Điện Biên Phủ và Tướng Giáp qua mắt nhà làm phim quốc tế

07-05-2012 09:46 | Thời sự
google news

“Kế hoạch tác chiến của Tướng Giáp quả là không thể tin được, vì tất cả chúng tôi đều không nghĩ là địch rất mạnh. Không ai nhìn thấy pháo, và cũng không đoán được chúng nằm ở đâu. Một sĩ quan pháo binh của chúng tôi đã hốt hoảng tự sát.

“Kế hoạch tác chiến của Tướng Giáp quả là không thể tin được, vì tất cả chúng tôi đều không nghĩ là địch rất mạnh. Không ai nhìn thấy pháo, và cũng không đoán được chúng nằm ở đâu. Một sĩ quan pháo binh của chúng tôi đã hốt hoảng tự sát. Thật đáng kinh ngạc!” (Lời của cựu Trung tá Bizon, chỉ huy binh đoàn dù của Pháp tại Điện Biên Phủ).

Tướng Giáp trong vai người dẫn truyện

Bộ phim tài liệu dài 50 phút có tựa đề: Điện Biên Phủ - Cuộc chiến 56 ngày đêm làm thay đổi thế giới do hãng NDN của Nhật sản xuất. Phim đã được đài NHK phát sóng trên toàn nước Nhật và 2 lần qua vệ tinh toàn cầu, khiến không ít người dân Nhật và bạn bè quốc tế thực sự “tâm phục, khẩu phục”.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới (1950).    Ảnh: TL
Có lẽ điều đặc biệt làm nhiều người quan tâm chính là sự xuất hiện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách là người dẫn truyện cho bộ phim. Hơn thế, những lời kể của vị Đại tướng là một nhân chứng sống, vị Tổng tư lệnh tối cao trực tiếp chỉ huy chiến đấu tại chiến trường, càng làm tăng thêm tính chân thực lịch sử của phim. Theo lời kể của người thư ký, trước khi nhận lời tham gia, Đại tướng đã xem rất kỹ đĩa phim và nhận xét rằng: Đây là bộ phim hay, trung thực và thể hiện được trọn vẹn diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đạo diễn nổi tiếng về phim chiến tranh Nhật Bản Matsumoto đã đi từ ngạc nhiên, bất ngờ đến khâm phục ngay từ lần đầu tiên được gặp Đại tướng tại nhà riêng. Mặc dù trước đấy ông đã sang Việt Nam và Pháp để gặp nhiều nhân chứng lịch sử đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 50 năm về trước.

Phim bắt đầu từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận lệnh lên Điện Biên Phủ trực tiếp chỉ huy chiến dịch, đã đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc ra về, vừa bắt tay, Bác vừa căn dặn: “Chắc thắng hãy đánh, không chắc thắng không đánh”. Rồi Tướng Giáp tiếp tục kể, quân Pháp quyết định xây dựng một cứ điểm “bất khả chiến bại” ở vùng Tây Bắc, cách biên giới Lào chừng 15km theo đường chim bay hòng ngăn chặn sự mở rộng của phía Việt Nam ra vùng tự do. Đấy chính là cứ điểm Điện Biên Phủ nằm gọn giữa thung lũng Mường Thanh, bao quanh là đồi núi, rất khó tiếp viện người và vũ khí bằng đường bộ. Cứ điểm gồm 45 trận địa nhỏ bao quanh trung tâm chỉ huy của quân viễn chinh Pháp, với số quân lên tới 16 ngàn.

 Tướng Giáp chào những đoàn quân thắng trận Biên giới trở về (1950).  
Trước khi vị Tổng tư lệnh có mặt tại Sở chỉ huy chiến dịch, tâm lý e ngại chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh” dần lan ra không ít sĩ quan chỉ huy và chiến sĩ của chúng ta. Tướng Giáp một mặt vừa động viên chiến sĩ, mặt khác ngày đêm đã cho trinh sát nắm chắc tình hình chiến trường, nhất là quy luật di chuyển của quân Pháp. Sau khi nắm đầy đủ thông tin một cách chắc chắn, Đại tướng kết luận: “Đối đầu với quân Pháp mạnh như vậy không thể thắng được, mà chỉ hy sinh vô ích”. Thay vào đó là chủ trương “đánh chắc, tiến chắc”.

Để thực hiện được mục tiêu đó, quân đội và nhân dân ta đã bí mật đưa người, lương thực, vũ khí và hơn 20 khẩu pháo 105 ly lên Điện Biên Phủ với biết bao công sức, kể cả sự hy sinh tính mạng, của bộ đội và dân công hỏa tuyến.

Chỉ trong vòng 1 tháng, bộ đội và dân công Việt Nam, với hệ thống giao thông hào dày đặc, đã bao vây quân Pháp ở một cự ly rất gần, khiến chúng không thể ngờ tới. Đại tướng kể lại rằng, chờ đến khi quân Pháp nghĩ là quân đội Việt Nam chắc không đánh nữa, thì ông mới hạ lệnh tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, mục tiêu đầu tiên là cứ điểm Him Lam. Chiến dịch 56 ngày đêm kết thúc thắng lợi với sự đầu hàng vô điều kiện của viên chỉ huy tối cao quân đội Pháp là Tướng De Castries,...

Và trong mắt của người bên kia chiến tuyến

Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi là bộ phim tài liệu của đạo diễn người Pháp được hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đạo diễn Daniel Roussel từng có mặt tại Việt Nam trước đây trong tư cách là phóng viên thường trú tại Việt Nam thời kỳ 1980 - 1986 của báo Nhân đạo (Cộng hòa Pháp). Ông cũng đã từng đạo diễn nhiều bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam như: Những người mất tích, Tù binh Mỹ ở Hà Nội - Hilton,...

Vì lý do công việc, một thời gian khá lâu sau Roussel mới có điều kiện trở lại Việt Nam để thực hiện bộ phim về Điện Biên Phủ. Năm 1991, lần đầu tiên ông được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngay lần gặp này, ông đã chia sẻ cảm xúc của mình: “Tôi là một trong số rất ít đạo diễn đã có nhiều thời gian được trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi biết là vào lúc đó, tôi đang nói chuyện với lịch sử, một con người vĩ đại. Tôi biết đang đứng trước mặt tôi là con người đã làm thay đổi lịch sử của dân tộc Việt Nam và cũng là một phần của thế giới. Tôi đã lắng nghe ông một cách chăm chú, và như người Pháp hay nói, tôi như uống từng lời Đại tướng nói ra, tôi ghi chép rất nhiều, tôi quay phim, tôi đã quay hàng giờ, hàng giờ phỏng vấn Đại tướng”.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại đồng bào ở Điện Biên Phủ năm 1994.
Ở phim này, đạo diễn người Pháp không chỉ nói về một vị tướng kiệt xuất đã từng chỉ huy quân đội Việt Nam đánh bại quân Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ cách đây hơn nửa thế kỷ, mà ông còn muốn khắc hoạ chân dung một con người bình dị, dễ gần và đặc biệt là có khiếu hài hước, nhưng vô cùng sâu sắc. Một lần, khi đạo diễn Daniel Roussel hỏi, lão Đại tướng trả lời bằng tiếng Pháp về một thực tế ở Nam Bộ, Việt Nam có gia đình định thôi không đẻ nữa, nên đặt tên đứa cuối cùng là Út, nhưng sau đó trót nhỡ đành đặt tên đứa bé là Út 2, rồi sau đó là Út 3, Út 4 và còn nhiều Út nữa. Như vậy là luôn có đứa con cuối cùng của cuối cùng. Còn anh, anh luôn bảo là câu cuối cùng, như vậy là luôn luôn có một câu cuối cùng của cuối cùng,...

 Theo dự định, đạo diễn Daniel có thể sẽ làm tiếp phim tài liệu về những người lính Việt Nam mất tích trong chiến tranh chống Mỹ và một bộ phim về những người lính quay phim của điện ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong chiến tranh. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam của ông đạo diễn Pháp này luôn thể hiện một cái nhìn khách quan, nhiều chiều về các sự kiện lịch sử, nhất là những cái mốc như chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Qua bộ phim Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi, ông muốn thế giới hiểu rõ sự bất khuất, kiên cường của con người Việt Nam trong chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước và sự đôn hậu, thủy chung, cần cù, sáng tạo trong lao động dựng xây cuộc sống hôm nay. Đồng thời ông còn muốn đem đến cho người xem những hình ảnh về một đất nước nhiệt đới thanh bình, quanh năm bốn mùa hoa trái, người dân mến khách. Những phẩm chất đó, ít nhiều được kết tinh trong người con ưu tú của dân tộc Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bạch Dương


Ý kiến của bạn