Đoàn làm phim Vượt qua Bến Thượng Hải do Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam và Trung Quốc hợp tác sản xuất vừa trở về từ Trung Quốc sau hơn một tháng thực hiện tại trường quay Hoành Điếm. Bộ phim được coi là phần 2 của Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông... Phóng viên báo SK&ĐS đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Hưng – quyền Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn về bộ phim này...
- Thưa ông, ông có thể cho biết vì sao lại lấy tên phim là Vượt qua bến Thượng Hải?
Kịch bản phim Vượt qua bến Thượng Hải do các nhà văn Hà Phạm Phú, Lê Ngọc Minh (Việt Nam) và nhà văn Giả Phi (Trung Quốc) thực hiện. Bản tiếng Trung có tên Phong vũ quá tam giang (Mưa gió qua ba sông), lúc đầu được đặt tên Việt là Hành trình qua ba bể, nhưng qua quá trình duyệt kịch bản, các thành viên Hội đồng duyệt kịch bản góp ý nên đặt một tên khác. Thực tế chuyện phim chỉ xảy ra ở Hạ Môn và Thượng Hải nên các tác giả chấp nhận cái tên do nhà sản xuất đặt là Vượt qua bến Thượng Hải. Bộ phim do hai đạo diễn Triệu Tuấn (Việt Nam) và Phạm Đông Vũ (Trung Quốc) đồng thực hiện.
- Ông có thể nói đôi chút về nội dung bộ phim?
Cảnh trong phim Vượt qua bến Thượng Hải |
Vượt qua bến Thượng Hải kể về giai đoạn Bác rời Hồng Kông về Hạ Môn, Thượng Hải (năm 1933). Đó là năm mà ông Nguyễn Ái Quốc sau khi thoát khỏi vụ án ở Hồng Kông (1931) thì mật thám Pháp và Chính phủ Nam Kinh Quốc dân đảng Trung Quốc đang ráo riết săn lùng ông. Con đường thông thường để đi Vladi Vostoc (Nga) là qua Tô giới Thượng Hải. Lưới mật thám Trung Quốc và Pháp đã giăng sẵn, với cả một bộ máy quân đội, cảnh sát hùng hậu. Nhưng Nguyễn Ái Quốc, với trí tuệ lớn, có sự ủng hộ của những người bạn quốc tế và đồng bào Việt kiều yêu nước đã vượt qua cuộc săn đuổi của kẻ thù để đến nước Nga. Trong đó, Văn phòng của bà Tống Khánh Linh là cầu nối đắc lực để ông Nguyễn Ái Quốc liên hệ với bạn bè cũ là các nhà hoạt động quốc tế chống phát xít của Pháp, Mỹ, Nhật.
- Có phải Vượt qua Bến Thượng Hải cũng cùng phương thức hợp tác như Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, thưa ông?
Phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông là hợp tác giữa hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam và Hãng phim Châu Giang (Quảng Đông). Còn bộ phim Vượt qua bến Thượng Hải không có đối tác Trung Quốc, kinh phí chỉ có 70% tổng dự toán, đúng bằng phần góp vốn của Việt Nam khi làm phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông năm 2001. Như vậy, Nhà nước chỉ cấp kinh phí cho làm bộ phim này là 11 tỷ đồng (phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông là 17 tỷ đồng năm 2001, trong đó Nhà nước cấp 10 tỷ đồng, phía Quảng Châu góp 7 tỷ đồng). Hãng phim Hội Nhà văn phải tự vận động các đơn vị tài trợ, góp vốn 30% còn lại và tìm một phương thức làm phim mới, tận dụng công nghệ, kỹ thuật của điện ảnh Trung Quốc, điều mà không thể không làm, vì với bối cảnh Thượng Hải năm 1933, điều kiện hiện tại không thể thực hiện được ở Việt Nam.
- Thế còn hình thức phim?
Hình thức bộ phim sẽ như mô hình của phim Hà Nội, Hà Nội. Nhân vật Trung Quốc nói tiếng Trung, nhân vật Việt nói tiếng Việt, có phụ đề 2 thứ tiếng. Đoàn làm phim sẽ là hỗn hợp, trong đó cùng một chức danh thì quyền điều hành là người Việt, còn làm thuê là người Trung Quốc.
- Dàn diễn viên của phim sẽ là cả diễn viên Việt Nam và diễn viên Trung Quốc và người vào vai Nguyễn Ái Quốc sẽ lại là Trần Lực hay Tiến Hợi?
Phía Việt Nam có 9 diễn viên tham gia, quan trọng nhất là vai nam chính Nguyễn Ái Quốc do diễn viên trẻ Minh Hải - Nhà hát kịch Trung ương đóng; sở dĩ chọn Minh Hải là do phía Trung Quốc casting, hơn nữa Minh Hải đã từng được chọn vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch nói Bác Hồ ra trận và được đánh giá là giống Bác từ hình thể, giọng nói cho đến điệu bộ, cử chỉ, Minh Hải còn thể hiện được những trường đoạn khó về diễn xuất nội tâm...; vai nữ chính Phương Thảo – cô y tá tận tình chăm sóc Người trong kịch bản có quê gốc miền Nam do diễn viên khá nổi tiếng ở TP.HCM đóng là Mỹ Duyên và một bất ngờ thú vị là vai trợ lý của Bác do diễn viên Quốc Quân – vốn được biết đến là người thường đóng vai phản diện và là diễn viên hài. Phía Trung Quốc có 11 diễn viên, trong đó có vai quan trọng là Tống Khánh Linh, được giao cho Chương Diễm Mẫn - nữ diễn viên nổi tiếng đã được đông đảo khán giả Việt Nam biết đến qua phim Hiệp khách hành.
- Khi nào bộ phim sẽ chính thức ra mắt khán giả?
Như bạn đã biết, đoàn làm phim vừa quay trở về Việt Nam từ trường quay Hoành Điếm, Trung Quốc để tiếp tục quay những phân cảnh tại VN trong thời gian một tháng, sau đó làm hậu kỳ ở Bắc Kinh (Trung Quốc) trong vòng hai tháng nữa. Phim dự kiến ra mắt khán giả vào đúng dịp lễ Quốc khánh 2/9/2010 với phụ đề gồm hai thứ tiếng Việt và Hoa.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Khánh Hưng (thực hiện)