Dòng thời gian
08:15, 10-07-2021
Công tác xét nghiệm trong thời gian TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16
Từ 0 giờ ngày 9/7 TP.Hồ Chí Minh đã tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, những biện pháp phòng, chống dịch đang được triển khai quyết liệt hơn để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.
Theo nhận định từ các chuyên gia, do tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh nên đợt dịch này đã bùng phát và lây lan trong gia đình, khu nhà trọ, nơi làm việc, tòa nhà văn phòng, cơ sở sản xuất môi trường thông khí kém, máy lạnh trung tâm. Biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha khoảng 60%. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các ca nhiễm biến thể Delta cũng cao hơn so với người nhiễm biến thể Alpha. Nghiên cứu cũng cho thấy ca mắc biến thể Delta có thể lây nhiễm mạnh hơn và lâu hơn.
Tối 9/7: Thêm 591 ca mắc COVID-19, nâng tổng số mắc trong ngày vượt 1.600
Bản tin dịch COVID-19 tối 9/7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 591 ca mắc COVID-19, TP Hồ Chí Minh vẫn nhiều nhất 400 ca. Tổng số ca mắc trong ngày là 1.625. Trong ngày cũng có 34 bệnh nhân khỏi.fwe
Tính từ 12h đến 18h ngày 09/7 có 591 ca mắc mới (BN25420-26010):
+ 01 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Đồng Tháp.
+ 590 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (400), Long An (40), Tiền Giang (34), Đồng Tháp (32), Khánh Hòa (25), Phú Yên (22), Hưng Yên (8 ), Bình Dương (7), Cần Thơ (6), Bắc Ninh (5), Hậu Giang (4), Sóc Trăng (2), Đắk Nông (1), Bình Phước (1), Đà Nẵng (1), Nghệ An (1), Bắc Giang (1); trong đó 500 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
- 34 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
- Trong ngày 09/7, Việt Nam ghi nhận 1.625 ca mắc mới:
+ 09 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Tĩnh (3), Quảng Nam (2), Thái BÌnh (1), An Giang (1), Kiên Giang (1), Đồng Tháp (1).
+ 1.616 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (1229), Long An (77), Bình Dương (73), Tiền Giang (34), Đồng Nai (32), Đồng Tháp (32), Khánh Hoà (29), Phú Yên (28), Bắc Ninh (15), Bắc Giang (10), Trà Vinh (8 ), Hưng Yên (8 ), Quảng Ngãi (7), Cần Thơ (6), An Giang (5), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Hậu Giang (4), Vĩnh Phúc (2), Bạc Liêu (2), Hà Nội (2), Sóc Trăng (2), Gia Lai (1), Lâm Đồng (1), Thanh Hóa (1), Đắk Nông (1), Bình Phước (1), Đà Nẵng (1), Nghệ An (1); trong đó 1.359 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 18h ngày 09/7:
- Việt Nam có tổng cộng 24.103 ca ghi nhận trong nước và 1.907 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 22.533 ca, trong đó có 6.210 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 12 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Nam, Lào Cai.
- Có 12 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Bắc Kạn, Cần Thơ, Ninh Thuận, Bến Tre, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng, Thanh Hoá, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Kiên Giang, Đắk Nông.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 3.809.856 xét nghiệm cho 9.029.725 lượt người.
Tình hình điều trị:
- Số ca âm tính với SARS-CoV-2:
+ Lần 1: 333
+ Lần 2: 203
+ Lần 3: 80
- Số ca tử vong: 110 ca.
- Số ca điều trị khỏi: 8.984 ca.
Bộ Y tế chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm COVID-19
Ngày 9/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã ký văn bản số 5452/BYT-KHTC gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương; các cơ sở y tế trực thuộc Bộ; Y tế các bộ, ngành và các cơ sở y tế tư nhân về việc chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm COVID-19.
Bộ Y tế yêu cầu, các cơ sở y tế công lập thực hiện nghiêm mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm COVID-19 theo hướng dẫn tại công văn số 4356/BYT-KHTC ngày 28/5/2021, công văn số 5378/BYT-KHTC ngày 07/7/2021 và hướng dẫn nguồn kinh phí chi trả chi phí xét nghiệm tại công văn số 5028/BYT- KHTC ngày 23/6/2021 của Bộ Y tế.
Các cơ sở y tế ngoài công lập đủ điều kiện xét nghiệm COVID-19 theo quy định: thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại công văn số 3025/VPCP-KTTH ngày 08/5/2021 của Văn phòng Chính phủ về công tác điều hành giá năm 2021 nêu trên, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19, đồng thời phải thực hiện việc quyết định mức giá, kê khai giá, niêm yết giá theo đúng quy định.
Về giá vật tư, hóa chất thực hiện xét nghiệm COVID-19, Bộ Y tế đã có công văn số 5121/BYT-KHTC gửi các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán invitro xét nghiệm virus Corona (đã được cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu tại Việt Nam), trong đó đã yêu cầu: Trên tinh thần chung tay cùng cả nước chống dịch, đề nghị các đơn vị sản xuất và kinh doanh xem xét giảm giá bán sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán invitro xét nghiệm vi rút Corona để hỗ trợ cho các đơn vị chống dịch.
Do vậy, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế không được lấy lý do giá vật tư, hóa chất tăng để tăng giá xét nghiệm. Các trường hợp tăng giá xét nghiệm COVID-19 không đúng quy định phải điều chỉnh giá cho phù hợp.
Trường hợp thực hiện xét nghiệm gộp mẫu các cơ sở y tế phải áp dụng mức giá gộp mẫu, không được áp mức giá mẫu đơn để thu và thanh toán với người bệnh, người sử dụng dịch vụ.
Thêm một địa chỉ tiêm chủng an toàn tại Thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín
Chính thức đi vào hoạt động vào ngày 31/12/2018, Trung tâm tiêm chủng vắc xin Thường Tín đã mở rộng chi nhánh thứ hai vào ngày 21/05/2021 - chính thức trở thành địa chỉ tin cậy cho hàng nghìn khách hàng khu vực Thường Tín, Phú Xuyên và các tỉnh thành lân cận.
Căn cứ vào các văn bản của Nhà nước, của Bộ Y tế đã ban hành, Công ty TNHH vắc xin Thường Tín được Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội xác nhận thành lập ngày 25/12/2018, hiện đang có 2 cơ sở:
- Cơ sở 1: Số 03 phố Vũ Đức Trinh, Thị trấn Thường Tín, Huyện Thường Tín
- Cơ sở 2: Số 01 phố Nghệ, Minh Cường, Thường Tín
Trung tâm luôn sử dụng nguồn vắc xin chất lượng cao, có xuất xứ rõ ràng, bảo quản vắc xin bằng dây chuyền bảo quản lạnh đạt tiêu chuẩn GSP, các loại vắc xin được bảo quản với chất lượng tốt nhất. Tại các cơ sở của Trung tâm tiêm chủng vắc xin Thường Tín luôn có đủ chủng loại vắc xin đáp ứng tiêm chủng phòng bệnh cho mọi đối tượng, kể cả các vắc xin khan hiếm như 6in1, Phế cầu , Rota, Viêm não mô cầu BC...
TP Tuy Hòa, Phú Yên cần phân bổ nhân lực lấy mẫu và nhập số liệu nhịp nhàng
Báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Phú Yên cho biết, từ 8h đến 17h ngày 09/7 toàn tỉnh này phát hiện thêm 16 ca nhiễm SARS-CoV-2 nâng tổng số ca nhiễm ở Phú Yên lên 441 ca.
Do được đẩy mạnh khoanh vùng, truy vết nên trong ngày 9/7 đã truy vết được 148 F1, nâng tổng số F1 từ ngày 23/6 đến nay lên 3.636 trường hợp. Số trường hợp F2 truy vết được là 253 trường hợp, nâng tổng số F2 từ ngày 23/6 đến nay lên 11.219 trường hợp.
Đẩy mạnh lấy mẫu xét nghiệm ở Phú Yên (ảnh CDC Phú Yên)
Hoạt động phòng, chống dịch ở Phú Yên vẫn đang được thực hiện quyết liệt.
Đặc biệt, Tổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại tỉnh Phú Yên do TS.Đỗ Thái Hùng, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang làm tổ trưởng đã từng ngày sát cánh cùng địa phương chống dịch hiệu quả.
Ngày 9/7 tổ công tác đã kiểm tra công tác truy vết, xét nghiệm, vệ sinh môi trường tại TTYT TP Tuy Hòa.
Tổ công tác đã triển khai các hoạt động chuyên môn về các vấn đề truy vết, điều tra dịch tễ (giá trị CT-Value và thời gian lây bệnh của ca bệnh).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hình thành "vành đai chống dịch" xung quanh TPHCM
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng về cơ bản đã hình thành "vành đai chống dịch" xung quanh TPHCM. Các tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm soát người ra, vào TPHCM, bảo đảm lưu thông vận chuyển hàng hóa thuận lợi, không bị ách tắc.
Đến nay, tỉnh Đồng Nai, các địa bàn của Bình Dương, Long An tiếp giáp với TPHCM đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 16).
Báo cáo Phó Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, đến thời điểm hiện tại Đồng Nai đã ghi nhận 160 ca mắc. Sau khi TPHCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Đồng Nai xác định nếu không tận dụng được cơ hội này cùng với TPHCM, thì sau này tỉnh cũng trở thành nguy cơ. Tận dụng 15 ngày để quyết liệt truy vết, dập dịch trong thời gian sớm nhất.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng về cơ bản đã hình thành "vành đai chống dịch" xung quanh TPHCM.
Trong những ngày tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục kiểm soát chặt người về từ TPHCM, Bình Dương, dự báo số ca mắc COVID-19 mới có thể tăng thêm, tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ chỗ cách ly F1, chuẩn bị cơ sở điều trị các F0 (đã chuẩn bị được khoảng 1.600 giường),…
Đồng Nai kiến nghị Trung ương hỗ trợ máy xét nghiệm; ưu tiên phân bổ thêm vắc xin; đề nghị Bộ Y tế đứng ra mua sinh phẩm cho các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương,…
07:46, 10-07-2021
Hà Nội tăng cường thực hiện giám sát người về từ vùng dịch
Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản khẩn 222/SYT-NVY gửi các đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng yêu cầu thực hiện các giải pháp để tăng cường giám sát người về từ vùng dịch.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế dự phòng trên địa bàn thành phố giám sát, quản lý chặt người đến/về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố có dịch, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc. Với các trường hợp tiếp xúc gần với F0 phải cách ly y tế tập trung bắt buộc, xét nghiệm theo quy định đối với F1.
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế dự phòng trên địa bàn thành phố giám sát, quản lý chặt người đến/về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố có dịch.
Với người về từ vùng dịch, thực hiện cách ly tại nhà 07 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế (trừ trường hợp đi công tác công vụ trở về Hà Nội và tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế); sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe trong vòng 07 ngày tiếp theo, nếu có sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc biểu hiện mất vị giác… phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, trạm y tế hoặc cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn quản lý sức khỏe phù hợp.
07:40, 10-07-2021
Nghệ An cử 200 y bác sĩ “chia lửa” cho tuyến đầu chống dịch ở TP. HCM
Tỉnh Nghệ An quyết định cử 200 thầy thuốc tăng cường cho tuyến đầu chống dịch ở TP. Hồ Chí Minh. Báo SK&ĐS đã phỏng vấn PGS.TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An về công tác chuẩn bị cho chuyến đi này.
TP.HCM đảm bảo 20.000 giường điều trị COVID-19
TP.HCM đã thực hiện kế hoạch ứng phó dịch COVID-19 với kịch bản 10.000 và 15.000 ca mắc trên địa bàn thành phố; đồng thời sẽ tiếp tục mở rộng thu dung điều trị, đảm bảo 20.000 giường để điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), với số ca nhiễm COVID-19 mới vẫn đang tăng nhanh hiện nay, các lực lượng chức năng đã tiến hành điều tra, truy vết, khoanh vùng các chuỗi lây nhiễm đồng thời tiếp tục phát hiện các trường hợp qua sàng lọc tại cộng đồng, tại bệnh viện, tiến hành điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch, xử lý chuỗi lây nhiễm mới phát hiện.
Về phương án của ngành y tế trong 15 ngày giãn cách, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng đã khẳng định thời gian qua, không chỉ đợt dịch thứ 4 mà các đợt dịch khác, công tác phòng chống dịch đã đi đúng hướng. Nhưng trong 15 ngày tới vẫn cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa mới khống chế được dịch bệnh. Vì vậy, ngành Y tế sẽ tiếp tục điều tra, truy vết và tăng cường xét nghiệm để phát hiện ra các trường hợp F0. Trong điều kiện giãn cách, việc này sẽ thuận lợi hơn.
07:35, 10-07-2021
TP.HCM: Triển khai 1.000 giường hồi sức dành cho bệnh nhân COVID-19 nguy kịch
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, ngành Y tế TP.HCM đã sẵn sàng phương án 1.000 giường hồi sức tích cực cho người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch, giao cho 04 bệnh viện (Bệnh viện Chợ rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định) chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong.
Về phân bổ giường hồi sức đáp ứng nhu cầu điều trị các trường hợp COVID-19 nặng và nguy kịch:
- Bệnh viện Chợ Rẫy: 300 giường.
- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: 300 giường.
- Bệnh viện Nhân dân 115: 250 giường.
- Bệnh viện Nhân dân Gia Định: 150 giường.
07:29, 10-07-2021
TP.HCM: Tổ chức lại Trung tâm cách ly tập trung tại Ký túc xá Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông
Theo thông tin từ trung tâm báo chí TP.HCM (HMC), UBND TPHCM vừa có quyết định tổ chức lại Trung tâm cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19 tại Ký túc xá Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông trực thuộc Sở Y tế thành Trung tâm cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19 tại Ký túc xá Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông trực thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM.
Theo đó, trung tâm sẽ có trụ sở làm việc được đặt tại số 97 đường Man Thiện, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, TPHCM. Trung tâm cách ly tập trung chịu sự chỉ đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP. HCM và Bộ Tư lệnh TPHCM; đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Y tế và Ban Quản lý Ký túc xá Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.
Trung tâm cách ly tập trung có chức năng tiếp nhận, khám, sàng lọc, theo dõi, tư vấn những người được cách ly tập trung theo quy định.
BV Chợ Rẫy điều động nhân lực hỗ trợ BV điều trị COVID-19 Cần Giờ
BV Chợ Rẫy đã thành lập 6 đội gồm các y, bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân COVID-19 với mục tiêu chi viện cho các bệnh viện điều trị COVID-19 tại TP.HCM.
Cụ thể, 181 nhân viên y tế của BV Chợ Rẫy (gồm 81 bác sĩ và 100 điều dưỡng) được chia thành 6 đội sẽ được điều động, chi viện đến hỗ trợ công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn TP.HCM. Sự điều động các đội này sẽ theo điều phối của Sở Y tế TP.HCM.
Sáng 9/7/2021, đội chi viện đầu tiên của BV Chợ Rẫy gồm 10 bác sĩ và 10 điều dưỡng đã xuất phát lên đường đến BV điều trị COVID-19 Cần Giờ, để tham gia điều trị các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 tại đây.
07:23, 10-07-2021
Hàng hóa cung ứng tại TP.HCM cải thiện hơn so với những ngày trước
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), tại TP.HCM tính đến 11h trưa 9/7 tình hình cung ứng hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích cải thiện so với ngày hôm qua và những ngày trước, nhưng vẫn còn thiếu hàng hóa cục bộ một số nơi tại một số thời điểm.
Tại TP.HCM: Đến 11h trưa tình hình cung ứng hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích cải thiện so với ngày hôm qua và những ngày trước, nhưng vẫn còn thiếu hàng hóa cục bộ một số nơi tại một số thời điểm. Ở những nơi này hàng hóa được cung ứng tăng nhiều so với những ngày trước, lượng người mua cũng giảm so với chiều ngày 7 và ngày 8/7.
07:15, 10-07-2021
Hưng Yên phát hiện thêm 15 ca dương tính với SARS- CoV-2
Sáng 9/7, Hưng Yên ghi nhận thêm 15 ca dương tính với SARS-CoV-2 ở huyện Yên Mỹ. Các ca này đã được đưa đi cách ly tập trung từ trước.
Tính chung từ ngày 21/6 đến nay, Hưng Yên ghi nhận tổng số 126 ca.
Tình hình dịch bệnh ở tỉnh Hưng Yên hiện nay về cơ bản đã kiểm soát được. Các địa phương cơ bản đã khoanh vùng ổ dịch. Đa phần các trường hợp được phát hiện gần đây đều đã được cách ly từ trước, không ghi nhận ca trong cộng đồng.
Trong đó, huyện Yên Mỹ vẫn là địa phương có số ca nhiều nhất với 90 ca; huyện Khóa Châu 11 ca, Ân Thi 11 ca, Tiên Lữ 8 ca, Kim Động 4 ca, Phù Cừ 1 ca, 1 ca có địa chỉ tại Hà Nội).
5 ca tử vong do COVID-19 ở TPHCM và Đồng Tháp
Chiều 9/7, Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo 05 ca tử vong từ 106-110 ở TPHCM và Đồng Tháp.
CA TỬ VONG 106: BN15569 nữ, 50 tuổi, địa chỉ cư trú: huyện Hóc Môn, TPHCM. Tiền sử: không ghi nhận tiền sử bệnh tật.
CA TỬ VONG 107: BN13938, nữ 85 tuổi, địa chỉ: Quận 1, TP HCM. Tiền sử: tai biến mạch máu não, nằm một chỗ đã lâu.
CA TỬ VONG 108: BN20587, nữ 54 tuổi, địa chỉ: Châu Thành, Đồng Tháp.
CA TỬ VONG 109: BN20026, nữ 43 tuổi, địa chỉ: Lấp Vò, Đồng Tháp.
CA TỬ VONG 110: BN21623: nữ, 59 tuổi, địa chỉ: huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.
23:41, 09-07-2021
Phát huy hết vai trò của đội ngũ cán bộ y tế được điều động vào TPHCM chống dịch
Sáng 9/7, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp với Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TPHCM do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm Tổ trưởng để thảo luận và đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho công tác phòng, chống dịch phù hợp với việc thực hiện Chỉ thị 16 tại TPHCM.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Sơn -Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã thông báo Quyết định số 3338/QĐ-BYT về việc huy động nhân lực y tế để hỗ trợ phòng, chống dịch tại TP HCM. Theo quyết định này, Bộ trưởng Bộ Y tế điều động 10.000 nhân lực y tế của các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và các đơn vị địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung để hỗ trợ lực lượng y tế TPHCM trong việc phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cử 25 lãnh đạo các Vụ/Cục/Văn phòng Bộ Y/ Viện/Trường trực thuộc Bộ Y tế tới TP Hồ Chí Minh tham gia công tác chống dịch theo sự phân công của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế để trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch tại TP Thủ Đức và các quận, huyện của TPHCM.
Tại cuộc họp, sau khi nghe các báo cáo và ý kiến thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc thực hiện Chỉ thị 16 tại TPHCM liên quan đến một số thay đổi lớn trong triển khai các hướng dẫn chuyên môn thực hiện các công tác liên quan đến phòng chống dịch.
Nghệ An - Hà Tĩnh ghi nhận ca mắc COVID-19 đã được cách ly từ trước
Tin từ 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, ngày 9/7/2021, 2 tỉnh này ghi nhận 4 ca mắc COVID-19 mới. Trong đó, Hà Tĩnh ghi nhận 3 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Nghệ An cũng phát hiện 1 trường hợp F1 dương tính SARS-CoV-2, đã được cách ly từ trước.
14:47, 09-07-2021
Phong tỏa khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vì có bác sĩ dương tính với SARS-CoV-2
Sáng 9/7, theo thông tin từ Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm, bệnh viện đã tiến hành phong tỏa toàn bộ khoa Nội tiết; cách ly tại khoa 45 bệnh nhân, 44 người nhà bệnh nhân và 28 cán bộ y tế của khoa vì phát hiện một trường hợp bác sĩ của khoa này dương tính với SARS-CoV-2 (thông qua xét nghiệm mẫu gộp tầm soát định kỳ tại Bệnh viện).
Riêng nữ bác sĩ đã về nhà trước khi có kết quả xét nghiệm và được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đưa đi cách ly điều trị theo quy định.
14:38, 09-07-2021
Trưa 9/7: Thêm 609 ca mắc COVID-19, TP Hồ Chí Minh vẫn nhiều ca nhất
Bản tin dịch COVID-19 của Bộ Y tế trưa 7/9 cho biết có thêm 609 ca mắc COVID-19, trong đó TP Hồ Chí Minh tiếp tục nhiều nhất với 479 ca mắc. Tổng số ca mắc của Việt Nam đến nay là 25.419.
Tính từ 6h đến 12h ngày 09/7 có 609 ca mắc mới (BN24811-25419):
+ 06 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Tĩnh (3), Quảng Nam (2), Kiên Giang (1).
+ 603 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (479), Bình Dương (66), Đồng Nai (17), Bắc Giang (9), Trà Vinh (8 ), Bắc Ninh (7), Quảng Ngãi (7), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Hà Nội (2), Vĩnh Phúc (1), Bạc Liêu (1), Lâm Đồng (1), Thanh Hóa (1); trong đó 480 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 12h ngày 09/7:
- Việt Nam có tổng cộng 23.513 ca ghi nhận trong nước và 1.906 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 21.943 ca, trong đó có 6.176 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 12 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Nam, Lào Cai.
- Có 11 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Bắc Kạn, Cần Thơ, Ninh Thuận, Bến Tre, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng, Thanh Hoá, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Kiên Giang.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 3.718.380 xét nghiệm cho 8.797.334 lượt người.
14:25, 09-07-2021
Hà Nội: 2 người trong cùng gia đình tại quận Thanh Xuân mắc COVID-19
Sáng 9/7, CDC Hà Nội thông tin về 2 ca nhiễm COVID-19 mới tại quận Thanh Xuân, 2 trường hợp này cùng sống chung trong gia đình. Cả 2 trường hợp đều liên quan đến bệnh nhân từ TP Hồ Chí Minh. Như vậy, tính từ ngày 5/7 tới sáng ngày 9/7, Hà Nội ghi nhận 22 ca COVID-19 trong cộng đồng.
Trường hợp thứ nhất, là bệnh nhân N.V.S, nam, sinh năm 1960 sống tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tiền sử dịch tễ: Từ trưa ngày 5/7 đến tối 6/7, F0 ở TP Hồ Chí Minh tới nhà của bệnh nhân S., ngày 8/7, BN được TTYT quận Thanh Xuân lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, mẫu xét nghiệm do CDC Hà Nội thực hiện.
Trường hợp thứ hai, là bệnh nhân N.T.L, nam, sinh năm 2010, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tiền sử dịch tễ: Từ trưa ngày 5/7 đến tối 6/7, F0 ở TP Hồ Chí Minh tới nhà của bệnh nhân, ngày 8/7, BN được TTYT quận Thanh Xuân lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2, mẫu xét nghiệm do CDC Hà Nội thực hiện.
Đây là 2 trường hợp trong cùng 1 gia đình. Hiện quận Thanh Xuân đang tiếp tục điều tra dịch tễ để khoanh vùng, dập dịch.
Với 2 ca mắc mới tại quận Thanh Xuân, theo thống kê của CDC Hà Nội, hiện trên địa bàn đã ghi nhận 22 ca dương tính kể từ ngày 5/7 đến nay.
Mở rộng đối tượng tiêm vắc xin COVID-19 trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử
Trong kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử từ tháng 7/2021- tháng 4/2022, Bộ Y tế đưa ra 16 nhóm đối tượng được tiêm chủng và 4 nhóm tỉnh, thành phố được ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19.
Chiến dịch triển khai trên quy mô toàn quốc, ưu tiên cho 4 nhóm tỉnh, thành phố
Phạm vi triển khai của chiến dịch là trên quy mô toàn quốc, trong đó ưu tiên cho 4 nhóm tỉnh, thành phố gồm:
- Các tỉnh, thành đang có dịch, trong đó ưu tiên tiêm trước cho đối tượng ở vùng đang có dịch.
- Các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ
- Các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư.
- Các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.
Bộ Y tế sẽ phân bổ vắc xin theo từng đợt cung ứng vắc xin theo thứ tự ưu tiên.
08:14, 09-07-2021
Sáng 9/7: Thêm 425 ca mắc COVID-19, TP Hồ Chí Minh chiếm đến 350 ca
Bản tin dịch COVID-19 sáng 9/7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 425 ca mắc COVID-19, trong đó 2 ca nhập cảnh cách ly ngay; 423 ca còn lại ghi nhận trong nước. TP Hồ Chí Minh tiếp tục nhiều nhất với 350. Gần 4 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm tại Việt Nam.
Tính từ 18h30 ngày 08/7 đến 6h ngày 09/7 có 425 ca mắc mới (BN24386-24810):
+ 02 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thái Bình (1), An Giang (1).
+ 423 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (350), Long An (37), Đồng Nai (15), Phú Yên (6), An Giang (5), Khánh Hòa (4), Bắc Ninh (3), Vĩnh Phúc (1), Gia Lai (1), Bạc Liêu (1); trong đó 377 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 6h ngày 09/7:
- Việt Nam có tổng cộng 22.910 ca ghi nhận trong nước và 1.900 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 21.340 ca, trong đó có 6.176 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 12 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Nam, Lào Cai.
- Có 11 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Bắc Kạn, Cần Thơ, Ninh Thuận, Bến Tre, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng, Thanh Hoá, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Kiên Giang.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 3.718.380 xét nghiệm cho 8.797.334 lượt người.
Người dân Hà Nội vẫn ra đường thể dục "phớt lờ" lệnh cấm
18h chiều (ngày 8/7) là thời điểm lệnh tạm dừng các hoạt động tập thể dục, thể thao ngoài trời của Hà Nội chính thức có hiệu lực nhưng theo ghi nhận, sau thời điểm nói trên, tại một sô nơi thuộc địa bàn các quận Tây Hồ, Ba Đình hàng trăm người dân vẫn ‘phớt lờ” lệnh cấm.
Phú Yên có tổng cộng 396 ca nhiễm SARS-CoV-2
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên thông tin, từ 8 giờ ngày 08/7 đến 17 giờ ngày 08/7 ghi nhận thêm 16 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số ca nhiễm ở tỉnh này lên 396 ca.
Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở tỉnh này. Công tác khoanh vùng, xét nghiệm đang được thực hiện khẩn trương. Đặc biệt, nhiều ca bệnh ở Phú Yên diễn biến nặng. Cụ thể, có 2 bệnh nhân nặng, nguy kịch thở máy và lọc máu liên tục. Có 4 bệnh nhân viêm phổi nặng, nguy cơ thở máy. Có 2 bệnh nhân tiên lượng nặng, lớn tuổi, lú lẫn, không tự chăm sóc bản thân được, không hợp tác điều trị. Có 15 bệnh nhân viêm phổi trung bình, nhẹ.
Hà Tĩnh thêm 13 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh
BS Lê Chánh Thành - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, có thêm 13 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hương Sơn, Hà Tĩnh) được công bố khỏi bệnh.
13 bệnh nhân mắc COVID-19 đã đủ điều kiện xuất viện, bao gồm: BN9683, BN9873, BN10731, BN10735, BN9247, BN9248, BN10776, BN9800, BN10552, BN10554, BN10555, BN10778 và 1 bệnh nhân là F1.
Theo đó, các bệnh nhân đã hết hoàn toàn các triệu chứng lâm sàng, có thời gian cách ly, điều trị tại bệnh viện trên 21 ngày và có 3 lần xét nghiệm trở lên âm tính với virus SARS-CoV-2.
Sau khi hết thời gian cách ly y tế tại bệnh viện, 13 bệnh nhân nói trên về địa phương tiếp tục cách ly, theo dõi tại gia đình 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế.
Như vậy, Hà Tĩnh có tổng 121 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó 23 bệnh nhân đã khỏi bệnh và xuất viện.
Sáng 9/7, lô vắc xin phòng COVID-19 thứ 3 do Nhật Bản viện trợ về Việt Nam
Bộ Y tế cho biết theo thông tin từ phía Nhật Bản, sáng nay- ngày 9/7 lô vắc xin phòng COVID-19 AstraZeneca thứ 3 (gồm khoảng 600.000 liều) do Chính phủ và nhân dân Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam sẽ về đến Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP HCM.
Như vậy, đến sáng 9/7, Nhật Bản chuyển đủ cho Việt Nam gần 2 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 viện trợ không hoàn lại.
Trước đó, ngày 16/6, Nhật Bản đã viện trợ Việt Nam gần 1 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 AstraZeneca. Tiếp đó, ngày 2/7, gần 400.000 liều vắc xin trong tổng số 1 triệu liều mà Nhật Bản viện trợ không hoàn lại thêm cho Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất.