Điểm tựa cho những thân phận bất hạnh...

18-10-2022 08:02 | Nhịp cầu Nhân ái
google news

SKĐS - Hơn 20 năm qua, mái ấm chùa Bửu Thắng 2 (tại xã Hòa Khánh, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã nhận, chăm chút, nuôi dưỡng hàng loạt đứa trẻ người Kinh, Ê Đê, Tày, Nùng… bị bỏ rơi.

Nhân ái xua tan nỗi bất hạnh

Từ vài chục năm trước, trong đêm khuya khi lũ làng đã chìm vào giấc ngủ sâu, từ cổng chùa vọng lại tiếng khóc yếu ớt rồi tắt lịm. Linh cảm như có điều chẳng lành, các nhà tu hành túa ra phía cổng. Một túi xách đen đã nằm bất động, bên trong là đứa trẻ tật nguyền, tím tái toàn thân.

Các nhà sư trắng đêm lo ủ ấm, chữa trị, đôn đáo tìm cách đưa đứa trẻ thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Đó cũng là thân phận bất hạnh đầu tiên đến với chùa Bửu Thắng 2. Cũng từ đó, như là "duyên nợ", những thân phận đến với chùa ngày càng nhiều hơn.

Điểm tựa cho những thân phận bất hạnh - Ảnh 1.

Những số phận bất hạnh được các nhà sư chăm sóc chu đáo.

Tâm tình với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, sư cô Thích Nữ Huệ Huyền, Phụ trách mái ấm chùa Bửu Thắng 2 chia sẻ: "Chăm sóc một đứa trẻ bình thường vất vả một thì những đứa trẻ lọt lòng đã bị bỏ rơi hay mang trên mình bao khiếm khuyết khó gấp mười, gấp trăm lần...

Có cháu vào chùa cả tháng rồi vẫn cứ ốm o, khóc ngằn ngặt và suy dinh dưỡng. Lúc này các nhà sư không chỉ như cha, như mẹ mà còn như một chuyên gia dinh dưỡng phục hồi sức khỏe cho các cháu. Đến giữa tháng 10/2022, mái ấm chùa Bửu Thắng 2 đang chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 50 cháu. Trong đó chỉ có vài em có cha, mẹ vì quá khó khăn nên để ở chùa, nhờ chùa nuôi còn lại đều là bị bỏ rơi cả.

Điểm tựa cho những thân phận bất hạnh - Ảnh 3.

Có em bất hạnh từ khi cất tiếng khóc chào đời nên các nhà sư càng thương yêu nhiều hơn.

Có những hoàn cảnh đến với chùa khiến lòng ai cũng nghẹn ngào dù là người tu hành hay các Phật tử phụ việc trong chùa. Đơn cử như cách đây ít tháng, giữa cái hanh hao khó chịu của giao mùa, một trẻ sơ sinh vừa cất tiếng khóc chào thế giới muôn màu vài ngày thì cũng là lúc em bị chối bỏ, bị đẩy xa vòng tay của người sinh thành.

Người thân đã không chấp nhận những khuyết tật trên cơ thể em nên đem đến vứt bỏ giữa cổng chùa. Các nhà sư chùa Bửu Thẳng 2 đặt tên cho đứa trẻ kém may mắn này là Diệu Sen vì em bị người thân vứt bỏ giữa mùa sen đang nở rộ. Cái tên cũng như nhắc nhở và khát vọng cho tương lai của em sẽ luôn thanh bạch, kiên cường, tinh khôi.

Điểm tựa cho những thân phận bất hạnh - Ảnh 4.

Các em bất hạnh được chăm lo cả sức khỏe và học hành.

Sư Huệ Huyền bảo rằng: "Cũng không rõ em dân tộc gì nhưng dù là dân tộc hay tôn giáo nào thì chùa cũng thương yêu, chăm chút như nhau. Cháu Diệu Sen sứt môi nên cho cháu ăn uống rất khó khăn. Cũng có vài cháu người Ê Đê, Nùng… thì may mắn hơn được gia đình đặt trong chăn ấm kèm sữa, tã mang đến bỏ. Có lúc nhặt được các cháu trong túi xách, lòng mình cũng run lên và có chút trăn trở sao người sinh ra các em lại vô cảm. Nhưng rồi nỗi trăn trở đó trôi qua nhanh như một cơn gió, đọng lại là tình thương, sự hoan nghênh chào đón thành viên mới. Cả sư phụ lẫn tất cả các chư vị hạnh nguyện của đấng Quan Âm luôn lặng thầm yểm trợ, nuôi nấng các em".

Điểm tựa cho những thân phận bất hạnh - Ảnh 5.

Các em đều được đến trường học hành đầy đủ như bạn bè cùng trang lứa.

Mỗi một đứa trẻ bất hạnh được chùa Bửu Thắng 2 nuôi dưỡng đều đặt tên gắn với một ý nghĩa theo suốt các em trong cuộc đời. Ví như: Đức Trí (giàu nhân đức và trí tuệ); Minh Anh (luôn thông minh, sáng suốt)…

Như cha, như mẹ, và là chuyên gia về tâm lý

Theo sư cô Hạnh Huyền, điều mà các nhà sư luôn chú trọng đặc biệt trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật là kỹ năng tâm lý, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Sợ các em dao động tâm lý vì nghĩ đến hoàn cảnh, gốc tích của mình hoặc là các cám dỗ khi các em ra chơi bên ngoài. Thế nên, dù lúc nào trong chùa cũng nuôi trên 50 cháu nhưng hàng ngày em nào cũng được các sư tâm tình, động viên kịp thời.

Điểm tựa cho những thân phận bất hạnh - Ảnh 6.

Dù bất hạnh bị bỏ rơi từ nhỏ nhưng ở chùa, ngày sinh nhật các em vẫn được tổ chức đầy đủ.

Có những em chỉ mấy tháng tuổi nhưng hàng đêm, các sư đã thủ thỉ: "Ngày con đến cả chùa rộn ràng lên. Người thì lo quần áo, người lo sữa. Và con từng ngày lớn lên với những gì đang có ở đây là tất cả những gì tốt đẹp nhất, bình an nhất mà cuộc đời ban tặng cho con, cho chùa. Các sư không mong gì hơn ngoài việc muốn con ăn nhanh chóng lớn, mong con thật nhiều sức khoẻ, mong con luôn được bình an. Con lớn lên hãy trân trọng mạng sống của mình và sống thật tốt để có ích cho xã hội…". Với mỗi đứa trẻ bất hạnh, lời thủ thỉ này hằng đêm còn như hành trang quý tiếp thêm cho các em sức mạnh tinh thần vươn lên mạnh mẽ.

Đã bước vào tuổi trăng tròn và luôn chăm ngoan, học giỏi, em Diệu Th. tâm tình: "Lúc bé em đã có lúc bật khóc khi bị bạn học gọi là đồ bị bỏ rơi, là con nuôi. Nhưng chính những lời dăn dạy, tâm sự của các nhà sư đã làm em cứng cáp lên, không quỵ lụy nữa. Hầu hết các em khác trong chùa cũng rất ngoan, học giỏi. Em nào năng khiếu về môn gì đều được nhà chùa cho đi học cái đó. Để lo trọn vẹn được vậy, nỗi cực nhọc của các sư phụ lại như nhân lên nhiều lần".

Sợ các em dao động tâm lý vì nghĩ đến hoàn cảnh, gốc tích của mình hoặc là các cám dỗ khi các em ra chơi bên ngoài. Thế nên dù lúc nào trong chùa cũng nuôi trên 50 cháu nhưng hàng ngày em nào cũng được các sư tâm tình, động viên kịp thời...
Sư cô Hạnh Huyền

Rưng rưng niềm xúc động, em Ka M (người Ê Đê) cũng thổ lộ: "Không có cha mẹ đẻ ở bên từ lọt lòng nhưng các nhà sư thương chúng em như con, vun vén không để thiếu thốn, thua thiệt điều gì với những đứa trẻ bình thường. Lớn lên em sẽ cố gắng học cái nghề có thể nuôi sống bản thân và phụ các việc khi nhà chùa cần. Vì đó chính là gia đình lớn của những đứa trẻ bất hạnh như em".

Chẳng nhớ chính xác ngày sinh của các em, các nhà sư chùa Bửu Thắng 2 chỉ đoán chừng ngày rồi làm khai sinh cho các em bị bỏ rơi nhưng đến các ngày kỷ niệm như: sinh nhật, ngày khai giảng, tết Trung thu… chùa đều tổ chức những bữa liên hoan nhỏ, đầy ấm cúng tạo ra không gian vui tươi, gắn kết cho các em.

Tương lai luôn rộng mở...

Để có biện pháp nuôi dạy tốt nhất, ngoài các giờ tụng kinh, làm các công việc của một nhà tu thì sư cô Hạnh Huyền lại nghiên cứu đủ các tài liệu để có cách truyền đạt giúp các em không cảm thấy có bất cứ khó chịu nào.

Điểm tựa cho những thân phận bất hạnh - Ảnh 8.

Dù thiệt thòi nhưng các nhà sư luôn cố gắng lo cho các em bất hạnh có tương lai tốt.

Với những đứa trẻ khi lớn lên, biết nhận thức thường hay bật lên câu hỏi vì sao cha mẹ ruột lại bỏ mình?. Trước những thắc mắc ấy, các nhà sư luôn tìm cách trả lời, an ủi các em một cách nhân văn nhất: "Ở một nơi xa nào đó, cha mẹ con đang dõi theo và mong điều tốt đẹp cho con. Có lẽ nước mắt họ cũng đã rơi nhiều vì không ai nỡ dứt bỏ giọt máu của mình. Sau này lớn lên, sư phụ mong con đừng giận trách mà hãy thứ tha, có lẽ họ chỉ đưa con đến cuộc đời này và không đủ duyên bên con. Sư phụ và tất cả chư vị thiện hữu sẽ chăm sóc con, nắm tay con vững bước trên đường đời này…".

Khó khăn còn bộn bề nhưng sư Hạnh Huyền vẫn luôn bừng lên niềm tin rằng: "Tương lai rồi sẽ tốt đẹp hơn với tất cả mọi người. Dù gian lao nhưng các số phận bất hạnh khác đến với chùa chúng tôi vẫn tiếp tục nhận để cưu mang. Cũng may, có nhiều Phật tử, tấm lòng cũng đã đến phụ giúp, chia sẻ cùng nhà chùa nên đời sống của các cháu cũng dần ổn định. Được giáo dục toàn diện, nhiều cháu vươn lên học giỏi...".

Những gia đình nhân ái với 500 lần hiến máu Những gia đình nhân ái với 500 lần hiến máu

SKĐS - Tại buổi gặp mặt gia đình hiến máu tiêu biểu năm 2022 do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 25/6, hàng chục gia đình, dòng họ, đã có mặt để chia sẻ với nhau "động cơ" khiến họ duy trì nghĩa cử cao đẹp này.


Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn