Theo đó, căn cứ vào yếu tố dịch tễ, kết quả xét nghiệm của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Điện Biên kết luận, bệnh nhân Thào Thị D (2 tuổi, có địa chỉ tại xã Pu Xi, huyện Tuần Giáo) không mắc bệnh than.
Trước đó bệnh nhân được ghi nhận có tình trạng sốt, nôn mửa, trên cánh tay trái xuất hiện nốt tím đen và ngứa.
Sau 1-2 ngày, nốt tím đen to lên và có mủ, gia đình đã đưa bệnh nhân đến nhà người quen tại huyện Tủa Chùa để bó thuốc, sau đó vẫn không đỡ. Sau khi đưa đến cơ sở y tế, bệnh nhi được chuẩn đoán viêm phổi, mắc bệnh than.
Trước đó, từ ngày 5-30.5, trên địa bàn huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đã ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than thể da với 13 trường hợp mắc bệnh. Trong đó có 1 ổ dịch tại xã Mường Báng và 2 ổ dịch tại xã Xá Nhè.
Sở Y tế đã cử đoàn công tác, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa triển khai các biện pháp lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần, lấy mẫu trên trâu bò và môi trường (đất) để xét nghiệm.
Đến nay đã xác định các mẫu đất và trâu, bò đều dương tính với vi khuẩn bệnh nhiệt than. Các biện pháp xử lý môi trường đang được khẩn trương tiến hành.
Để chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh Than từ động vật sang người, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu Sở Y tế phối hợp cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh cho các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh để tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh Than từ động vật sang người; đặc biệt chú ý những khu vực có nguy cơ cao và những người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ trâu, bò. Khuyến cáo người dân không giết mổ và sử dụng thực phẩm từ trâu, bò, ngựa do ốm chết, không rõ nguồn gốc.
Khẩn trương điều tra dịch tễ, xác minh nguồn lây ca bệnh tại xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo; kịp thời có biện pháp xử lý, khoanh vùng dịch bệnh hiệu quả. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe của những người tham gia giết mổ và sử dụng cùng nguồn thịt trâu, bò với các trường hợp mắc nói trên và những người tiếp xúc gần với ca bệnh; thực hiện điều trị dự phòng, phát hiện sớm, thu dung kịp thời điều trị các trường hợp phát bệnh; xử lý môi trường tại khu vực có ổ dịch theo quy định.
Tăng cường phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc giám sát phát hiện bệnh Than trên động vật để kịp thời có các biện pháp dự phòng trên người; phối hợp trong công tác điều tra, truy vết, xử lý ổ dịch Than trên động vật.
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh chuẩn bị cơ sở vật chất, vật tư y tế, trang thiết bị sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Kịp thời thông báo cho y tế tuyến trên để điều tra, khoanh vùng, xử lý dứt điểm ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng...