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội còn nhiều bất cập, chưa thường xuyên, liên tục, trọng tâm, trọng điểm.
Phó Thủ tướng khẳng định, để công cuộc chuyển đổi số quốc gia phát triển hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu và là động lực.
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, cơ quan liên quan, địa phương tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế số, cơ chế, chính sách ưu đãi, vượt trội thúc đẩy cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế (triển khai có hiệu quả Luật Giao dịch điện tử và Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Dữ liệu và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sau khi được ban hành). Tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và phát triển kinh tế số, xã hội số nói riêng.
Phát triển công nghệ số, dữ liệu số chất lượng cao; đồng thời chú trọng phát triển các lĩnh vực mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật…; đẩy mạnh tích hợp vào tất cả các hệ thống thông tin, các ứng dụng số, để cộng đồng doanh nghiệp, người dân được tiếp cận, ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số nhanh nhất, rẻ nhất, tiện lợi nhất, hiệu quả nhất, hiện đại nhất.
Thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và ứng dụng các sản phẩm "Make in Viet Nam", với giá thành rẻ hơn, tốt hơn, dễ tiếp cận hơn phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ và năng lực của người Việt Nam. Sản phẩm "Make in Viet Nam" phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và xuất khẩu ra thế giới, tạo năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm số.
Huy động các nguồn lực cho thúc đẩy nghiên cứu và phát triển; các tổ chức, doanh nghiệp phải tăng cường liên kết, hợp tác hiệu quả theo mô hình nhà nước - nhà nghiên cứu - nhà doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh và tự tin tiến ra chiếm lĩnh các thị trường quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy phát triển nhân lực số, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi và Đề án phát triển 50.000 nhân lực bán dẫn.
Phó Thủ tướng mong muốn thông qua sự kiện này, các nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và đại diện Bộ, ngành, địa phương sẽ nhận được nhiều kinh nghiệm quý, bài học hay. Đồng thời, kêu gọi các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đóng góp tích cực hơn vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo báo cáo của Google, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%), cao gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, năm 2024 dự kiến đạt 18,6%. Và sẽ đạt 25% vào năm 2025, đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Kinh tế số các ngành chỉ chiếm 40% trong kinh tế số, 60% là thuộc về công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Nhưng về lâu dài, kinh tế số các ngành phải chiếm tỷ trọng 70-80% trong kinh tế số. Phát triển kinh tế số các ngành là câu chuyện chính của kinh tế số Việt Nam. Lời giải cho tăng năng suất lao động Việt Nam là ứng dụng công nghệ số, là chuyển động số toàn diện và toàn dân, là phát triển kinh tế số.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Khi ứng dụng công nghệ số thì thay vì đặt trọng tâm vào công nghệ, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số hãy đặt trọng tâm vào việc muốn thay đổi gì cho doanh nghiệp mình để tạo ra giá trị mới".
Bình Dương hướng tới mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế số, xã hội số
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết, Bình Dương đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và CĐS, với sự quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền và sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp.
Bình Dương đã có 6 khu công nghiệp đang áp dụng nền tảng quản trị và điều hành thông minh của Tổng Công ty Becamex IDC; đang thực hiện chuyển đổi số tại các nhà máy sản xuất, điển hình như Orion, Takako, Vinamilk với các công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và mạng 5G, giúp doanh nghiệp thu thập dữ liệu theo thời gian thực, tự động hóa quy trình, tối ưu hóa nguồn lực và giảm tác động đến môi trường. CĐS trong lĩnh vực Logistics cũng được chú trọng với các giải pháp tự động hóa kho bãi và dịch vụ giao nhận, nhằm giảm chi phí logistics và nâng cao chất lượng dịch vụ; thương mại điện tử và thương mại xuyên biên giới cũng là hướng đi quan trọng trong kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh.
Bình Dương khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nền tảng số và các hoạt động thương mại điện tử, mở rộng thị trường và kết nối với các nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, bán dẫn cũng là ưu tiên chiến lược của Bình Dương.
Tỉnh đang hình thành Khu công nghệ thông tin tập trung và trung tâm dữ liệu, nhằm thu hút đầu tư vào các sản phẩm điện tử, công nghiệp vi mạch bán dẫn, IoT, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng; góp phần hình thành một vùng động lực công nghệ cao kết nối với các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Một trong những chiến lược Bình Dương hướng đến để tăng năng suất lao động là phát triển dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, hướng tới mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế số, xã hội số.
Bình Dương phấn đấu trở thành một trong những tỉnh, thành đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, các ngành dịch vụ chất lượng cao, với định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 phát triển hệ sinh thái đô thị - công nghiệp thông minh, trong đó kinh tế số, đổi mới sáng tạo đóng vai trò nòng cốt.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia đầu ngành, diễn giả đã chia sẻ những xu hướng, chính sách, kinh nghiệm thực tiễn và các khuyến nghị nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và xa hơn.
Trình bày chủ đề "Chuyển đổi số công nghiệp: Kinh nghiệm thực tiễn triển khai tại Becamex IDC", ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh cho biết, Becamex IDC đầu tư vào mạng lưới hạ tầng số hiện đại, bao gồm trung tâm dữ liệu và kết nối thông minh để hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện trong sản xuất. Các công nghệ IoT và AI được áp dụng để giám sát, tự động hóa và tối ưu hóa các quy trình, nâng cao năng suất và độ chính xác trong sản xuất. Becamex xây dựng hệ sinh thái số kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ chia sẻ dữ liệu, thúc đẩy sự cộng tác và nâng cao khả năng cạnh tranh cho toàn bộ khu công nghiệp. Song song đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực số, triển khai các chương trình đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng công nghệ, giúp nhân viên thích ứng và vận hành hiệu quả các công nghệ mới trong môi trường số hóa.
Mai Liên