Suốt chiều dài lịch sử thông tin truyền thông Mỹ, cuộc chiến Việt Nam (VN) là đề tài được khai thác nhiều nhất. Tuy nhiên, đa phần những luồng thông tin mà truyền thông Mỹ đã đưa về chiến tranh VN là phiến diện và thiên vị. Rất may, sự thật đã không bị che lấp, bởi một số nhà làm phim tài liệu độc lập của Mỹ - với quan điểm tiến bộ - đã cố gắng vạch trần chân tướng bằng chính những thước phim trung thực, khách quan nhất của mình.
Họ đã bóp méo sự thật như thế nào
Trong công trình nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Journal of Broadcasting mang tựa đề: "Chiến tranh truyền hình: những xu hướng tin tức truyền hình về Việt Nam (VN) thời kỳ 1965 -1970", nhà xã hội học George Bayky đã điểm lại cách cung cấp thông tin của ba mạng truyền hình lớn nhất nước Mỹ là ABC, CBS, NBC, theo đó gần 50% tin tức chiến sự có liên quan đến hoạt động bộ binh hoặc không quân tại chiến trường; khoảng 12% là tuyên bố chính thức của chính quyền Sài Gòn (ngụy) và chính phủ Mỹ; chỉ có 3% cung cấp tin tức liên quan đến quan điểm của đối phương. Tỷ lệ phần trăm như vậy đủ cho thấy truyền hình Mỹ tỏ rõ thái độ thiên vị như thế nào. Ảnh hưởng của chiến tranh đối với quần chúng Mỹ và những vụ đi bộ cổ vũ cho hòa bình, dân chúng xuống đường, sinh viên biểu tình... của phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ chỉ được trình bày giới hạn và bị cắt giảm tối đa với tài liệu xuất phát phần lớn từ Lầu Năm góc. Hầu hết các thông tin về cuộc chiến đều bị chi phối bởi sự "bảo trợ" từ phía chính quyền Mỹ, với những sự thật đã bị bóp méo và uốn nắn theo cách mà các nhà cầm quyền Mỹ lúc đó mong muốn.
Nhận định về thái độ thiên vị này, George Bayky đã viết: "Gần như toàn bộ tin vắn chiến trường hàng ngày đều do các bộ phận quan hệ công chúng của quân đội Mỹ cung cấp". Chỉ trong năm 1971, bộ phận này đã chi hơn 200 triệu USD để xây dựng "kho sử liệu" theo cách này nhằm giới thiệu cho công chúng Mỹ hình ảnh "tốt đẹp nhất" có thể đạt được của quân đội Mỹ. Trong bộ phim tài liệu của đạo diễn Peter Davis mang tựa đề Làm thế nào để bán Lầu Năm góc, một cựu sĩ quan thông tin Mỹ đã thuật lại cách cung cấp thông tin bóp méo sự thật cho các phóng viên đến điều tra tại thực địa. Thí dụ, khi đoàn làm phim của Hãng CBS định thực hiện thiên phóng sự truyền hình về các vụ ném bom miền Bắc Việt Nam đến tiếp xúc với anh ta, nhờ giới thiệu phi công để phỏng vấn, anh ta cũng dẫn phi công đến nhưng trước đó đã dặn họ không nên nói điều gì. Một nhà quan sát nhận định: Các bộ phận thông tin cũng áp dụng cách làm giống như vậy khi dàn dựng các chiến dịch hành quân bịa đặt của binh lính Nam VN (ngụy) rồi cho quay phim. Sau đó phim được gửi cho các đài truyền hình nhỏ của Mỹ không đủ phương tiện đưa phóng viên đến VN và ra mắt công chúng.
Poster phim Lính mùa đông - Bộ phim về chiến tranh Việt Nam đã đoạt giải Oscar. |
Nỗ lực tố cáo chiến tranh của các nhà làm phim độc lập
Hollywood không thể dựa vào một sự tuyên truyền thiên vị như vậy để thuyết phục cả đất nước rằng đó là cuộc chiến cần phải có. Thay vào đó, chủ nghĩa xét lại mới của Hollywood đã đề cao những thước phim không những làm suy yếu niềm tin của binh lính Mỹ mà còn miêu tả chiến tranh với sự sợ hãi hơn là tôn vinh nó và làm lộ rõ sự vô mục đích của cuộc chiến mà người Mỹ đang theo đuổi.
Để chống lại cách nhìn phiến diện đầy mưu mô này, từ cuối thập niên 1960, một số nhà làm phim độc lập Mỹ đã đi thu thập hình ảnh ngay tại chiến trường VN nhằm có được sự thật về cuộc chiến. Trong bộ phim tài liệu Năm Hợi năm 1969, đạo diễn Emile de Antonio là người đầu tiên cố giải thích lý do sâu xa của cuộc chiến VN. Bằng phương pháp tỉ mỉ như nhà khảo cổ, Antonio nghiên cứu một số lượng lớn hình ảnh tư liệu lưu trữ từ thời thực dân Pháp và chứng minh hai điều: Chính sách can thiệp của Mỹ là âm mưu đã được hoạch định trước và thất bại quân sự là kết quả không thể tránh khỏi của một chính sách như vậy.
Đạo diễn thiên tài Joseph Shick (Phim Phỏng vấn các cựu chiến binh Mỹ Lai, năm 1970) cũng đã đưa ra điềm báo trước thất bại ấy qua thái độ hống hách, hợm hĩnh của trung úy Calley và đồng đội. Những tên lính biến thành tội phạm chiến tranh tàn ác sau khi trải qua khóa huấn luyện mất nhân tính được nhà làm phim tài liệu Frederic Wiseman tố cáo trong phim Khóa huấn luyện căn bản năm 1971. Còn thái độ phản chiến được thể hiện rõ nét trong phim Lính mùa đông. Trong phim này, chính các cựu chiến binh Mỹ đã thừa nhận hành vi man rợ mà họ từng làm ở Việt Nam nhân danh "văn minh phương Tây" và kể lại quá trình "tẩy não" trong trường huấn luyện - nơi họ được dạy dỗ phải bóp chết đạo đức và buông thả bản năng xâm lược. So với toàn bộ phim tài liệu nói về chiến tranh VN, đây là bộ phim có tác động công luận mạnh mẽ nhất. Phim kể về các cựu chiến binh trẻ tuổi (từ 20 - 27 tuổi) sau khi giã từ cuộc chiến VN về nước, họ đã nhận thức được rằng mình vừa tham gia tàn sát những người vô tội mà không bị đưa ra trước tòa án binh. Không chịu đựng nổi kết cục như vậy, họ lên tiếng phản biện chống lại sự dối trá của các phương tiện truyền thông đại chúng. 125 người trong số họ - không thuộc thành phần trốn quân dịch, không phải lính đào ngũ, từng được thưởng huy chương - đã tập hợp tại Detroit (Mỹ) hồi tháng 2/1971 để các nhà làm phim độc lập tha hồ khai thác trong khi các phương tiện thông tin chính thống của chính phủ thì ra sức tẩy chay.
Trong số các bộ phim về chiến tranh VN, được hình thành độc lập, không bị "dàn cảnh" bởi chính phủ Mỹ phải kể đến bộ phim Trái tim và khối óc (năm 1973) của đạo diễn Peter Davis. Bộ phim đã cố tìm hiểu và lý giải xem làm thế nào các đặc trưng văn hóa Mỹ lại có thể chấp nhận đẩy chiến tranh VN đến tầm vóc tội ác chống nhân loại được. Qua đó vạch trần những ngụy biện mù quáng được Mỹ dùng làm bình phong che đậy ý nghĩa sâu xa của hành động. Thế giới điện ảnh Hollywood vốn không ủng hộ chiến tranh tại VN của Mỹ nên đã không do dự trao cho phim Trái tim và khối óc một giải Oscar phim tài liệu hay nhất năm 1974.
Một cảnh trong vụ thảm sát Mỹ Lai đã được các nhà làm phim tài liệu sử dụng. |
Sự thật được phơi bày
Chiến tranh VN là biến cố quan trọng nhất trong lịch sử Mỹ đương đại nên cũng là đề tài được Hollywood khai thác nhiều nhất và lâu nhất. Ba mươi nhăm năm qua, mỗi khi tháng Tư trở lại, thì các kênh truyền hình ở Mỹ cũng như trên thế giới, đều đồng thanh nhắc đến cuộc chiến VN, cho chiếu lại những thước phim tư liệu và điện ảnh về chiến tranh VN với những nhìn nhận, bình phẩm khác nhau. Có một điều mà giới truyền thông dễ dàng nhận ra rằng, càng về sau này, càng xuất hiện nhiều bộ phim tài liệu gần với lịch sử hơn. Trong đó có cả những phim đã "giải mật" được các hình ảnh dối trá, sắp đặt, cho thấy những "xảo thuật" thông tin từng đánh lừa cả nước Mỹ và công luận thế giới về cuộc chiến tranh phi nghĩa ở VN.
Oliver Stone - một trong những đạo diễn lừng danh Hollywood, người từng đoạt 2 giải Oscar nhờ phim chiến tranh VN - từng xem chiến tranh VN là một bi kịch cho mọi người trong cuộc, ông nói: "Chính phủ Mỹ không hề tốt như cách họ giới thiệu với thế giới khi đưa quân vào VN". Chính ông là người tiên phong mở đường cho một trào lưu làm phim chiến tranh VN không theo lịch sử mà chính quyền Mỹ lúc đó muốn viết. Cách làm đó đã đem lại cho ông những giải Oscar danh giá và hiện ông đang đi tìm giải Oscar thứ tư của mình trong một bộ phim về đề tài chiến tranh VN.
Sự thật có phép lạ nhiệm màu: Sự thật giải thoát, sự thật hàn gắn và sự thật hòa giải - đó là thông điệp sâu sắc mà các nhà làm phim độc lập chân chính của Mỹ muốn hướng đến. Họ tin tưởng rằng chỉ những thước phim trung thực và nghiêm túc của mình mới có đủ sức mạnh hướng khán giả đến với thiện chí xoa dịu vết thương chiến tranh và khép lại một thời kỳ đã qua, mở sang những trang sử mới.
Minh Nghĩa (Theo Le Monde Diplomatique)