Diện châm - phương pháp chữa bệnh hiệu quả hàng ngàn năm

28-08-2015 19:34 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Diện châm là phương pháp châm cứu vào các huyệt trên mặt để phòng hay chữa bệnh. Cách đây hàng ngàn năm người Trung Hoa phát hiện ra hệ thống kinh lạc trên cơ thể.

Diện châm là phương pháp châm cứu vào các huyệt trên mặt để phòng hay chữa bệnh. Cách đây hàng ngàn năm người Trung Hoa phát hiện ra hệ thống kinh lạc trên cơ thể.

Kinh lạc và huyệt là gì?

Kinh lạc là hệ thống đường chằng chịt trên cơ thể nối từ trong các tạng ra ngoài đầu các chi (kinh âm) và từ đầu các chi vào trong cơ thể (các phủ kinh dương). Các kinh đều qua vùng đầu mặt hoặc có liên hệ với vùng đầu mặt. Lạc là các đường ngang nối các kinh có liên quan giữa tạng và phủ đó. Tác dụng của hệ kinh lạc là để lưu thông khí huyết, kinh lạc cũng là đường dẫn thuốc, tà khí vào trong hay khi ta đuổi tà khí ra ngoài. Kinh lạc có tác dụng điều khiển và điều hòa hoạt động của các tạng phủ. Trên đường kinh có các điểm ra vào của kinh khí gọi là huyệt. Khi công năng các tạng phủ rối loạn cũng có thể biểu hiện ra các huyệt tương ứng, ngược lại châm cứu vào các huyệt đó có tác dụng điều chỉnh lập lại hoạt động bình thường của các tạng phủ.

Ngoài huyệt trên đường kinh, người Trung Hoa cũng phát hiện trên cơ thể có nhiều huyệt khác nữa, số huyệt trên 14 đường kinh chính là 722 huyệt. Tổng số huyệt trên cơ thể con người khám phá ra cho tới nay là trên 1.400 huyệt.

Ngoài các huyệt trên thân thể, khi ta châm cứu vào đó gọi là thể châm thì người Trung Hoa cũng phát hiện ra những vùng đặc biệt, có các huyệt đặc biệt đại diện cho các tạng phủ và cơ quan trên cơ thể. Thí dụ: Trên loa vành tai các điểm đại diện được bác sĩ người Pháp nối lại thành một hình bào thai lộn ngược mang tên ông - gọi là sơ đồ Paul Nogier. Các thầy thuốc cũng thường dùng các huyệt trên loa vành tai để tìm vị trí bệnh và châm vào đó để điều trị bệnh - gọi chung là nhĩ châm. Ở bàn tay, bàn chân cũng có các huyệt đại diện cho các tạng phủ khi tác động vào đó gọi là phương pháp bàn tay châm, bàn chân châm.

Trên đầu, trên mặt, trên mũi, mắt cũng có các huyệt đại diện cho các cơ quan khi ta tác động vào đó gọi là đầu châm, diện châm, tỵ châm...

Mỗi phương pháp có sở trường sở đoản, các thầy thuốc có thể dùng thể châm, hay nhĩ châm, đầu châm, diện châm mà có kinh nghiệm riêng trong việc linh hoạt sử dụng các huyệt để điều chỉnh sự rối loạn công năng của các tạng. Cũng xin nói ngay hệ kinh lạc và hệ thống huyệt hoàn toàn khác với hệ thần kinh, mạch máu trên cơ thể người mà y học hiện đại phát hiện.

Tại sao châm cứu có tác dụng trong phòng và chữa bệnh?

Nhiều nhà khoa học cố gắng chứng minh: nào là châm cứu làm biến đổi thể dịch, tăng hồng cầu, tăng bạch cầu, tăng đường, tăng corticoid, tăng endorphine trong máu. Châm cứu điều chỉnh hoạt động của thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Châm cứu tác động vào các cơ quan tiết đoạn thần kinh... Tất cả các giải thích trên đúng trong trường hợp này nhưng lại không đúng trong trường hợp khác. Theo cách giải thích của Đông y châm cứu có tác dụng là do nó có khả năng điều khí. Giải thích như vậy còn khó hiểu nhưng nó lại đúng cho mọi trường hợp. Cũng vì vậy ta hiểu giá trị của châm cứu là hữu hạn chứ không vô hạn. Nghĩa là có trường hợp dùng châm cứu được, cũng nhiều trường hợp dùng không có kết quả.

Về diện châm, trong Linh khu - ngũ sắc: Mặt có thể chia thành các khu vực: vùng lục phủ ngũ tạng, vùng cơ bắp... Ngũ sắc thể hiện ra từng vùng ở má, quan sát nó nổi hay chìm để biết độ nông sâu, quan sát độ thấm mềm thì biết thành hay bại, quan sát độ tản ra hay bó gọn vào thì biết được gần xa. Đây cũng là phương pháp "quan sát ngoại ứng để biết nội tạng".

Trong học thuyết kinh lạc đã chỉ rõ: đầu mặt là nơi quan trọng nhất của toàn thân.

Trong sách Linh khu tà khí tạng phủ bệnh hình viết: 12 kinh mạch, 365 lạc, khí huyết của nó đều từ mặt đi xuống khoang mũi. Tông khí của nó đi từ trên mũi xuống khíu... Bởi vậy sự biến hóa bệnh lý của các chi khớp, tạng phủ đều phản ảnh ra ở một khu vực nhất định trên mặt. Mũi ở giữa mặt, xưa gọi là Minh Đường, trong Linh khu - ngũ sắc có ghi: "Ngũ sắc độc quyết ở Minh Đường", "Mũi ở giữa mặt là đường vận hành khí huyết của toàn thân".

Có 7 huyệt chính giữa trán, mũi, môi trên. 17 huyệt đôi ở mũi, mắt, cạnh miệng, vùng gò má, mang tai.

Huyệt được gọi tên theo vùng:

- Huyệt đầu mặt: Nằm ở giữa trán, trên 1/3 từ lông mày đến chân tóc.

- Họng: Nằm ở 1/3 phía dưới từ giữa lông mày đến chân tóc.

- Phế: Nằm ở điểm giữa đường nối đầu trong 2 cung lông mày.

- Tâm: Nằm ở chỗ dưới cùng xương sống mũi.

- Can: Nằm ở phía dưới điểm cao nhất xương sống mũi.

- Tỳ: Nằm trên chỗ cao nhất của sống mũi.

- Tử cung - bàng quang: Nằm trên 1/3 trên rãnh nhân trung.

- Đởm: Nằm ở vùng phía dưới cạnh ngoài sống mũi.

- Vị: Nằm ở vùng liền cánh mũi.

- Tiểu trường, đại trường, vai, cánh tay: Nằm ở vùng gò má.

- Tay: Nằm phía dưới đằng sau xương quyền (gò má).

- Thận: Nằm ở điểm gặp nhau khi nối 2 đường - một đường từ thái dương xuống - một đường kẻ từ chân cánh mũi ra.

- Tiếng nói: Trùng với huyệt thính cung - nằm phía trước nhĩ bình.

- Đùi: Nằm 1/3 trên đường giữa dái tai và góc cổ dưới.

Nguyên tắc chọn huyệt để phòng chữa bệnh

- Dựa vào chẩn đoán bệnh ở cơ quan, tạng phủ nào.

- Căn cứ vào điểm phản ứng trên mặt (đỏ, tái, đau, nhức...).

- Cũng có thể biện chứng luận trị theo mối quan hệ tạng phủ trong ngũ hành tương sinh và tương khắc.

Tóm lại: Từ thời xa xưa con người đã khám phá ra các huyệt nằm trên mặt, các huyệt này đại diện cho một vùng hay một chức năng nhất định của cơ thể. Khi cơ quan bị bệnh có thể phản ảnh ra ngoài bằng sự thay đổi màu sắc hay tính nhạy cảm tại vùng đại diện của cơ quan đó. Cũng căn cứ vào đó, thầy thuốc có thể tác động châm cứu để điều chỉnh chức năng các cơ quan giống như trong châm cứu thể châm.

PGS.TS. Dương Trọng Hiếu

 

 


Ý kiến của bạn