Hà Nội

Diễn biến bệnh sởi trên thế giới

30-04-2014 04:47 | Quốc tế
google news

SKĐS - Không phải đến đầu năm 2014, bệnh sởi mới bắt đầu bùng phát mà nó đã tái xuất hiện từ vài năm trước ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Không phải đến đầu năm 2014, bệnh sởi mới bắt đầu bùng phát mà nó đã tái xuất hiện từ vài năm trước ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Trên bản đồ về diễn biến dịch sởi trên thế giới từ năm 2013 đến tháng 4/2014, trừ các vùng, khu vực tô màu xám là nơi chưa nhận được thống kê đầy đủ về dịch bệnh, các vùng lãnh thổ, quốc gia khác đều đã thông báo về tình hình dịch bệnh.

Bản đồ diễn biến dịch sởi trên thế giới từ năm 2013 đến tháng 4/2014.

Bản đồ diễn biến dịch sởi trên thế giới từ năm 2013 đến tháng 4/2014.

Riêng trong năm 2012, một số nước trên thế giới đã ghi nhận những ổ dịch với con số không nhỏ như: Cộng hòa dân chủ Congo (72.029 ca mắc bệnh), Ấn Độ (18.668 ca), Indonesia (15.489 ca), Trung Quốc (6.183 ca)... Số ca mắc bệnh sởi trên thế giới sau đó vẫn tiếp tục lan rộng ra các nước quanh khu vực, hầu hết là do lây truyền qua các khách du lịch, những người thường xuyên di chuyển qua lại giữa các quốc gia mang theo mầm bệnh.

Từ năm 2013 đến 2014, đã có 172 quốc gia (chiếm 89% các nước trên thế giới) thông báo về dịch sởi và cả thế giới đang nỗ lực chung tay phòng chống dịch bệnh, 11% các quốc gia còn lại chưa công bố các số liệu chính thức do chưa thể kiểm soát tình hình hoặc thống kê chưa đầy đủ, chủ yếu là các nước ở châu Phi (theo số liệu mới nhất của Tổ chức WHO vào tháng 4/2014).

Tại Mỹ, hiện đã có 129 ca bệnh trên toàn nước Mỹ. Lý giải cho sự chậm trễ trong việc xử lý và kiểm soát các ca bệnh, báo chí nước này cho rằng: các nhân viên y tế tin tưởng bệnh sởi đã được thanh toán hoàn toàn từ năm 2000 và trở nên lúng túng khi không nhận biết ra sớm các dấu hiệu bệnh từ giai đoạn đầu để thực hiện cách ly.

Tình hình mắc sởi trong khu vực Tây Thái Bình Dương, 2008 - 2/2014. Nguồn: WHO

Tình hình mắc sởi trong khu vực Tây Thái Bình Dương, 2008 - 2/2014. Nguồn: WHO

Các nước châu Âu cũng đang phải đối mặt với bệnh sởi. Tại Đức, có ít nhất 1.772 trường hợp, tăng gấp 10 lần so với số ca bệnh được phát hiện vào năm 2013. Hà Lan có trên 2.499 ca bệnh sởi. Italy đã công bố ít nhất 2.216 ca nhiễm bệnh, trong đó riêng ở Milan là 350 ca. Ukraine có 12.746 trường hợp. Nhiều quốc gia khác như Australia, New Zealand, Ireland, Ba Lan, Pháp, Tây Ban Nha... có xu hướng tiếp tục tăng ca nhiễm bệnh.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khu vực đáng quan tâm nhất hiện nay là các nước khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Á và các đảo ở Thái Bình Dương. Riêng trong năm 2013, các quốc gia khu vực này có tổng cộng 16.342 ca mắc bệnh. Việc nỗ lực kiểm soát dịch và khuyến khích toàn dân tiêm vaccin phòng bệnh đã giúp khu vực này giảm tổng số ca bệnh sởi xuống còn 7.442 vào cuối tháng 4/2014. Trung Quốc và Philippines là điểm nóng của khu vực với tổng cộng 29.962 trường hợp được xác nhận ở Trung Quốc và theo số liệu mới nhất từ báo cáo ngày 20/4/2014, hiện Philippines có 4.293 ca nhiễm bệnh sởi. Diễn biến sởi vẫn tiếp tục tăng cao và khó lường ở các nước châu Phi. Trong năm 2013, con số mắc bệnh đã vượt xa các châu lục khác trên thế giới, tổng cộng 104.806 ca. Riêng 4 tháng đầu năm 2014, số trường hợp công bố nhiễm sởi là 12.125 ca. Các ổ dịch vẫn đang tiếp tục bùng phát tại các vùng như: Namibia, Mozambique, Nam Phi, Zambia, Zimbabwe, Ethiopia và Kenya.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến ngày 28/4/2014 đã ghi nhận 3.751 trường hợp mắc sởi xác định trong số 11.249 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố.

Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định, dịch sởi bùng phát ở phạm vi rộng lớn trên toàn thế giới, một phần do quy định về tiêm chủng tại nhiều quốc gia chưa được người dân quan tâm đúng mức. Do đó, WHO đang nỗ lực phối hợp cùng các nước thực hiện việc mở rộng tiêm chủng miễn phí trên diện rộng.

Trần Nga

 


Ý kiến của bạn