Điện ảnh Việt Nam bao giờ lớn?

25-10-2013 07:26 | Văn hóa – Giải trí
google news

Năm thứ 43 của tuổi 18 (tính từ Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) đầu tiên 8/1970) nhưng LHPVN vẫn cứ như một đứa trẻ chưa trưởng thành với rất nhiều sự nghiệp dư từ a - z. Và từ những gì diễn ra ở LHPVN18, thêm một dấu hỏi lớn: Điện ảnh Việt Nam bao giờ lớn?

Năm thứ 43 của tuổi 18 (tính từ Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) đầu tiên 8/1970) nhưng LHPVN vẫn cứ như một đứa trẻ chưa trưởng thành với rất nhiều sự nghiệp dư từ a - z. Và từ những gì diễn ra ở LHPVN18, thêm một dấu hỏi lớn: Điện ảnh Việt Nam bao giờ lớn?

hẩu hiệu của LHPVN 18 rất "thời thượng": "Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập" nhưng những gì được thể hiện ở LHP chỉ thấy chơi vơi, không có điều gì để thấy lạc quan hơn, tạo tiền đề dẫn đến mục tiêu như trong "Dự thảo chiến lược phát triển Điện ảnh Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" đang trình Chính phủ phê duyệt.

Bao giờ LHPVN mới chuyên nghiệp?

Ngay việc di chuyển LHPVN đi khắp các tỉnh thành đã là một sự không chuyên nghiệp để tạo một "thương hiệu" cho LHP quốc gia, như các quốc gia láng giềng: LHP Busan - Hàn Quốc, LHP Thượng Hải - Trung Quốc, LHP BangKok - Thái Lan, LHP Tokyo - Nhật Bản... Và vì thế mà chỉ khi LHPVN diễn ra ở Hà Nội hay TP.HCM thì công chúng xem phim mới có thể "đúng người, đúng phim", còn khi diễn ra ở các tỉnh thành khác thì không lèo tèo vài ba người xem thì cũng phải huy động trẻ vị thành niên học sinh cấp 2 đi xem phim có cảnh nóng, bạo lực, giết người...

Lễ khai mạc, lễ bế mạc muôn năm cũ với các màn ca múa nhạc tạp kỹ màu mè, chẳng tôn vinh nghệ thuật điện ảnh mà chỉ biến sân khấu thành nơi trình diễn "tài nói" - mà đôi khi là nói nhảm, nói nhạt của MC hay cuộc trình diễn thời trang của các trai xinh, gái đẹp ít liên quan đến điện ảnh.

LHPVN 18 cũng vậy, một lễ khai mạc tẻ nhạt với cả chục màn múa như biểu dương lực lượng của Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN, một lễ bế mạc lê thê và buồn chán với những màn xướng tên đề cử và trao giải nhanh như súng liên thanh và lộn xộn chưa từng có. Chưa kể "cái ruột" của LHPVN 18 là những hoạt động mòn cũ đến nhàm chán và vô ích: 2 cuộc hội thảo cho những chủ đề mà biết là chỉ nói cho nhau nghe, không thay đổi được gì; 2 cuộc giao lưu với những khán giả mà chỉ có LHP đến địa phương mới có dịp được xem phim (công nhân mỏ, bộ đội). Còn những hoạt động để chứng tỏ một LHP chuyên nghiệp đều không có, như mở Hội chợ phim để các nhà sản xuất hay phát hành cùng các nhà làm phim, nhất là các nhà làm phim trẻ có cơ hội gặp gỡ, bắt tay nhau, trao đổi các dự án... Hay có những cuộc trao đổi mang tính học thuật giữa các nhà lý luận phê bình điện ảnh với giới làm nghề và truyền thông, để có cái nhìn tổng thể và chi tiết những bộ phim tham dự để có một cái nhìn chuẩn xác về phim mang tính "nghề" chứ không phải là cảm tính.

Có lẽ cũng đến lúc phải có một cơ quan chuyên trách về LHP vì theo như dự định là cứ 2 năm tổ chức LHPVN, LHP quốc tế HN và như thế thì gần như năm nào cũng có LHP.

Điện ảnh Việt Nam bao giờ lớn? 1
 Cảnh phim Những người viết huyền thoại.

Điện ảnh Việt Nam bao giờ thì lớn?

Nhìn từ 23 phim truyện nhựa tham dự LHPVN 18, Chủ tịch Ban giám khảo phim truyện nhựa, đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn đã khá thẳng thắn: "Chỉ 1/3 phim xem được", đó là một cảnh báo về điện ảnh Việt Nam (ĐAVN). Ngay cả với phim đoạt giải Bông sen vàng: Những người viết huyền thoại, Scandal-Bí mật thảm đỏ; Bông sen bạc: Thiên mệnh anh hùng, Lạc lối; Bằng khen: Dành cho tháng 6, Và anh sẽ trở lại, cũng thấy cái "nền móng" của ĐAVN đang rất mỏng manh và không bền vững.

Khi Ban giám khảo cho đồng hạng những phim có những sự trái ngược nhau, không nên mừng mà cho đó là sự đột phá hay đổi mới tư duy của giám khảo. Mừng làm sao khi dòng phim giải trí, thị trường đứng ngang hàng với dòng phim nghệ thuật và đứng về nghề, nó còn có phần nổi trội hơn về kỹ thuật làm phim, về sự chắc tay trong xử lý tình huống với kịch bản cũng rất logic, mới mẻ, hấp dẫn... Cùng với sự có mặt chiếm đến hơn 2/3 số phim tham dự là thuộc dòng phim giải trí thì có thể thấy dòng này chiếm thế "thượng", chắc chắn sẽ còn khuynh đảo ĐAVN rất lâu, trong mặt bằng nền ĐAVN đang có rất nhiều khuyết tật (không phải là khiếm khuyết nữa). Và như thế, chẳng có gì hay khi một nền ĐAVN nhìn vào chỉ thấy phim thị trường tung hoành, còn phim nghệ thuật ít, lại còn khó có cửa ra mắt công chúng.

Cũng nhìn từ LHPVN 18, yếu tố "ngoại" góp phần rất nhiều, ngoài số lượng phim áp đảo phim "thuần Việt", không chỉ đạo diễn Việt kiều mà có gần như đủ mặt trong thành phần làm phim. Nhiều phim có những thành phần quan trọng là người nước ngoài như: Mùa hè lạnh ( ĐD Ngô Quang Hải, quay phim Cordelia Bresford người Australia), Đường đua (ĐD Nguyễn Khắc Huy, quay phim Daniel Fowler người New Zealand), Lửa Phật (ĐD Dustin Nguyễn, dựng phim Vance Null và nam diễn viên Rogan Yuan người Mỹ), Lạc lối (ĐD Phạm Nhuệ Giang) và Dành cho tháng 6 (ĐD Nguyễn Hữu Tuấn, dựng phim Julie Buzeau người Pháp), Ranh giới trắng đen (ĐD Nayato Nuala người Indonesia), Và anh sẽ trở lại (ĐD Đinh Tuấn Vũ, vai nam chính Nicolas Nguyễn người Pháp)... Nhưng nhìn lại những yếu tố "ngoại" này, để dánh giá chất lượng phim thì chưa có phim nào tỏ ra vượt trội để xem như là chuẩn của nghề, thậm chí tệ hơn, nhiều phim trong số này bị liệt vào "thảm họa". Trừ đạo diễn Victor Vũ với phong cách làm phim Hollywood, khá chỉn chu về kỹ thuật và tạo ấn tượng trong cách chọn đề tài và cấu trúc kịch bản tương đối tốt. Nên yếu tố "ngoại" dù có nhiều, dù có ở các khâu quan trọng chỉ là thêm "gia vị" khác lạ, chưa thể đưa "nhân tố mới" để góp cho ĐAVN tiến bộ.

Phim của các đạo diễn trẻ và vừa qua mức trẻ cũng xuất hiện khá nhiều, thậm chí còn được Bông sen vàng: ĐD Bùi Tuấn Dũng, Victor Vũ; Bằng khen: ĐD Nguyễn Hữu Tuấn, Đinh Tuấn Vũ, nhưng phim của họ đã có thể tạo một điểm nhấn để có thể lạc quan, hy vọng một nền ĐAVN "đang lớn"? Những người viết huyền thoại chắc chắn chỉ có thể ta với ta xem mà thôi, sao có thể "vượt ra biển lớn" so vai với các quốc gia khác. Scandal-Bí mật thảm đỏ, Thiên mệnh anh hùng chỉ là phim giải trí thuần túy và cũng chỉ có thể "ta về ta tắm ao ta" chứ cũng không thể "mang chuông đi đánh xứ người". Còn 2 phim của 2 đạo diễn trẻ kia, nó chỉ như một kỷ niệm học trò, một chuyến du lịch nho nhỏ, không thể đại diện gì vì ngoài nội dung chưa hay, rất nhiều "sạn" thì lỗi kỹ thuật của phim cũng rất nhiều.

Một nền ĐAVN mà công tác lý luận phê bình chỉ như hạt cát, hạt bụi và không được xem trọng. Trong các LHPVN, nó chỉ là một thứ "phụ gia" thêm phần cho có và ở LHPVN18 này thì vắng bóng, không một đại diện.

Cho dù đã 60 năm ngành ĐAVN thành lập và phát triển, qua 18 kỳ LHPVN thì những gì vừa diễn ra ở LHPVN 18 không thể nói là ĐAVN lớn được. Và vẫn phải cần một sự "chăm sóc" toàn diện để tạo điều kiện cho nền ĐAVN lớn thật sự, mới mong thực hiện được khẩu hiệu: "Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập".

Hoài Hương


Ý kiến của bạn