Điện ảnh dân tộc đang ngắc ngoải?
Danh sách Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khóa VII Chủ tịch: Đặng Xuân Hải Các phó Chủ tịch gồm: 1. Dương Cẩm Thúy 2. Trịnh Lê Văn 3. Nguyễn Thị Hồng Ngát 4. Lại Văn Sinh |
Không biết có phải tinh thần "kính lão đắc thọ" đã theo rượu cao xương ngựa thấm vào tâm thức các nghệ sĩ điện ảnh, thức dậy nỗi nhớ nhung về quá khứ hay không mà ngay từ những tham luận đầu tiên các đại biểu đã thi nhau nói về thuở hoàng kim của điện ảnh nước nha, đồng thời mong mỏi BCH mới và tân Chủ tịch nỗ lực làm cho quá khứ huy hoàng ấy được có ngày sống lại. Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh bùi ngùi nhớ lại sự ăn khách của điện ảnh Việt Nam vào thập kỷ 80 với hơn 1.000 rạp chiếu bóng và CLB, thu hút hơn 360 triệu lượt người xem mỗi năm, gấp 3 lần số khán giả Hàn Quốc hiện nay. Bây giờ cả nước chỉ còn 91 rạp, trong đó chỉ có vài chục rạp đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, mỗi năm chiếu 150 phim ngoại nhập.
Nhà biên kịch Tô Hoàng cũng cho rằng: "Con bệnh điện ảnh dân tộc đang ngắc ngoải, sống thực vật, thở ôxy. Nhà nước cần mạnh dạn đầu tư để cứu sống nó hoặc rút ống oxy ra cho nó chết hẳn đi để 1 - 2 thập kỷ sau cho ra đời một nền điện ảnh khác. Mong BCH và tân Chủ tịch sẽ mạnh dạn gõ cửa các cấp, các ngành để lấy kinh phí nuôi điện ảnh nước nhà. Phải gióng trống khua chiêng kêu cứu cho điện ảnh nước nhà. Dòng phim nghệ thụât chân chính phải được nuôi dưỡng bằng tiền Nhà nước. Không có sự tài trợ của Nhà nước sẽ mất trắng một nền điện ảnh cách mạng đầy thành tựu nửa thế kỷ qua". Ông cho rằng điện ảnh phải là phim nhựa và phê phán xu hướng lấy doanh thu làm chuẩn đánh giá phim, đòi hỏi các ủy viên BCH mới phải đứng về phía các giá trị nghệ thuật, nhân văn đích thực, không bình giá trao giải theo các tiêu chí kiểu như phim của cây đa cây đề, phim của đạo diễn Việt kiều hay phim của các chủ tư nhân, không giao vai chính cho người mẫu chưa qua đào tạo về nghề diễn, cũng không trao giải thưởng cho các diễn viên nữ không biết diễn chỉ vì cô ta là người tình của đạo diễn nổi danh.
Đạo diễn Trần Vịnh cho rằng đạo diễn Lê Dân hoang tưởng khi nghĩ về chuyện phim Việt Nam dự LHP Cannes. Ông cho rằng còn lâu phim Việt Nam mới được chọn vào danh sách tranh giải chính thức ở LHP này. Ông nhất trí hoàn toàn với quan điểm của nhà văn Tô Hoàng về sự ngắc ngoải của điện ảnh dân tộc hôm nay. "Không thể coi thường, bỏ rơi điện ảnh dân tộc được. Mong BCH mới hãy đem thông điệp này đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng, các Bộ trưởng... "Hội không có quyền, không có tiền thì làm gì được? Xưa 10 phim, nay chỉ còn 1 phim, làm được gì? Phải bầu những người có nghề, có chính kiến, dám đấu tranh phản biện với Nhà nước để đòi hỏi đầu tư cho nghệ thuật, giáo dục truyền thống, giáo dục văn hóa...".
Những ý kiến gay gắt đồng loạt đòi Nhà nước có trách nhiệm hơn với điện ảnh nước nhà có vẻ đối lập với quan điểm cho rằng như thế là "ném tiền qua cửa sổ". Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh cho rằng với 15 tỷ một năm tài trợ cho điện ảnh để cho ra những tác phẩm đoạt giải thưởng quốc tế, đưa hình ảnh Việt Nam đến với thế giới như đã thấy trong những năm qua thì không thể nói việc tài trợ đó là vô ích được.
Cảnh phim Vua bãi rác của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. |
Truyền hình nhòm vào ghế tân Chủ tịch?
Khi định nghĩa "Điện ảnh phải là phim nhựa", những người thở than ai oán về số phận "ngắc ngoải" của điện ảnh dân tộc đã đụng chạm đến hàng loạt vùng nhạy cảm trong mối quan hệ giữa điện ảnh với truyền hình, điện ảnh Nhà nước và điện ảnh tư nhân. Đạo diễn Vi Hòa bức xúc: "Các anh chưa chuẩn về lý luận. Tôi làm điện ảnh phim nhựa nhiều năm ở Hãng phim Tài liệu, sau đó mới chuyển sang truyền hình. Tôi vẫn trình độ như thế, dàn cảnh như thế, chỉ khác về chất liệu ghi hình thôi. Sao anh Tô Hoàng lại coi chúng tôi là hội viên loại hai? Chúng tôi còn làm phim nhựa trước các anh. Tôi không đồng ý với anh Tô Hoàng vì anh loại chúng tôi ra khỏi nền điện ảnh Việt Nam".
Không biết ý kiến của đạo diễn Vi Hòa thuyết phục về lý lẽ hay đã động chạm đến nỗi niềm chung của những người từng làm phim nhựa nên nhà văn Tô Hoàng không phản đối, kéo đạo diễn Vi Hòa ra hành lang, hai người ôm nhau, mừng mừng tủi tủi. Thực ra thì số phận của điện ảnh vẫn nằm gọn trong số phận của phim nhựa mà thôi. Nhà văn Tô Hoàng nhấn mạnh "Điện ảnh phải là phim nhựa" là ông muốn nói đến số phận hẩm hiu, thất nghiệp, chơi dài của những người làm phim nhựa hôm nay. Nếu điện ảnh phim nhựa huy hoàng như ngày xưa thì chắc gì đạo diễn Vi Hòa đã phải cắp nón ra đi, chuyển sang truyền hình để thể hiện tài nghệ của mình trên băng hình điện tử.
Một số người cho rằng câu chuyện điện ảnh và truyền hình giữa nhà văn Tô Hoàng và đạo diễn Vi Hòa thực ra chỉ là phần nổi của tảng băng nhân sự đang từ từ được hâm nóng lên, hé lộ cái mạch ngầm cạnh tranh ghế tân Chủ tịch. Trong số các ứng viên hy vọng ngồi vào ghế Chủ tịch mới của Hội Điện ảnh Việt Nam có cả những hội viên đang làm truyền hình. Vì thế, nếu nói rằng truyền hình và điện ảnh “so gươm” trong Đại hội này thì cũng không ngoa. Chủ tịch Trần Luân Kim dù chỉ viết lý luận nhưng lâu nay vẫn được coi là người của điện ảnh phim nhựa nên việc lên tiếng khẳng định vai trò chính thống của phim nhựa trong hội nghề nghiệp này đã vô tình bỏ phiếu cho ông Kim, nhất là khi qua phiếu thăm dò, ông Trần Luân Kim được tới gần 400 phiếu tín nhiệm của hội viên. Tuy nhiên, cuộc "so gươm" giữa điện ảnh và truyền hình mới chỉ dừng ở kịch bản mà không thành hiện thực vì hai ứng viên nặng ký của hai lĩnh vực này là ông Trần Luân Kim và đạo diễn Khải Hưng cuối cùng đều xin rút.
Tiếp thị bằng phiếu thăm dò tín nhiệm?
Xung quanh chuyện phát phiếu thăm dò có nhiều vấn đề gây dị nghị. Phiếu phát ra, phiếu thu về và các kết quả đều do Hội Điện ảnh Việt Nam tự làm, tự công bố, không có ai kiểm soát. Lá phiếu thăm dò cũng không có chữ ký, chỉ là những cái dấu tích vào tên người trong danh sách đã in. Chỉ cần mười lăm phút thôi là người ta có thể tích vào hàng trăm lá phiếu để làm tăng tín nhiệm cho một người nào đó. Phiếu in ra bao nhiêu không thể kiểm soát. Hãng Phim truyện Việt Nam nhận về hơn một trăm phiếu thăm dò, nhưng người đi dự Đại hội cơ sở chỉ vẻn vẹn hai ba chục hội viên. Vì thế, dăm bảy chục phiếu thừa nằm trên bàn, không ai niêm phong để nộp lại cho Hội Điện ảnh Việt Nam. Khi có ý kiến phát hiện sự sơ hở này, NSƯT Bùi Cường đã vội cuốn tròn tập phiếu đó, cặp vào trong nách để yên tâm không có người nào có thể lấy thêm phiếu trắng mà tích thêm uy tín cho ai. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng, nếu các vị trong Văn phòng Hội muốn, họ có thể chẳng cần tạo ra hiện trường giả, mà cứ nghiễm nhiên “trương” ra những số phiếu tín nhiệm ngất trời cho ai đó.
Thành ra, cái cách dùng phiếu thăm dò tín nhiệm của hội viên kiểu này vừa là một "hoạt cảnh dân chủ" mà nhiều người thấy không thực chất, vừa là một cách tiếp thị cho một số ứng viên có máu mặt của hội nhà. Người ta đưa danh sách những người được nhiều phiếu tín nhiệm đề cử vào cương vị Chủ tịch Hội hay Ủy viên BCH vào trong hồ sơ Đại hội cũng hệt như các trang quảng cáo len vào giữa các tờ tạp chí. Nhưng những quý vị hội viên được "tiếp thị" chu đáo như thế khi được bầu vào BCH liệu có hoạt động không hay họ chỉ cần có cái chức danh đó để in card visit cho oai và để tác phẩm của mình có lợi thế trong các mùa chấm giải? Tuy nhiên, 15 ủy viên BCH mới hầu hết đều nằm trong danh sách "tiếp thị" bằng thăm dò tín nhiệm.
Lâu nay, Hội Điện ảnh hầu như chỉ là sân chơi của một nhóm người, thậm chí của 1 - 2 người. BCH hầu như không có vai trò gì đáng kể. Họ không biết trong 5 năm qua, Hội đã tài trợ cho ai, đã chi bao nhiêu tiền trong các trại sáng tác, các mùa giải thưởng, các sự kiện, các chuyến công du. Chủ tịch có thể điều hành mọi việc qua telephon, thậm chí để chánh văn phòng quyết định thay mình nhiều vấn đề hệ trọng như: Quyết định chọn bài hát của ngành điện ảnh do một nhạc sĩ nghiệp dư viết, quyết định danh sách các nghệ sĩ được lên sân khấu vinh danh, viết lời cho MC đọc trong Lễ trao giải Cánh diều vàng với những thông tin sai be sai bét. Ngay ở Đại hội này, có hội viên sinh hoạt trong Văn phòng Hội đã không được mời đến Đại hội của chi hội để tham gia bầu người đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc. Và cũng giống như Lễ trao giải Cánh diều vàng năm trước, nghệ sĩ Tố Uyên, con chim vành khuyên thơ mộng của điện ảnh nước nhà lại đến Cung Việt Xô khóc vì mình bị gạt ra khỏi sân chơi điện ảnh, không được tham dự Đại hội lần này.
Điện ảnh Việt Nam hôm nay không chỉ “so gươm” với truyền hình mà còn phải “so gươm” với quá khứ nhân văn oanh liệt của chính mình, để rồi dù thắng hay thua, các đại biểu ưu tú của nó cũng luôn luôn phải chia phần nhớ tiếc, lo âu và mất mát. Hy vọng BCH mới sẽ vượt qua những thách đố có tầm thời đại đó để đưa nền điện ảnh dân tộc vượt qua những thách thức của quá trình phát triển, để Hội Điện ảnh trở thành sân chơi có đẳng cấp của tất cả hội viên.
Đỗ Minh Tuấn