Theo thông tin mới nhất từ cơ quan khí tượng, lúc 13 giờ ngày 10/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 220km về phía Đông, cách Quảng Ninh khoảng 250km về phía Đông Nam, cách Nam Định 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 130km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 01 giờ ngày 11/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm, khu nuôi trồng thủy sản đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 4,0-6,0m, biển động rất mạnh.
Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh. Ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định đề phòng sóng lớn kết hợp với triều cường gây ngập úng tại vùng trũng, thấp.
Do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh.
Đêm 10/8 và sáng ngày 11/8, khu vực ven biển Quảng Ninh-Ninh Bình nhiều khả năng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; ven biển Thanh Hóa có gió mạnh cấp 5, giật cấp 8.
Từ chiều tối nay (10/8) đến khoảng ngày 12/8, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.
Khu vực Hà Nội từ đêm nay (10/8) đến ngày 12/8 có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 200mm.
Huy động 15 máy bay, 127 xe đặc chủng ứng phó với bão số 2
Sáng nay (10/8), Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 2 (có tên quốc tế là Mulan).
Tại đây, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dẫn số liệu từ hệ thống quan trắc, nhận định cường độ bão số 2 mạnh nhất có thể lên tới cuối cấp 8, đầu cấp 9.
Cụ thể, bão số 2 sau khi đi lên phía Bắc sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ, trực tiếp ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc của Việt Nam trong đêm nay và sáng mai. Cường độ của bão mạnh nhất có thể ở cuối cấp 8, đầu cấp 9 và duy trì trong khoảng 6-12 giờ tới.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 2.
Theo ông Khiêm, sau khi bão vào Vịnh Bắc Bộ vào chiều tối nay, bão vẫn ở cường độ cấp 8, khi vào khu vực phía Bắc đảo Bạch Long Vĩ cường độ bão bắt đầu suy giảm. Khi bão "cập bờ" sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nêu nhận định ban đầu bão sẽ vào khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Hải Phòng. Khu vực ven biển Thái Bình - Nam Định, thậm chí khu vực ven biển Ninh Bình cũng có thể chịu ảnh hưởng của gió mạnh, gió giật của bão.
Do ảnh hưởng của bão, đêm nay đến sáng mai (11/8), ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, Thái Bình - Ninh Bình, nhiều khả năng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
"Với dự báo như hiện nay, từ đêm nay và sáng mai, sân bay Vân Đồn và Cát Bi sẽ chịu ảnh hưởng của gió mạnh, gió giật và mưa", ông Khiêm lưu ý.
Để ứng phó với bão, sáng nay (10/8), UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành công điện khẩn về việc chủ động ứng phó với bão số 2. Theo đó, sẽ cấm biển kể từ 12h trưa cùng ngày.
Ngoài lệnh cấm biển, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thông tin cho nhân dân biết về diễn biến bão, gia cố lại các lồng bè nuôi trồng thủy sản, khẩn trương tổ chức đưa người từ các khu nuôi trên biển, ven biển lên bờ và kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú; hoàn thành trước 17h ngày hôm nay.
Thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm.
Các địa phương ven biển đặc biệt từ Móng Cái đến Hạ Long khẩn trương đưa người từ các khu nuôi trên biển, ven biển lên bờ, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn.
Rà soát các khu vực nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở; di chuyển dân về nơi an toàn.
Theo Phòng VH-TT TP Hạ Long, hiện có khoảng hơn 20.000 du khách đến Hạ Long, trong đó khoảng 8.000 khách tham quan vịnh. UBND TP Hạ Long sẽ cho tạm dừng hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long từ 12h.
Tại đảo Cô Tô, theo UBND huyện, trên đảo hiện còn hơn 260 khách nội địa. Huyện đảo đã thông tin về cơn bão và lịch tàu để du khách lựa chọn. Sáng nay, đã có nhiều khách rời đảo.
Tại Hải Phòng, việc dừng hoạt động du lịch trên vịnh Lan Hạ được huyện Cát Hải thực hiện từ 14h hôm nay.
Theo huyện Cát Hải, trên đảo Cát Bà hiện còn khoảng 1.000 du khách, trong đó có 81 khách quốc tế. Huyện đã có khuyến cáo du khách về cơn bão. Nếu được, du khách nên rời đảo trước 16h chiều nay. Nếu du khách ở lại trong thời gian TP Hải Phòng cấm biển, huyện đề nghị các cơ sở lưu trú giảm 50% tiền phòng.
So sánh ô tô ngập trong trận lũ lịch sử phiên bản Việt Nam và Hàn Quốc