Hà Nội

Điện Biên Phủ và ký ức sáu mươi năm nơi ông từng có mặt

03-05-2014 21:31 | Thời sự
google news

SKĐS - Hằng năm, cứ đến ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), ông lại lặng lẽ ngồi bên chiếc bàn nhỏ kê ngay ngắn nơi góc phòng ngủ hướng nhìn ra khu vườn.

Hằng năm, cứ đến ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), ông lại lặng lẽ ngồi bên chiếc bàn nhỏ kê ngay ngắn nơi góc phòng ngủ hướng nhìn ra khu vườn. Bàn tay run rẩy, ông cầm bút ghi lại những dòng ký ức về những năm tháng ở chiến trường Điện Biên Phủ ác liệt mà hào hùng. Nơi ấy, đã qua 60 năm ông có mặt và tự hào được tham gia chiến dịch lịch một vòng khép kín từ khi mở màn đến khi kết thúc áp giải tù binh. Đó là những kỷ niệm không thể phai mờ trong tâm trí người lính già dù có “sức tàn, lực kiệt”.

Nhiệm vụ đặc biệt lúc nửa đêm

Chiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng (SN 1936) sinh ra và lớn lên tại thị xã Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1952 ông tham gia đội quân tình nguyện Lào, một năm sau thì trở về chiến trường Việt Nam. Là lính trẻ ông hăng hái cùng đồng đội hành quân từ đồng băng Quân khu IV vượt qua bao suối sâu, đèo cao trên chặng đường dài lên Tây Bắc bổ sung vào trung đoàn 174, đại đoàn 316, bắt đầu những ngày tháng tập luyện, chiến đấu gian khổ mà đầy hào hùng.

Ông Thắng với những hồi ức một thời tại chiến trường Điện Biên PhủÔng Thắng với những hồi ức một thời tại chiến trường Điện Biên Phủ

Ông Thắng với những hồi ức một thời tại chiến trường Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ được mở màn bằng trận đánh thắng ròn rã của quân ta tại đồi Him Lam vào chiều ngày 13/3. Tiếp mạch, ta mở rộng các mặt trận trên toàn tuyến. Gia nhập đơn vị mới, ông nhanh chóng bắt nhịp cùng đồng đội chiến đấu giành giật với địch từng tấc đất, từng bụi cỏ khóm cây. Ngày nắng cũng như đêm mưa, cứ chiều tối các chiến sĩ lại khoác súng bên vai, tay cuốc tay xẻng lên đường làm nhiệm vụ, vừa đào hầm, vừa chiến đấu. Chỉ một thời gian ngắn, cát sỏi miền Tây Bắc đã làm chân tay các chiến sĩ phồng rộp, rớm máu

Ông tiếp mạch hồi ức với ánh mắt bỗng sáng ngời, “quyết tâm một tấc không đi, một ly không rời” quân ta chống trả quyết liệt, Pháp buộc phải lui vào co cụm dần, ta càng xiết chặt vòng vây, trận địa càng thu hẹp!”. Nguồn tiếp tế duy nhất bằng bằng hàng không của chúng cũng bị pháo cao xạ ta khống chế. Quân Pháp phải bay cao thả dù trong phạm vi hẹp, vì thế nguồn tiếp tế rơi vào trận địa của ta ngày càng nhiều. Địch lại thêm thiếu thốn vật chất, tinh thần hoang mang. Tin thắng trên toàn tuyến báo về liên tục. “Những người lính trẻ chúng tôi càng nghe tin thắng trận đánh lại càng hăng!”, cụ Thắng nhớ lại.

Khí thế chuẩn bị của quân, dân ta những ngày cuối chiến dịch càng khẩn trương, sôi động. Những người lính rỉ tai nhau đoán già đoán non “hình như sắp đánh lớn”. Đang kháo nhau thì cả đơn vị bất ngờ nhận được thông báo được nghỉ một đêm. Ai cũng vui mừng vì được “xả hơi” sau những ngày đêm gian khổ. Lại là lính trẻ, phút nghỉ ngơi với ông vô cùng quý giá. Đây là thời khắc nhớ về gia đình qua những cánh thư, là lời yêu thương của người bạn gái nơi quê nhà qua những kỉ vật. Đây được xem như những liều thuốc tiếp thêm tinh thần cho cuộc chiến tiếp theo. Bất chợt gần nửa đêm, khi vừa chợp mắt ông nhận được lệnh gọi đích danh, cùng một vài chiến sĩ khác đi nhận nhiệm vụ. Chấp hành mệnh lệnh khẩn cấp chỉ với một thông tin “có gì che mưa mang theo”, ông cùng đồng đội được dẫn đi xuyên qua những hầm, hào với quãng đường khá xa. “Đến nơi tập trung, tôi đã thấy các đồng đội ở đơn vị khác cũng có mặt, tôi còn thấy một số người hình như là cố vấn quân sự của Trung Quốc đang kiểm tra một khối lượng lớn các bọc màu trắng có hình vuông, to chừng gấp đôi chiếc bánh chưng, nặng khoảng 20kg”, ông Thắng nhớ lại.

Ông và đồng đội được giao mỗi người một bọc và cặn dặn phải hết sức bí mật trên đường di chuyển. Nhận xong, tất cả các chiến sĩ mang vác trên vai đi theo sự hướng dẫn của chỉ huy băng qua các hầm hào hướng đến cứ điểm đồi A1. Việc di chuyển trong hào cũng hết sức khó khăn vì phần lớn là đường hào nhỏ hẹp và phải khom lưng khi di chuyển. Trên đầu, pháo sáng của địch vẫn lập lòe cùng tiếng đại bác cầm canh. “Để cho đỡ mỏi tôi hết vác lên vai rồi lại kẹp nách, cố gắng không để xảy ra sơ xuất gì”. Đến nơi tập kết tại một hầm kín, sau khi bàn giao ông cùng đồng đội trở về thì trời cũng đã gần sáng. Về tới mặt trời đã lên cao quá nửa cây sào, ông lại hòa vào đơn vị tiếp tục nhiệm vụ.

Tấn công vào sào huyệt

Sau hôm đó vài ngày, toàn đơn vị nhận được lệnh tập trung khẩn cấp. Cả đơn vị được bố trí ngồi theo hình cánh cung dưới chân một quả đồi ngay gần nơi đơn vị đóng quân. Ở giữa là sa bàn về cứ điểm đồi A1 và đường vào sân bay Mường Thanh. Tất cả được bố trí tỉ mỉ, rành mạch, rõ ràng, dễ nhận biết. Lúc này ông mới nhận ra, bọc màu trắng được ông và các chiến sĩ mang vác hôm được giao nhiệm vụ đặc biệt lúc nửa đêm chính là khối thuốc nổ khổng lồ 1.000 kg sẽ được quân ta dùng để nổ căn cứ hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân đội Pháp đóng trên đồi A1.

Với tinh thần dốc sức, dốc lòng cho trận đánh lớn, sau buổi tập trung không khí chuẩn bị của các đơn vị càng khẩn trương, chu đáo. Ông mang đôi giày vải để dành từ lâu ra khâu lại cho chắc chắn. Vũ khí, quân trang cũng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Tất cả đã sẵn sàng chờ ngày xuất quân. Trong những ngày hiếm hoi đó, ông cùng đồng đội mới có dịp tâm sự với nhau về gia đình, về quê hương, cùng nhau hẹn nhau sau trận đánh sẽ gặp lại.

Sáng ngày 6/5/1954 nhận được lệnh xuất quân, quá trưa, đơn vị ông cùng các đơn vị bạn đã tập trung đông đủ tại trận địa. Trời nắng như thiêu đốt, bụi mù mịt vẫn không làm giảm tinh thần của các chiến sĩ. Ông cho biết, trước giờ vào trận đánh lớn, các đơn vị nhận được lời thăm hỏi, động viên, nhắc nhở, dặn dò của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khiến tinh thần ai cũng phấn chấn, không nề hà gian khổ, hy sinh.

Trời chuyển dần về tối, không khí tại mặt trận im lặng khác thường, thỉnh thoảng mới nghe tiếng loa nhắc nhở của các chỉ huy. Tất cả như nín thở hồi hộp chờ lệnh. Trong sự yên lặng khó tưởng, bỗng tia sáng như chớp kèm tiếng nổ lớn vang lên, rung chuyển cả một vùng đồi, đó chính là tiếng nổ của khối bộc phá 1 tấn được ông và các chiến sĩ mang vác lên đồi A1. Tiếp theo tiếng nổ tấp cập là lưới lửa pháo binh khống chế các loại hỏa lực của địch để bộ binh vượt đột phá khẩu, chiếm lĩnh trận địa. Lúc này, các hỏa lực của địch nhất là trận địa pháo ở Hồng Cúm đáp trả một cách mãnh liệt. Mặc dù trời đã tối nhưng pháo ta và pháo địch tạo ra bầu trời lửa sáng rực như ban ngày, “đến cây kim cũng nhìn thấy rất rõ”, ông hồi ức.

Nhanh như chớp, các đơn vị công binh vượt qua các làn đạn dày đặc của địch vượt dốc trơn trượt lên sườn đồi A1 để chiếm lĩnh trận địa. Tại đây, trận chiến của ta và địch vô cùng ác liệt. Hỏa lực của chúng bắn ra xối xả hòng ngăn bước tiến của ta, song với mưu trí, quyết tâm và không sợ hy sinh các chiến sĩ tiếp tục xông lên áp sát và tiêu diệt các hỏa lực của địch để dành trận địa và tiến sâu vào sào huyệt. Qua nhiều giờ giành giật, cả hai bên đều tổn thất, địch tổn thất nặng buộc phải lui dần về phía sau. Sang tới trưa ngày 7/5 địch phải co cụm tại sân bay Mường Thanh. Trong cơn tuyệt vọng chúng chống trả một cách điên cuồng. Lúc này mũi tấn công chính của ta tiếp tục dồn ép, đồng thời một số đơn vị chia thành từng tổ áp sát vào các ổ hỏa lực của chúng buộc chúng phải ra hàng. Càng về trưa tiếng súng càng thưa dần, quá trưa sang chiều quân ta tiến sâu vào sào huyệt, hang ổ cuối cùng của tập đoàn cứ điểm Mường Thanh, bắt sống viên chỉ huy Đờ - Cát, bộ Tổng tham mưu cùng cả vạn tù binh cúi đầu ra hàng.

Đối với ông, những khoảnh khắc đó mãi khắc sâu trong tâm trí…Giữa mênh mông đầy nắng gió của bầu trời chiều Tây Bắc xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nóc hầm Đờ - Cát báo hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài 56 ngày đêm đã kết thúc thắng lợi.

Một số ảnh tư liệu về Điện Biên Phủ

Một số ảnh tư liệu về Điện Biên Phủ

Gian nan áp giải tù binh

Kết thúc chiến dịch đơn vị ông lại nhận nhiệm vụ mới áp giải tù binh từ Điện Biên về Tổng trại đóng trong Thanh Hóa. Nhiệm vụ này cũng gian nan không kém ngoài trận địa. Lực lượng tù binh lên tới hàng vạn trong khi đó lực lượng lính áp giải thì mỏng. Mỗi chiến sĩ phải áp giải cả hàng chục tù binh trong điều kiện không bị trói buộc. Trong khi đó, máy bay địch luôn bay địch luôn bay theo dõi trên chặng đường đi. Có lúc chúng thả truyền đơn, thả dù để trấn an tinh thần tù binh.

Chúng cũng biết đến chế độ nhân đạo đối với tù binh của Đảng ta, không cùm kẹp, không đánh đập, nên chúng rất liều lĩnh và liên tục gây rối. Chúng vây quanh các chiến sĩ đòi ưu sách, giả ốm, đòi đánh, cướp súng các chiến sĩ. Chúng còn bỏ trốn vào bản gây rối, rồi gây các mùi hôi thối, khét lẹt khiến các chiến sĩ không thể ăn cơm. Tuy nhiệm vụ không vất vả nhưng đòi hỏi các chiến sĩ phải luôn luôn cảnh giác cao độ, kiên trì đảm bảo an toàn cho cả hành trình. Trong đơn vị ông có đồng chí Đặng Võ, Chính trị viên, đại đội phó là người Nam Bộ, dáng người mảnh khảnh và cận thị nặng, ông rất giỏi tiếng Pháp nên thường xuyên tập trung tù binh phổ biến, nhắc nhở tù bình để chúng chấp hành. Cuối cùng cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách an toàn đưa tù binh về tổng trại trên chặng đường dài hàng trăm km.

Không phải chiến sĩ nào cũng vinh dự vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, vừa trực tiếp áp giải tù binh trong một chiến dịch lịch sử như ông Nguyễn Xuân Thắng. Ông tự hào đã góp phần bé nhỏ làm nên “thiên sử vàng”, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc.

Thanh Thảo

 


Ý kiến của bạn