Có rất nhiều người bị chứng đau. Đau “nhẹ nhàng” nhất là mỏi vai gáy, đau đầu, còn có những bệnh nhân phải chịu những cơn đau vật vã như ung thư giai đoạn cuối, đau sau mổ. Hiện tại, ngoài các biện pháp giảm đau bằng Tây y, đông y cũng có biện pháp điều trị giảm đau hiệu quả, tiết kiệm bằng điện châm. Báo Sức khỏe & Đời sống phỏng vấn TS. Nghiêm Hữu Thành - Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương - Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu cơ sở khoa học của điện châm trong điều trị một số chứng đau”.
PV: Tiến sĩ giải thích về chứng đau theo quan niệm của đông y như thế nào?
TS. Nghiêm Hữu Thành: Theo sách Nội kinh - Tố vấn có dẫn “Thông thì bất thống, thống tắc bất thông” có thể hiểu là: “khí huyết lưu thông trong kinh mạch bình thường thì không đau. Khi có đau thì chắc chắn là khí huyết không lưu thông bình thường, trong kinh mạch có sự ứ huyết, trệ khí”. Đau trong y học cổ truyền gọi là “Thống” thí dụ: như đau đầu là đầu thống, đau vai là kiên thống, đau gân gọi là cân thống, đau xương gọi là cốt thống, đau ngực gọi là hung thống, đau mạn sườn gọi là hung - hiếp thống, đau dạ dày là vị quản thống. Điều trị đau là cả một vấn đề khó mà cả giới Đông y hay Tây y đã và đang đi sâu nghiên cứu và tìm tòi hướng giải quyết. Trong những năm gần đây, giới Tây y trên thế giới có xu hướng trở về phương Đông nghiên cứu các phương pháp chống đau của Đông y, trong đó châm cứu là một phương pháp chống đau có hiệu quả mà không độc hại và tiết kiệm được chi phí cho người bệnh đang được đi sâu nghiên cứu.
TS. Nghiêm Hữu Thành (bên phải ảnh) giảng cho các học viên người nước ngoài tại Bệnh viện Châm cứu TW. Ảnh: Thái Sơn |
PV: Như vậy, điện châm sẽ tác động lên cơ thể để giảm các chứng đau như thế nào?
TS. Nghiêm Hữu Thành: Khi đau cơ thể phản ứng bằng cách tăng sản xuất các chất nội tiết làm tăng ngưỡng đau. Khi kích thích vào các huyệt trên các đường kinh lạc sẽ làm cơ thể tăng tiết các chất hóa học trung gian làm tăng ngưỡng đau giúp cơ thể chống đau. Phương pháp điện châm sẽ kích thích vào một số huyệt vị sẽ tác động lên chức năng tế bào nội tiết ở vùng dưới đồi, thể lưới thân não làm tăng sản xuất các Endomorphin, Enkaphalin có tác dụng chống đau mạnh (nói theo đông y là làm thông kinh hoạt lạc, điều hòa khí huyết), giúp cơ thể tăng các chất nội tiết có lợi cho giảm đau. Ví dụ: Điện châm chữa đau dạ dày (vị quản thống) thì dùng các huyệt thượng quản, trung quản, cự khuyết, chương môn, nội quan, vị du, tỳ du, túc tam lý do những huyệt này có tác dụng điều khí, sơ thông kinh lạc tỳ, vị, can. Khi khí hành thì huyết hành; khí huyết lưu thông thì hết đau, hết đầy hơi, ợ hơi. Ưu điểm của điện châm là rung kim kết hợp với tác dụng của dòng xung điện nhỏ không gây đau như vê kim bằng tay, đồng thời nó tạo được cảm giác dễ chịu, dẫn khí tốt hơn nên điện châm trở thành phương pháp chủ lực trong châm cứu hiện nay.
PV: Hiện nay phương pháp điện châm được dùng để điều trị các chứng đau nào, thưa TS?
TS. Nghiêm Hữu Thành: Chúng tôi áp dụng phương pháp điện châm để điều trị các loại đau do cơ khớp như đau cơ khớp vai, do thoái hóa khớp vai hoặc tổn thương các dây chằng khớp vai; đau cơ khớp, đau cột sống cổ do thoái hóa; đau cơ khớp vùng thắt lưng do thoái hóa cột sống thắt lưng; đau nội tạng như đau dạ dày do viêm loét; đau đầu do nhiều nguyên nhân khác nhau: đau do co cứng các khối cơ do gió, lạnh; đau do ung thư như ung thư vòm họng và đau sau mổ.
PV: Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là gì?
TS. Nghiêm Hữu Thành: Có rất nhiều bệnh nhân bị bệnh mạn tính như đau đầu, đau do ung thư..., đã phải sử dụng nhiều thuốc Tây y nhưng thuốc Tây y có nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến chức năng gan và thận, đôi khi rất đắt tiền. Khi sử dụng phương pháp điện châm để điều trị, họ có đáp ứng rất tốt. Với các trường hợp đau sau phẫu thuật kết hợp sử dụng thuốc Tây y và châm tê cũng rất hiệu quả. Hơn nữa, phương pháp này vừa an toàn, vừa tiết kiệm. Dùng điện châm để chữa bệnh ít khi có phản ứng phụ. Đặc biệt những chứng đau mạn tính với người cao tuổi sẽ tương đối an toàn. Mỗi lần điện châm chỉ hết 15.000 đồng. Một lộ trình điều trị thường kéo dài từ 15 - 30 ngày. Khi đau tái phát, bệnh nhân có thể quay lại để điều trị tiếp theo phương pháp này.
PV: Trân trọng cảm ơn TS!
Minh Thu (thực hiện)