Điện ảnh Việt thời “siêu tốc”

12-08-2012 13:07 | Văn hóa – Giải trí

Theo số liệu thống kê năm 2011, cả nước có 17 bộ phim nhựa được công chiếu ở rạp. Như vậy, tính trung bình hơn 3 tuần lại có 1 phim mới trình làng. Nếu một fan hâm mộ xem hết số lượng phim ấy thì chắc chắn sẽ khó “tiêu hóa”.

(SKDS) - Theo số liệu thống kê năm 2011, cả nước có 17 bộ phim nhựa được công chiếu ở rạp. Như vậy, tính trung bình hơn 3 tuần lại có 1 phim mới trình làng. Nếu một fan hâm mộ xem hết số lượng phim ấy thì chắc chắn sẽ khó “tiêu hóa”.

Phim Việt thời… bây giờ  

Có những đạo diễn đạt “kỷ lục” về sản xuất phim siêu tốc như Victor Vũ, chỉ riêng năm nay, Victor Vũ có tới 2 phim ra lò là Thiên mệnh anh hùng và dự kiến tháng 10 này có thêm Scandal trình chiếu mặc dù phim mới bấm máy vào tháng 6 vừa qua. Thời gian 4 tháng cho một bộ phim từ khâu chọn cảnh, quay, làm hậu kỳ, lồng tiếng... xem ra có thể ghi vào kỷ lục Việt về tốc độ sản xuất. Dù là phim cổ trang thìThiên mệnh anh hùng cũng chỉ được phép kéo dài thời gian gấp đôi các phim nhựa bình thường khác, không được phép chậm hơn.
 
Với một bộ phim tương tự như vậy trong tay các đạo diễn, diễn viên nước ngoài ví dụ như Ấn Độ hay Nhật Bản với các trang thiết bị hiện đại thì họ cũng phải mất khoảng vài năm mới có thể hoàn thành được. Nhưng xem ra các phim của đạo diễn Victor Vũ vẫn chưa thấm vào đâu về mức độ “siêu tốc” so với Nàng men chàng bóng - một bộ phim nói về những người thuộc “thế giới” gay. Bởi lẽ phim này khởi quay vào 20/6, đến cuối tháng 7 đóng máy và cuối tháng 8 ra rạp. Như vậy chỉ cần 2 tháng 10 ngày là các nhà sản xuất đã có thể cho ra lò một bộ phim Việt.

Nhiều người cho rằng, vào thời điểm hiện tại mà 2 ngày quay xong một tập phim được coi là chậm, vì đã có nhiều người khác đạt tới kỷ lục 3 ngày 2 tập mất rồi. Có người nói nếu cứ 2 ngày mới quay xong 1 tập phim thì nhiều kênh truyền hình phải “treo niêu” vì lấy đâu ra phim mà chiếu. Vậy là áp lực về thời gian khiến các nhà làm phim buộc phải “vắt chân lên cổ” mà chạy.

Không chỉ có áp lực về thời gian lên sóng hay ra rạp mà chính nhà sản xuất cũng muốn phim làm càng nhanh càng tốt, vừa tiết kiệm chi phí đầu vào, vừa khẩn trương ra lò để còn bán quảng cáo. Nhiều nhà sản xuất kêu la rằng nếu chỉ chăm chăm bán bản quyền cho truyền hình hay bán vé ngoài rạp thì bất cứ đó là phim video hay phim nhựa cũng đều cầm chắc một suất lỗ toàn phần. Để bù đắp chi phí ấy, người ta chỉ còn một con đường duy nhất là bán quảng cáo. Ra rạp hay lên sóng chậm cũng đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội bán quảng cáo. Vì thế, cuộc đua tranh ngầm giữa các nhà làm phim ở thị trường quảng cáo diễn ra cũng khốc liệt không kém bất cứ một cuộc chiến nào.

Trong khi đó, số lượng diễn viên dù có đông đảo đến mấy cũng là có hạn nên buộc nhiều người phải chấp nhận cùng một lúc đóng 2-3 phim là chuyện thường ngày ở các đoàn làm phim.

 
 
Poster phim Biệt động Sài Gòn.       

Bao giờ cho đến... ngày xưa?

 

Diễn viên chính của phim Ván bài lật ngửa Nguyễn Chánh Tín trong vai đại tá tình báo Nguyễn Thành Luân chắc phải “choáng” trước độ “siêu tốc” của thực trạng làm phim hôm nay, bởi lẽ bộ phim mà ông tham gia cách đây 30 năm có 8 tập mà phải làm mất 7 năm, trung bình gần 1 năm mới làm được 1 tập.

Thật khó để so sánh giữa ngày nay và ngày xưa khi mà các nhà làm phim hôm nay luôn phải ép mình theo tiêu chí “làm nhanh, làm rẻ, tiền khỏe” còn ngày xưa người ta lấy tiêu chí chất lượng phim để làm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các thượng đế.

Sự khác biệt rõ nhất mà ai cũng phải thừa nhận là thế hệ các nhà làm phim trước đây tâm huyết với nghề hơn và cũng vì thế họ dành nhiều thời gian, tâm huyết hơn cho việc trau chuốt những đứa con tinh thần của mình. Có lẽ rất khó trở lại được cái ngày xưa ấy với những bộ phim như Ván bài lật ngửa của cố đạo diễn Lê Hoàng Hoa và Biệt động Sài Gòn của đạo diễn Long Vân, mặc dù gần đây, cũng chính vị đạo diễn này đã thực hiện phim Những đứa con biệt động Sài Gòn nhưng mọi việc đã khác xưa một trời một vực.

Lý giải cho việc này, có ý kiến cho rằng cách đây 30 năm còn ít phim, các phương tiện nghe nhìn chưa phát triển nên các nhà làm phim có nhiều cơ hội để chăm chút cho đứa con cưng của mình khiến suốt cả thập niên 80 khán giả thuộc làu từng tình huống xảy ra trong nhiều tập của 2 phim nói trên. Đến nay, mỗi khi nhắc đến Ván bài lật ngửa, nhiều người không thể nào quên được cảnh mở đầu của phim là hình ảnh đại tá Nguyễn Thành Luân trong phim với chiếc áo choàng màu xám đi trong rừng thông Đà Lạt thật sự kiêu hãnh và sang trọng, giống như hình tượng Công tước Andrei Bolkonsky đi trong rừng sồi ở phim Chiến tranh và Hòa bình của Lev  Tolstoy.

Thời ấy, không ít các khán giả nữ mê mẩn vẻ đẹp hào hoa, trang nhã và rất “manly” được Nguyễn Chánh Tín thể hiện vô cùng hấp dẫn. Thậm chí có nhiều người cho rằng, từ cách đây hơn 30 năm và mãi về sau này, với các phim cùng chủ đề cũng không thể nào “qua mặt” được Ván bài lật ngửa của Lê Hoàng Hoa. Dù được sinh ra trong thời buổi “thóc cao gạo kém” nhưng bộ phim là một mốc son lịch sử rất đáng ghi nhận về giá trị nghệ thuật. Chẳng thế mà nhiều người còn ước ao giá như giờ vàng hôm nay có được những bộ phim như thế (!)

Có khán giả hôm nay dám chia sẻ về Ván bài lật ngửa một cách thẳng thắn:  “Tôi đã thua anh trong một ván bài mà tất cả các quân bài đều lật ngửa”. Hiện nay, khán giả thay vì được nghe một câu nói tương tự như vậy trên phim Việt, người ta cứ phải nghe những câu nói huỵch toẹt hoặc những lời thoại rỗng tuếch, vô nghĩa và có khi còn thiếu cả văn hóa nữa.

Còn một khán giả khác không ngần ngại khi cho rằng: Ván bài lật ngửa là bộ phim tình báo ấn tượng nhất của nước ta từ trước tới nay...Hồi đó, thế hệ cha chú làm nghệ thuật với tình yêu nghề cao cả. Tình yêu, cảm xúc của họ thể hiện được trên từng thước phim. Chính điều đó đi vào lòng người qua nhiều thế hệ” .

Chỉ tiếc là cái ngày xưa ấy lại chẳng bao giờ có được trong hôm nay và khó có trong ngày mai…

Quang Lê


Ý kiến của bạn