Hà Nội

Điện Biên mây trắng...

27-07-2014 15:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong đoàn nhà văn đi thực tế, tôi từng lên Điện Biên nhiều nhất, cả thảy 4 lần. Vậy mà giờ thấy đâu cũng như mới lạ

Trong đoàn nhà văn đi thực tế, tôi từng lên Điện Biên nhiều nhất, cả thảy 4 lần. Vậy mà giờ thấy đâu cũng như mới lạ, kể cả những nơi quen thuộc bảo tàng ngoài trời hay các tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ; bộ mặt phố phường, bản làng thì đổi thay ngoài sức nhớ, sức tưởng tượng của mình. Lần nào lên tôi cũng có thêm bạn bè mới, những cuộc hạnh ngộ bất ngờ, thú vị...

Tác giả thắp hương tại mộ liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ. Ảnh: Trần Vũ Long

1.Đây rồi đồi Độc Lập! Ngọn đồi duy nhất đột khởi ở góc phía Đông Bắc của cánh đồng phẳng lì, rộng lớn nhất miền Tây Bắc. Cây cối chân đồi xanh tốt, thấy trên sườn dốc thấp thoáng những đoạn hào ngoằn ngoèo chứng tích chiến tranh sót lại. Tướng Đờ Cát-stơ-ri đã đặt cho quả đồi một cái tên con gái Gabrielle. Hắn huênh hoang: cứ điểm nằm trong tập đoàn cứ điểm bất khả chiến bại. Trên bản đồ ở sở chỉ huy chiến dịch của quân ta đóng tại Mường Phăng cách theo đường chim bay chừng 30km, thì ổ đề kháng này được đánh dấu với cái tên “đồi Độc Lập”. Dịp kỷ niệm chiến thắng năm ấy có rất nhiều cựu chiến binh chống Pháp từ mọi nẻo đường đất nước về thăm lại chiến trường xưa. Và tôi đã gặp một bác tóc bạc phơ, da đỏ au, vâm vác, nhanh nhẹn, huân huy chương đeo đỏ ngực đang đứng trầm ngâm trên đỉnh đồi. Hỏi chuyện mới biết, Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân 2. Hồi đó ông là Đại đội trưởng thuộc Trung đoàn 88, Đại đoàn 308. Theo phương châm đánh chắc, tiến chắc của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp các đơn vị bộ binh phải đào hào vây lấn đồn địch. Mưa liền mấy ngày làm các chiến hào sũng nước, đầu tóc chiến sĩ ta đều bết bùn đất. Ông nảy ra “sáng kiến” cùng anh em cạo trọc đầu cho đỡ vướng víu, cũng là việc cắt tóc ăn thề: thề đập tan tập đoàn cứ điểm của giặc! Đêm 14, rạng ngày 15/3/1954, đơn vị ông phối hợp với đơn vị bạn thuộc Đại đoàn 312, công kích mãnh liệt trong nhiều giờ liền, tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở đồi Độc Lập. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp ông, đặt cho cái tên mới “Đại đội trưởng đầu trọc”. Có một ngẫu nhiên đầy ý nghĩa: 21 năm sau “Đại đội trưởng đầu trọc” trở thành một sư doàn trưởng thiện chiến, cũng chính đơn vị ông chọc thẳng vào dinh Độc Lập, thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Cách không xa đồi Độc Lập là một khu nghĩa trang có quy mô lớn nhất Điện Biên Phủ, xây dựng lần đầu tiên vào những năm 1957 - 1958. Nhà quản trang có kiến trúc kiểu mái đình vừa là cổng chính vào nghĩa trang vừa là khu làm việc của ban quản lý. Tôi gặp lại cựu binh Bùi Văn Lâm. Ông là lứa con cháu những chiến sĩ Điện Biên, ra quân về đây luôn, cặm cụi, nghiêm ngắn gần 20 năm nay trong nghề quản trang. Trước mắt chúng tôi, hàng hàng ngôi mộ giống hệt nhau, tấm bia đá trên mỗi mộ đều không một dòng chữ, chỉ khắc có ngôi sao đỏ. Tất cả vô danh! Tôi được biết, khi mảnh đất chiến trường này vừa tan khói thuốc súng, thì việc nóng nhất là thực hiện chế độ tử tuất cho gia đình liệt sĩ, song không phải hài cốt liệt sĩ nào cũng biết được danh tính, quê quán. Người biết tên, người không biết tên. Cuối cùng, trên quyết định tất cả bia mộ đều không ghi danh, trừ 4 ngôi ở đồi A1 của các anh hùng lừng danh trong 56 ngày đêm chiến dịch là có đủ tên tuổi: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn và Trần Can.

Đoàn của Hội nhà văn VN trước cửa hầm Đờ Cát-sto-ri ở Điện Biên (12-2013)

Đoàn gồm 12 nhà văn, xếp hàng ngang trên sân hành lễ. Tiếng chuông chậm rãi gióng giả. Đài tưởng niệm màu đỏ thẫm như một cái cổng hẹp cao vút, trang nghiêm, giản dị mà độc đáo, khi ngửng lên tôi dễ dàng nhận ra có một cái tổ ong rừng màu vàng nhạt khá to như quả lục lạc treo trên đỉnh đài. Ong rừng chọn vị trí làm tổ rất chuẩn, hay đấy chính là nơi khí thiêng của đất trời tụ về? Chỉ biết, người ta nói đâu ong làm tổ là đấy đất lành, nơi đây yên giấc nghìn thu của 2.430 linh hồn vô danh. Bầu trời thăm thẳm cao, nhiều cụm mây trắng nhẹ tênh bay vùn vụt, tôi chợt nhớ đến câu thơ của người bạn, nhà thơ quân đội Anh Ngọc: Trời Điện Biên mây trắng/Màu mộ chí hàng hàng/Màu bạc đầu bạn cũ/Tìm nhau trong nghĩa trang... Đây, lớp chiến sĩ của cuộc chiến tranh vệ quốc lần thứ nhất, chỉ những người lính già đầu bạc như bác Lê Nam Phong mới có thể “tìm nhau trong nghĩa trang” được thôi. Vậy mà ít phút sau đó, khi cùng người quản trang đi thắp hương các ngôi mộ, tôi lại có may mắn bất ngờ là tìm được mộ của những người anh hùng mà tinh thần chiến đấu quả cảm của họ xứng đáng được lưu danh muôn đời.

Khi nghe anh Lâm nói, lần cải tạo, mở rộng nghĩa trang đã di dời một số hài cốt liệt sĩ thuộc Đại đội 78, Tiểu đoàn phòng không 387, Đại đoàn 308 từ bản Hông Lếch, xã Chăn Nưa về, tôi sực nhớ đến cuộc gặp mặt các bác cựu chiến binh tại Bảo tàng Phòng không - Không quân mà hôm đó tôi được mời dự. Tiểu đoàn 387 được truy phong danh hiệu đơn vị anh hùng, dù hôm nay phiên hiệu không còn chỉ được ghi trong cuốn sử biên niên, cùng lá cờ thi đua quyết thắng của Hồ Chủ tịch tặng khi kết thúc chiến dịch treo trong nhà truyền thống Sư đoàn 308. Các bác cựu chiến binh, người trẻ nhất cũng đã ở tuổi bát tuần, hôm đó có cả thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương từng là chính trị viên một đại đội thuộc tiểu đoàn này. Gặp nhau, họ ôn lại một thời máu lửa và nhắc nhiều đến hai người đồng đội đã khuất là Đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ và chính trị viên Ngô Hạnh Phúc. Nhà văn Hồ Phương cho tôi biết, ông và Đại đội trưởng Quỳ quen biết nhau từ năm 1951 khi tiểu đoàn được thành lập trên đất Thái Nguyên. Ngày đó ông mới viết được truyện ngắn đầu tay Thư nhà, còn Nguyễn Viết Quỳ cũng vừa tốt nghiệp Khóa 3 Trường Sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn về. Đó là một đại đội trưởng gương mẫu, tính tình vui vẻ, đánh đàn măng-đô-lin rất hay. Đơn vị của ông là Đại đội 79, đóng gần Đại đội 78 của Nguyễn Viết Quỳ, nhưng khúc bi tráng lại xảy đến ngoài dự liệu với riêng Đại đội 78. Đó là vào rạng sáng ngày 28/3/1954. Trong làn sương mờ, Đại đội trưởng Quỳ nhận thấy điều bất thường phía tiền duyên. Tình thế cấp bách, trận địa bắn máy bay mà không có bộ binh yểm trợ bên cạnh, ông liền ra lệnh cả ba khẩu pháo chúc nòng xuống bắn thẳng và mọi người phải chuẩn bị tất cả những gì có được để khi cần đánh giáp lá cà. Một tiểu đoàn lê dương từ cứ điểm Hồng Cúm nống ra, biết lực lượng ta mỏng chúng ồ ạt tràn vào, liền bị liên thanh 12,7 ly chặn lại. Đến gần trưa, súng đỏ nòng, cũng là lúc hết đạn. Địch ỷ đông tổ chức tiếp đợt xung phong. Các pháo thủ từ chiến hào nhảy lên lăn xả vào chúng với những dụng cụ cầm tay xẻng, cuốc chim, xà beng. Thực sự là trận huyết chiến. Cả 23 chiến sĩ của kíp trực hôm đó hy sinh. Đến trưa, bộ binh Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) do Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm chỉ huy phản công chiếm lại trận địa. Xác ta, xác địch ngổn ngang, nằm đè lên nhau. Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm bỗng nhìn thấy một chiến sĩ phòng không nhỏ bé hàm răng còn cắn chặt vào cổ một tên lê dương to lớn. Nước mắt ứa ra, ông thốt lên: Anh dũng quá! Nhiều năm sau. Một người em ruột của liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ là kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Viết Quý, lên Lai Châu công tác đã tìm thấy trong kho lưu trữ của Ty Thương binh Xã hội tỉnh một bản sơ đồ mộ chí nghĩa trang Hồng Lếch, tên từng người đánh thứ tự, bắt đầu từ Nguyễn Viết Quỳ số 1; Ngô Hạnh Phúc số 2...

Đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ (giữa) đang cùng đồng đội thảo luận phương án tác chiến (Tháng 2-1954).

Ảnh tư liệu của gia đình liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ

Ông Lâm dẫn tôi đến khu vực mộ các liệt sĩ Đại đội 78 ở ngay dãy đầu bên phải từ cổng đi vào. Khi di dời về đây, thân nhân của các liệt sĩ ở Hà Nội được phép của ban quản lý nghĩa trang, đã gắn thêm tên tuổi vào phía sau các tấm bia. Riêng với hai người chỉ huy còn có một tấm ảnh nhỏ in trên đá ở mặt trước. Tôi và các nhà văn trong đoàn kính cẩn thắp hương từng nấm mồ. Nhìn di ảnh của liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ ai cũng bùi ngùi, xúc động: một gương mặt trẻ trung tuấn tú, ông ngã xuống chiến trường khi mới 25 tuổi, chưa một lần yêu.

2. Lên Điện Biên, đoàn nhà văn chúng tôi được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đón tiếp thịnh tình, chu đáo. Trong những bạn mới, có nhà thơ dân tộc Hà Nhì Chu Thùy Liên, chị vốn là Phó Chủ tịch hội, mới chuyển sang làm Phó ban Dân tộc tỉnh. Gương mặt trái xoan, ánh mắt thông minh dưới cặp kính trắng hình bầu dục, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi, Chu Thùy Liên hoạt bát và thường kể chuyện rất có duyên. Hồi chưa tách tỉnh, chị vừa tốt nghiệp đại học sư phạm Việt Bắc, chuyên ngành ngữ văn, tại đại hội Liên hiệp thanh niên tỉnh (chị lúc đó là Phó Chủ tịch), phát động thanh niên tiến quân vào khoa học kỹ thuật, có người bảo chị: Bà giỏi thì làm trước đi! Thế là để anh em khỏi nói cán bộ chỉ biết hô hào suông, chị đăng ký một đề tài nghiên cứu về chính dân tộc mình và đây trở thành đề tài khoa học xã hội nhân văn đầu tiên của tỉnh. Kết hợp với công tác hội, thân gái dặm trường, chị đã đến tất cả các huyện vùng sâu trong tỉnh Lai Châu cũ, còn xin nghỉ phép sang tỉnh bạn Lao Cai, về xã Y Tí (huyện Bát Xát) nơi có nhiều bà con Hà Nhì sinh sống. Nhờ những chuyến điền dã dài ngày và không biết mệt đó, chị đã có một tập khảo cứu dân tộc học.

khá công phu, được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đánh giá xuất sắc, cấp bằng “Lao động sáng tạo”. Thừa thắng xốc tới, các năm sau đó chị cho ra đời các cuốn: Trường ca dân tộc Hà Nhì (viết chung với Lê Đình Lai - NXB Văn hóa dân tộc, 2000): Truyện cổ Hà Nhì (NXB Kim Đồng, 2002); Tìm hiểu văn hóa Hà Nhì ở Việt Nam (NXB Văn hóa dân tộc, 2004). Đến giờ, chị đã có thêm những nghiên cứu về các dân tộc khác như: Thái, Lào, Mông, Khơ Mú và chị đang tham gia vào dự án bảo tồn dân tộc Cống, một dân tộc chỉ còn chưa đến 2.000 người.

Nhưng, chuyện về bản thân nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian này không chỉ có vậy, qua Chu Thùy Liên tôi còn được biết cuộc “tình sử” giữa mẹ chị, bà Chu Chà Me và người anh hùng đầu tiên của bộ đội biên phòng Trần Văn Thọ. Miền Tây Bắc thập niên 60 của thế kỷ trước, không ai không biết tên người chiến sĩ biên phòng đó. Ông từ miền xuôi lên, đã “ba cùng” nhiều năm, sống chết với đồng bào các dân tộc thiểu số. Ông đã được bà con trìu mến gọi là “Ông tổ của nghề trồng lúa nước”; “Thành hoàng làng ở ngã ba biên giới” và mộ ông được bà con các dân tộc Hà Nhì, Mông Mường Nhé giữ gìn, thờ cúng suốt bao năm nay...

Trần Văn Thọ thuộc lứa Chiến sĩ Điện Biên. Tuy ông không trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên, nhưng ngày ấy ở vòng ngoài, ông đã lập công trong các trận phục kích địch ở Pờ Xìn Ngài (Sìn Hồ, Lai Châu) tháng 5/1953 và Dào San tháng 5/1954...Vậy có thể nói, ông cũng là người lính Điện Biên góp phần làm nên chiến thắng lịch sử chấn động địa cầu. Quê gốc ông ở Cẩm Khê, Phú Thọ. Hòa bình lập lại, từ bộ binh ông chuyển sang Công an Vũ trang (sau đổi là Bộ đội Biên phòng) và “định mệnh” đã đưa ông đến vùng ngã ba biên giới thuộc bản Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên ngày nay. Tiếng gà gáy ở bản này các nước Lào, Trung Quốc đều nghe được. Heo hút và lạc hậu. Dân bản Leng Su Sìn chủ yếu là người Hà Nhì, người Mông bao đời sống trong nghèo đói, hủ tục. Trần Văn Thọ cùng đồng đội nhiều năm liền cần cù, nhẫn nại mang ánh sáng văn minh đến cho dân bản. Và cô gái Chu Chà Me được bộ đội Thọ dạy cách trồng lúa nước, truyền cho “cái chữ”. Có lần thấy nhà ở của mẹ con Chà Me dột nát, lại chính bộ đội Thọ vào rừng cắt cỏ tranh về giúp lợp lại nhà. Khi Chà Me trở thành cán bộ xã, được kết nạp Đảng, bộ đội Thọ bảo: “Chà Me là đồng chí với anh rồi.” Mẹ nói với con gái: “Mày mà lấy được chồng như anh Thọ thì tốt quá!” Hình như anh ấy cũng có ý? Nhưng Chà Me mới hai mươi tuổi còn quá trẻ, ngốc nghếch nữa. Lần ấy Chà Me đi học xa nhà, ở trường nội trú Khu Tự trị Thái Mèo, vừa qua suối Păm Pơ thì nghe tiếng gọi, quay lại, anh Thọ đang hối hả lội sang tặng cô cái bút kim tinh. Đến giữa năm ấy - năm 1961, Chà Me vừa về đến đầu bản thì nghe tin sét đánh: Anh Trần Văn Thọ bị cơn sốt rét ác tính, qua đời rồi!

Chu Thùy Liên còn kể với tôi, mới đây khi gia đình cụ Trần Văn Thọ (chị hay gọi người anh hùng, liệt sĩ ấy là “cụ”, nếu còn thì nay cụ Thọ 78 tuổi) lên bốc mộ đưa về quê hương, có người đã “nói nhỏ”: “Hẳn Chu Thùy Liên là con của liệt sĩ, dịp này nên về quê nhận họ hàng”. Chị bảo là, cũng rất muốn điều ấy, nhưng thử nghĩ xem tôi sinh tháng 7/1966 mà cụ mất vào năm 1961...

Có thể gọi đó là duyên số. Bà Chu Chà Me dang dở mối tình đầu với người chiến sĩ biên phòng, thì giờ đây con gái bà đã yêu và kết hôn với một chiến sĩ biên phòng là lớp hậu sinh của ông Trần Văn Thọ. Và hai người có một hạnh phúc trọn vẹn! 

Phạm Quang Đẩu

 


Ý kiến của bạn