Diễn biến phức tạp của lao kháng thuốc

07-11-2014 17:06 | Thời sự
google news

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG), mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác chống lao trong thời gian qua...

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG), mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác chống lao trong thời gian qua, bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong những vấn đề sức khỏe chính trên toàn cầu. Đặc biệt, tình hình dịch tễ lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp và đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia. Năm 2012, trên toàn cầu, ước tính tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc là 3,6% trong số bệnh nhân lao mới và 20% trong số bệnh nhân điều trị lại.

Bệnh lao gây ra bởi vi khuẩn có tên là Mycobacterium tuberculosis và thường gây bệnh ở phổi. Bệnh lao có thể chữa khỏi và phòng tránh được. TCYTTG ước tính, năm 2013, trên toàn cầu có khoảng 12 triệu người hiện mắc lao; 8,6 triệu người mới mắc lao; 13% trong số mắc lao có đồng nhiễm lao/ HIV. Bệnh lao là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,3 triệu người tử vong do lao. Trên 95% số ca tử vong do lao trên toàn cầu xảy ra ở các nước có mức thu nhập thấp và trung bình. Bệnh lao nằm trong số 3 bệnh gây tử vong hàng đầu cho phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 44 và mỗi năm có khoảng 410.000 phụ nữ chết do lao.

Chăm sóc bệnh nhân mắc lao.

Tình hình lao kháng thuốc tại Việt Nam

Tại Việt Nam, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, chúng ta đã bắt đầu triển khai các hoạt động chống lao từ năm 1957 với việc thành lập Viện Chống lao Trung ương (nay là Bệnh viện Phổi Trung ương). Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam được thành lập năm 1986 và chiến lược DOTS (về điều trị có kiểm soát trực tiếp) được áp dụng từ năm 1992. Năm 1995, Chính phủ Việt Nam tuyên bố phòng chống lao là ưu tiên quốc gia. Chương trình Chống lao Quốc gia đạt được độ bao phủ toàn bộ về địa lý vào năm 2000 và là một trong những chương trình thành công nhất về kết quả điều trị với tỷ lệ điều trị thành công các ca bệnh lao AFB dương tính mới liên tục đạt trên 90% từ năm 1998. Mặc dù đạt được kết quả này nhưng Việt Nam vẫn xếp thứ 12 trong số 22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Điều tra hiện mắc lao toàn quốc lần thứ nhất (2006-2007) cho thấy tỷ lệ hiện mắc lao AFB dương tính chung cho mọi lứa tuổi ở mức 145/100.000 dân. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, Việt Nam có khoảng 130.000 bệnh nhân lao mới (199/100.000 dân) và đặc biệt có tới 18.000 tử vong do bệnh lao mỗi năm. Việt Nam cũng nằm trong nhóm 27 quốc gia có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc (MDR-TB) cao chiếm khoảng 85% số ca bệnh lao kháng thuốc ước tính trên toàn cầu (3.500 ca lao kháng đa thuốc/năm). Tại Hà Nội, từ ngày 08 - 10/10/2013, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo đa quốc gia để phân tích số liệu điều tra lao kháng thuốc trong khu vực. Chương trình Lao và cán bộ quản lý dữ liệu của các nước Việt Nam, Philippines, Papua-New Guinea, Buthan và Myanma đã sử dụng bộ dữ liệu gần đây nhất của quốc gia mình cho phân tích chuyên sâu do nhóm chuyên gia dịch tễ học của chương trình Lao Toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva hướng dẫn. Các cuộc điều tra kháng thuốc cung cấp thông tin quý giá về tỉ lệ lao kháng thuốc tại các quốc gia. Việt Nam đã hoàn thành cuộc điều tra Lao kháng thuốc lần thứ 4. Theo báo cáo về tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam năm 2012 của Chương trình chống lao quốc gia thì tỷ lệ bệnh nhân lao kháng đa thuốc trong nhóm bệnh nhân mới là 2,7% và trong nhóm bệnh nhân điều trị lại chiếm 19%.

Vì sao vi khuẩn lao kháng thuốc?

Bệnh lao kháng thuốc là hiện tượng vi khuẩn gây ra bệnh lao có thể phát triển để kháng các loại thuốc thường dùng để điều trị bệnh, thường kháng với các thuốc kháng sinh chống lao chủ yếu (hàng thứ nhất) như: isoniazide, rifampicine, pyrazinamide, ethambutol và streptomycine. Lao kháng đa thuốc là bệnh lao đã kháng lại với ít nhất 2 thuốc là isoniazide và rifampicine, hai loại thuốc chống lao mạnh nhất. Đa kháng thuốc là hiện tượng rất nguy hiểm vì việc chữa lao trở nên rất khó khăn, kéo dài, tốn kém, nguy cơ tử vong cao và cũng là nguồn lây rất nguy hại cho gia đình cũng như cộng đồng.

Nguyên nhân đầu tiên gây ra kháng đa thuốc là sự quản lí không tốt việc điều trị bệnh lao và lây từ người sang người. Phần lớn bệnh nhân lao sẽ được chữa khỏi nếu tuân thủ tốt liệu trình điều trị đúng phác đồ, đủ liều, đều đặn, đủ thời gian và theo dõi một cách nghiêm ngặt. Việc sử dụng không đúng hay không hợp lý thuốc chống lao hoặc sử dụng các thuốc kém hiệu quả và việc ngừng điều trị trước thời hạn (dùng không đúng phác đồ phối hợp thuốc, điều trị thuốc không đều, không đủ thời gian) sẽ làm cho vi khuẩn phát sinh những đột biến kháng thuốc, những vi khuẩn lao kháng thuốc này có thể lây lan sang người khác.

Ở một số nước, việc điều trị lao kháng thuốc đang trở nên ngày càng khó khăn. Các phương pháp điều trị đều hạn chế và rất tốn kém, các thuốc khuyến cáo thì không phải lúc nào cũng sẵn có và bệnh nhân sẽ phải chịu nhiều tác dụng phụ của thuốc. Trong một số trường hợp, có thể phát triển thành lao siêu kháng thuốc. Lao siêu kháng thuốc (XDR-TB) là một dạng lao kháng đa thuốc và kháng thêm với 1 trong những thuốc tiêm dòng thứ 2 amikacin, kanamycin, capreomycin và kháng một trong những kháng sinh nhóm quinolon (ofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin) mà chỉ đáp ứng với rất ít các loại thuốc. Cho đến nay, đã có 92 quốc gia báo cáo có ca bệnh lao siêu kháng thuốc.

Phương pháp nào ngăn chặn lao kháng thuốc?

Chữa khỏi bệnh nhân lao ngay từ khi họ mới bị bệnh lần đầu, bệnh nhân cần phải tuân thủ điều trị một cách nghiêm ngặt.

Ðảm bảo việc chống nhiễm khuẩn phù hợp ở những nơi bệnh nhân điều trị, tăng cường xét nghiệm phát hiện vi khuẩn lao kháng thuốc đặc biệt ở nhóm bệnh nhân lao tái trị.

Ðảm bảo việc sử dụng hợp lý các thuốc chống lao hàng hai để điều trị lao kháng thuốc.

PGS.TS. Nguyễn Đình Tiến

 

 


Ý kiến của bạn